Chuyện về đất học Thiên Trường - Nam Định

Chuyện về đất học Thiên Trường – Nam Định

Thiên Trường – Nam Định là một trong những địa danh nổi tiếng về truyền thống hiếu học. Trên mảnh đất khoa cử này, việc học hành được nhân dân coi trọng, không chỉ là đạo lý “tôn sư trọng đạo” thông thường, mà trở thành phong cách sống, phạm trù đạo đức để mỗi người, gia đình, dòng họ, làng xã noi theo.

Mảnh đất biết bao tinh anh địa linh nhân kiệt, kết hợp diệu kỳ với những thơm thảo hữu tình của vùng quê phì nhiêu Nam đồng bằng sông Hồng, chung đúc nên tài năng nhiều bậc tiên hiền để đời sau phát huy, tiếp nối những trang vàng hiếu học.
Vàng son khoa bảng
Theo sử sách ghi chép, từ năm 1075 đến năm 1919, các triều đại phong kiến ở nước ta đã tổ chức 185 khoa thi với 2.896 người đỗ đại khoa (từ Phó bảng trở lên), trong đó có 47 Trạng nguyên. Thiên Trường – Nam Định có 88 vị đỗ đại khoa gồm 5 Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo; 2 Đệ nhất giáp; 2 Thám hoa; 2 Bảng nhãn; 15 Hoàng giáp; 46 Tiến sĩ; 16 Phó bảng. Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp các nhà khoa bảng đất Thiên Trường – Nam Định trong các triều đại phong kiến, chúng ta nhận thấy những bài học vô cùng quý báu.

Các bậc đại khoa chủ yếu xuất thân từ các gia đình nghèo, gắn bó với cuộc sống gian khổ chân lấm tay bùn của người lao động, nhưng ham học, thông minh, có ý chí vươn lên. Quê hương chính là chiếc nôi nuôi dưỡng vun đắp ước mơ và khát vọng cao đẹp của họ.

(Hình Trạng nguyên Nguyễn Hiền )

(Hình Trạng nguyên Nguyễn Hiền )


Trạng nguyên Nguyễn Hiền, vị trạng nguyên trẻ tuổi nhất (12 tuổi) trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam, vốn mồ côi cha từ nhỏ được người mẹ nghèo gửi cho cụ sư chùa Hà Dương (làng Dương A, Nam Thắng, Nam Trực). Trong bài viết kỳ thi đình đậu Trạng nguyên (năm 1247), ông đã đặt tên cho bài thi “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú” (Bài phú vịt con từ giã mẹ gà đi chơi hồ nước), gọi tắt là bài phú “Mẹ gà con vịt”. Ông đã lấy một hình ảnh có thực từ cuộc sống dân dã, với cảm quan trẻ trung tài hoa và minh triết của vị niên thiếu đầy mẫn cảm, rồi khái quát đạo lý làm người. Không có cuộc sống hồn nhiên, sinh động phong phú và đầy ắp tình cảm nhân văn, không thể có triết lý nhân sinh thấm thía như vậy. Chính ông, thuở còn là một cậu bé chăn trâu linh lợi đã làm cho sứ Tàu phải kinh ngạc, khi ông tìm ra giải pháp đơn giản nhưng đầy chất trí tuệ để xâu sợi chỉ mỏng manh qua vỏ con ốc nhồi. Sau khi đậu Trạng nguyên, ông được triều đình tin tưởng giao trọng trách đi đánh giặc Chiêm, cũng như đảm trách việc đắp đê quai vạc sông Hồng mở mang nghề nông, bảo vệ mùa màng bội thu. Ông được nhà vua quý trọng ban tặng “Đệ nhất hiền quý quan”.
(Hình Trạng nguyên Lương Thế Vinh).

(Hình Trạng nguyên Lương Thế Vinh).


