Nam Định: Đường ngừng thi công giữa chừng, dân thấp thỏm lo tai nạn

Nam Định: Đường ngừng thi công giữa chừng, dân thấp thỏm lo tai nạn

Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 38B đoạn qua huyện Vụ Bản, Nam Định nhiều tháng nay ngừng thi công.

Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 38B đến đường chợ Lời – Đại Thắng đi đê hữu Đào trong đó có đoạn qua địa bàn xã Thành Lợi, Vụ Bản, tỉnh Nam Định được triển khai từ tháng 3/2015. Tuy nhiên, không hiểu vì sao nhiều tháng nay công trình đã ngừng thi công gây nguy hiểm và bức xúc đối với người dân địa phương.

Mỗi khi mưa, cả một đoạn đường bị ngập úng không lối thoát khiến người dân đi lại khó khăn - Ảnh: Trung Dũng

Mỗi khi mưa, cả một đoạn đường bị ngập úng không lối thoát khiến người dân đi lại khó khăn – Ảnh: Trung Dũng


Đột nhiên ngừng thi công, đường thành sông
Ông Trần Văn Năm (SN 1962), trú tại xóm B, xã Thành Lợi chia sẻ khi khởi công con đường, người dân chúng tôi đã nhiệt tình hưởng ứng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để công trình sớm hoàn thành góp phần xây dựng quê hương ngày một đổi mới, đi lên. Vì thế các hộ dân sinh sống ven hai bên đường đã tình nguyện hiến đất làm đường sẵn sàng phá tường, chặt cây theo lộ giới. Thế nhưng sau thời gian khởi công công trình bỗng dừng lại. Cho đến thời điểm hiện tại đơn vị thi công không thấy triển khai gì. Việc đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương.

Được biết, đoạn đường này thuộc dự án cải tạo nâng cấp khẩn cấp tuyến đường phòng chống bão lụt, đảm bảo an ninh quốc phòng từ Quốc lộ 38B đến đường chợ Lời – Đại Thắng đi đê hữu Đào do UBND huyện Vụ Bản (Nam Định) là chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm (có trụ sở tại TP Ninh Bình). Toàn tuyến dài 12,6km từ thôn Bất Di, xã Quang Trung đến xã Đại Thắng. Từ tháng 3/2015, dự án đã được triển khai thi công xử lý nền đường, cầu, cống tại các xã Liên Bảo, Đại Thắng, Thành Lợi (trong đó đoạn qua xã Thành Lợi có chiều dài khoảng 3km).

Tuy nhiên, sau khi triển khai một số hạng mục, không hiểu vì sao nhiều tháng nay công trình ngừng thi công. Theo quan sát, con đường mới hoàn thành được một số hạng mục phụ trợ, mặt đường so với các công trình có đoạn thấp hơn cả nửa mét. Vào ngày nắng, mỗi lần các loại xe đi qua bụi bay mù mịt. Còn ngày mưa thì lòng đường như những cái ao. “Ngày nắng mỗi lần xe đi qua là phải tay bịt miệng, tay bịt cốc nước đang uống mà bụi vẫn bám đầy. Còn ngày mưa thì đường như một dòng sông. Cuộc sống người dân bị đảo lộn”, ông Năm cho biết thêm.

Ngay cả hai chiếc cầu được xây dựng mới trên đoạn đường này sau thời gian đến nay sắt thép đã trở nên han gỉ, không đảm bảo chất lượng. Vì bị dừng thi công, chưa có lan can bảo vệ nên mọi người đi qua hai cây cầu này chỉ yếu tay lái là có thể lao xuống sông…

Nguy hiểm hơn là phía trước cổng trường mầm non Cốc Thành, do òng đường thấp hơn rất nhiều so với hạng mục phụ trợ làm cho nhiều phụ huynh khi đón con cháu bị ngã ở đoạn đường này. Cho dù cơn mưa từ đêm hôm trước nhưng đến trưa hôm sau, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn thấy đoạn đường phía trước cổng trường mặt đường như một cái ao. Một người dân bức xúc nói: “Đã nhiều người bị ngã ở đoạn đườn này khi đi đón con cháu. Chúng tôi có ý kiến là đổ cho cao bằng so với mặt cổng trường để phụ huynh dễ dàng đi lại nhưng chẳng thấy họ làm”.

Nguy hiểm rình rập

Nguy hiểm rình rập


Cũng trên con đường này, ngay từ cây số 7, Quốc lộ 10 rẽ vào là đoạn vượt qua đường sắt Bắc Nam. Vì con đường chưa thi công xong nên các hạng mục vẫn chưa đồng bộ. Đặc biệt là đoạn giao cắt với đường quốc lộ, đường sắt. Theo quan sát, từ phía trong đi ra đoạn đường này hoàn toàn bị hạn chế tầm nhìn nên không thể quan sát khi có tàu hỏa đi qua. Theo phản ánh của người dân địa phương, đoạn đường này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng làm chết nhiều người.

Đầu tháng 6 mới đây, anh Nguyễn Tài Dũng (SN 1976) hiện đang công tác tại Hà Nội trên đường về quê xém chút nữa thì xảy ra va chạm giữa xe ô tô của anh và tàu hoả. Anh cho biết: “Chỉ có may mắn mới cứu cả gia đình tôi khi chiếc xe của tôi đã kịp dừng lại cách con tàu đang chạy khoảng 1,5m. Đúng là bây giờ nghĩ lại vẫn tim đập chân run”.

Nguyên nhân được anh cho biết là người gác chắn bỏ đi uống nước chè nên không hạ gác chắn: “Nếu không có gác chắn thì mình có thể nhìn trước ngó sau, bình tĩnh qua đường sắt. Thế nhưng đằng này người dân trong làng kết hợp với chính quyền địa phương lập, thuê người canh gác nhưng người này đã không hạ gác chắn xuống trước khi con tàu chạy qua. Có gác chắn mà không hạ thì khác nào cái bẫy đối với người dân”.

Sau vụ việc anh Dũng có gọi điện liên lạc với lãnh đạo địa phương để phản ánh vụ việc nhưng chỉ nhận được những câu trả lời thờ ơ.

Sau khi nhận được kiến nghị của người dân phản ánh về tình trạng mất an toàn tại đường ngang vị trí km7, Quốc lộ 10, thuộc thôn Dương Lai, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, ngày 14/6, Chánh văn phòng Ủy ban ANGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái ký công văn số 224/VP gửi Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Ban An toàn giao thông tỉnh Nam Định đề nghị: “Khẩn trương kiểm tra công tác đảm bản an toàn giao thông, khảo sát kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông tại đường ngang này. Trên cơ sở đó lên phương án và bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, cải tạo nâng cấp đường ngang trên theo quy định đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông. Có báo cáo kết quả về Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia sau khi kiểm tra, xử lý”.

Trung Dũng – ATGT.vn


TOP