Chuyên gia lý giải hiện tượng người giúp việc bạo hành trẻ ngày càng nhiều

Chuyên gia lý giải hiện tượng người giúp việc bạo hành trẻ ngày càng nhiều

Theo TS Khuất Thu Hồng, trẻ bị bạo hành dễ bực bội, cáu gắt, mất bình tĩnh, lo sợ, bất an, thiếu tự tin và thấy khó chịu ngay cả với những điều bình thường….

Hình ảnh ghi lại cảnh người giúp việc bạo hành với bé 2 tháng tuổi. Ảnh: Giadinhmoi


Trẻ em luôn được ví như những mầm non cần được bảo vệ, chăm sóc. Nhưng “những mầm non” ấy ngày càng bị bạo hành nhiều hơn bởi chính người giúp việc. Đáng nói hiện tượng người giúp việc bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng.

Mới đây nhất, đêm ngày 22/11, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh người giúp việc bạo hành dã man em bé mới chưa đầy 2 tháng tuổi khiến dư luận vô cùng căm phẫn.

Chị Ngọc P, người mẹ của em bé đã đăng tải 3 đoạn clip ghi lại cảnh người giúp việc gia đình liên tiếp đánh, tát, quăng quật con chị trên trang cá nhân.

Chị P cho biết gia đình chị mới thuê người giúp việc tên Hoàn (SN 1960 quê ở Nam Định) thông qua một trung tâm môi giới việc làm. Bà Hoàn mới ở với gia đình chị được 2 tháng từ khi chị sinh em bé thứ 2. Hàng ngày, chị P ở nhà với con, nhưng sáng và chiều hay rời nhà một lúc để đưa đón bé thứ nhất đi học.

Trao đổi với phóng viên, TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng giúp việc bạo hành trẻ em là do không được đào tạo, thiếu đạo đức.

“Nhu cầu giúp việc có trình độ trong xã hội rất lớn nhưng thực tế quá thiếu, bắt buộc nhiều gia đình phải tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm. Trong khi người giúp việc không được đào tạo chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc trẻ. Ngoài ra người giúp việc cũng thiếu đạo đức nghề nghiệp. Từ đó dẫn đến cư xử bạo hành với trẻ em”, TS Khuất Thu Hồng cho biết.

Theo TS Hồng, việc trẻ em bị người giúp việc bạo hành rất khó để trách các bậc cha mẹ, nhất là trong cuộc sống hiện đại áp lực dành thời gian nhiều cho công việc như hiện nay.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.


“Có lẽ lúc này chúng ta chỉ nên đặt vấn đề cha mẹ phải cẩn thận hơn trong việc lựa chọn người giúp việc. Có thể lựa chọn dựa trên quen biết, hiểu biết tính cách của người giúp việc. Trong quá trình người giúp việc sống với gia đình phải liên tục kiểm tra, tránh hành vi bạo hành trẻ kéo dài”, TS Hồng cho biết.

Cũng theo TS Khuất Thu Hồng trẻ em bị giúp việc bạo hành sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần các cháu. Thậm chí ảnh hưởng tính cách các cháu sau này, ví dụ các cháu sẽ học cách cư xử bạo hành, học cách đánh người khác là đương nhiên, lớn lên hành xử cục cằn, xu hướng dùng bạo lực nhiều hơn.

“Vấn đề giúp việc bạo hành trẻ em là vấn đề xã hội chứ không phải chỉ là câu chuyện gia đình nữa”, TS Hồng cho hay.

Ở góc nhìn tâm lý học, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Trưởng Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng hành động bạo hành ảnh hưởng tới tâm lý phát triển của trẻ. TS Sơn cho biết, khi trẻ bị bạo hành sẽ dẫn đến hai dạng phản ứng xúc cảm có thể nảy sinh:

Thứ nhất, phản ứng xúc cảm thụ động là không làm gì mà chỉ chờ cho nó qua đi, sự phản ứng xúc cảm thụ động này lâu dài có thể làm cho cảm xúc bị chai sạn, khô khan.

Thứ hai, sự thay đổi cảm xúc trở nên rõ nét hơn, phát sinh những cảm xúc tiêu cực điển hình như: dễ bị kích thích (bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh), lo sợ, bất an, lo lắng quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, thiếu tự tin, dễ chán nản, buồn bã và mất mọi hứng thú, thấy khó chịu ngay cả với những điều bình thường, …

Chính những phản ứng xúc cảm này làm cho mối quan hệ với những người xung quanh trở nên khó khăn, nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với mình.

“Nhìn chung, hậu quả dễ thấy nhất là những thương tổn về cơ thể. Nhưng chính những hậu quả đáng đau xót về tinh thần như: rối loạn lo lâu, sợ hãi, sang chấn mới thật sự đáng thương”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Theo Hoàng Tiến( sở hữu trí tuệ)


TOP