Trạng nguyên Lương Thế Vinh cũng sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở làng Cao Hương, Thiên Bản (nay là Cao Phương, Liên Bảo, Vụ Bản). Những hiểu biết thực tế cuộc sống dân dã đã khơi gợi những ý tưởng tuyệt vời làm nên tài trí vị trạng nguyên toán học đầu tiên của Việt Nam. Ông soạn “Đại thành toán pháp”, một cuốn sách giáo khoa đầu tiên về toán học được đánh giá là sách toán học cổ nhất Việt Nam. Thời của ông, các công cụ tính toán còn thô sơ, chủ yếu vẫn là hai bàn tay, bấm đốt ngón tay để tính. Sau nhiều trăn trở nuôi ý tưởng làm một công cụ tính toán thuận tiện hơn, cuối cùng ông đã sáng chế ra “bàn tính gẩy bằng tay” thật độc đáo. Sản phẩm khoa học đó trở thành chiếc bàn tính thông dụng đầu tiên của Việt Nam. Ông là người trọng thực học, ghét lối học khoa cử rỗng tuếch. Trong bài “Văn sách thi đình” đậu Trạng nguyên (năm 1463), cũng từ những liên hệ hết sức sinh động và thông minh giữa sách thánh hiền với thực tế cuộc đời rồi nâng lên thành kế sách an dân trị quốc. Ông khuyên nhà vua và triều đình phải “đồng tâm nhất thể”, phải chú trọng kén chọn hiền tài để vì dân mà thực thi công việc. Bài văn được các quan giám khảo phê: “Quyển này có học thức, xứng đáng đỗ đầu” và được vua phê: “Quyển này rõ ràng không hổ danh là một bài đối sách, văn càng đọc càng cảm thấy thích thú”. Ông được vua bổ nhiệm đứng đầu Hàn lâm viện của triều đình.

Tuổi trẻ và tài năng mẫn tuyệt luôn đồng hành trong quá trình hình thành nhân cách danh nhân của các nhà khoa bảng. Con đường học hành thành đạt, lập thân lập nghiệp của các bậc đại khoa Thiên Trường – Nam Định hanh thông khi tuổi đời còn rất trẻ. Trạng nguyên Nguyễn Hiền đậu trạng nguyên mới 12 tuổi; Trạng nguyên Lương Thế Vinh đậu trạng nguyên khi 23 tuổi; Trạng nguyên Đào Sư Tích đậu trạng nguyên khi 24 tuổi; Hoàng giáp Trần Bích San đậu Giải nguyên khoa lúc 26 tuổi, đậu Hội nguyên và Đình nguyên Hoàng giáp lúc 27 tuổi; Trạng nguyên Trần Văn Bảo đậu trạng nguyên khi 27 tuổi… Sau khi thành đạt, họ luôn giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh cương phương, một lòng một dạ gắn bó với dân với nước, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực trong sự nghiệp “Kinh bang tế thế”, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm rạng rỡ cho non sông. Họ trở thành những bậc tài danh: Nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà toán học, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo… Trong những vị đỗ đại khoa có 1 vị giữ chức Nhập nội hành khiển, 6 vị là Đại học sĩ, 9 vị là quan Thượng thư, 3 vị là Tham tri, 2 vị là Tế tửu và tư nghiệp Quốc tử giám, 5 vị làm Tuần phủ, 1 vị là đại tướng Đồng quân, ngoài ra họ đều là những nhà giáo xuất sắc. Nhiều câu chuyện cảm động về trí thông minh, tinh thần quả cảm, lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng, khát vọng được phò vua giúp đời vẫn được lưu truyền với sự yêu mến và ngưỡng vọng.

Một sự trùng phùng kỳ diệu trở thành truyền thống cao đẹp của mảnh đất hiếu học này: Có dòng họ hiếu học và cháu con phương trưởng, có thầy giỏi và trò giỏi, có cha tài và con giỏi nối nghiệp. Vùng đất nức tiếng có nhiều người học giỏi được ca ngợi trong dân gian qua các câu nói: “Ông đồ Thành Nam”, “Ông đồ xứ Nghệ”, “Ông đồ xứ Quảng”… đã khẳng định vị trí của đất học Thiên Trường – Nam Định.

Trạng nguyên Đào Sư Tích (sinh tại Cổ Lễ, Trực Ninh) sinh trưởng trong một dòng họ (Đào tộc) giàu truyền thống khoa bảng. Cụ Đào Toàn Bân, cha của Trạng nguyên Đào Sư Tích đã từng đậu Hoàng giáp (năm 1362) được bổ nhiệm Thượng thư bộ Lễ. Cụ có ba học trò đều đậu giải cao: Con trai Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, học trò Lê Hiến Giản đỗ Phó bảng, học trò Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ; Cả bốn thầy trò đều làm quan trong triều. Trạng nguyên Lương Thế Vinh cũng có hai học trò đỗ đạt cao như Tiến sĩ Nguyễn Tất Đạt (Thái Bình), Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (Thanh Hóa). Trạng nguyên Trần Văn Bảo làng Cổ Chử (Nam Trực) là một danh sĩ nổi tiếng từng được vinh danh (cùng với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) là bậc “Đức nghiệp chi Nho”. Ông xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, thân mẫu phải đi cấy thuê để kiếm sống, rồi bị chết vì đói rét lúc ông còn quá nhỏ. Ông đã dụng công học hành, tu thân tích đức để thay đổi số phận, đồng thời nuôi dạy con cái để nên người. Ông có ba người con trai thành đạt, trong đó có hai con trai đỗ đạt: Con lớn Trần Đình Huyên, đỗ Tiến sĩ (năm 1586) được bổ nhiệm làm quan đến chức Công khoa đô cấp sự trung; Con thứ Trần Văn Thịnh đỗ khoa Tứ trường giữ chức Thượng thư trong triều đình.
5

Dân gian có câu: “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” (Làng Cổ Am thuộc đất Hải Phòng, làng Hành Thiện thuộc Xuân Trường, Nam Định). Ngôi làng cổ Hành Thiện từ xưa đã nổi tiếng với câu ca “trai học hành, gái canh cửi”. Mỗi khi trong làng có người đỗ đạt, làng thường tổ chức lễ khen thưởng trang trọng. Điều này đã động viên, khích lệ tinh thần học tập của lớp lớp “nho sinh”. Gia đình nào không có tiền cho con ăn học thì mọi người trong gia đình, dòng tộc và xóm giềng tự dạy cho nhau, người biết dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít… Nhờ đó, làng Hành Thiện có nhiều người đỗ đạt, làm quan trong các triều đình và nhiều người con ưu tú trong các thời đại sau. Hiện 80% số hộ trong làng có người đỗ đại học, cao đẳng trở lên, trong đó có 88 Giáo sư, Phó giáo sư, 60 Tiến sĩ, trên 800 Cử nhân, nhiều tướng lĩnh quân đội, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động…

Làng Hành Thiện nổi tiếng là vùng đất học nổi danh với dòng họ Đặng. Tiến sĩ tam giáp đệ nhất danh Đặng Xuân Bảng là một nho sĩ khoa bảng nổi tiếng. Ông nội của Tiến sĩ là cụ Đặng Nguyên Quế, một nhà nho chuyên tâm nghề dạy học. Thân phụ của Tiến sĩ là cụ Đặng Viết Hòe từng đỗ 7 khoa Tú tài. Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng được triều đình giao nhiều trọng trách ở nhiều tỉnh, thành, trước khi về hưu cụ là đốc học Nam Định.
5

Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCNVN Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) là con trai nhà nho Đặng Xuân Viện làng Hành Thiện và chính là cháu nội của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng.

Những nhà khoa bảng Thiên Trường – Nam Định đều là những tấm gương mẫu mực về nhân cách văn hóa. Khi còn niên thiếu đến khi đỗ đạt làm quan, họ đều có tình cảm đạo đức trong sáng, lối sống thủy chung nhất quán vì nghĩa lớn, vì sự hưng thịnh của quê hương đất nước.

Tam nguyên Trần Bích San, dân Sơn Nam hạ thường gọi là “Tam nguyên Vỵ Xuyên”, người được vua tặng cờ “Tam nguyên liên trúng” (đỗ liên tục cả ba kỳ thi), từng làm đến Tham tri bộ Lễ, có lần được cử làm Phó chánh chủ khảo trường thi Hương (1868), khi ra đề thi, ông đã gợi ý cho sĩ tử bộc lộ chính kiến của mình về chính sự (lúc đó triều đình nhà Nguyễn đã nhượng bộ thỏa hiệp với Pháp). Bị giáng chức, nhưng rồi tấm lòng ái quốc ưu dân được minh tỏ, ông vẫn được thăng hàm Tham tri. Ông có một tuyên ngôn về văn chương nghệ thuật đặc sắc mà đến nay vẫn nguyên giá trị: “Văn vô sơn thủy phi kỳ khí; Nhân bất phong sương vị lão tài” (Văn không có cảnh của núi sông sẽ không có khí chất; Người không từng trải gió sương sao gọi là người lão luyện tài giỏi).

Người thầy giáo khả kính của Tam nguyên Trần Bích San chính là Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị người làng Tam Đăng (Ý Yên) là con cụ đồ nghèo, nhưng học giỏi và giàu chí hướng. Năm 33 tuổi mới đỗ Hoàng giáp, ông được bổ làm Tu soạn viện hàn lâm. Được 7 năm ông cáo bệnh từ quan về dạy học ở quê. Tại đây ông đã vừa dạy học vừa chiêu tập người cùng làng khai khẩn lấn biển, lập ấp mới trại Sỹ Lâm (nay là xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải huyện Nghĩa Hưng). Năm 1858, Pháp nổ súng đánh vào Sơn Trà, Đà Nẵng, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị gửi dâng lên nhà vua “Trà Sơn kháng sớ” (Sớ kháng nghị việc Sơn Trà), rồi tập hợp các học trò cùng một số sỹ phu yêu nước Bắc Hà lập thành đội quân 365 người xin vua cho vào Đà Nẵng đánh đuổi giặc Pháp, mặc dù lúc đó ông đang có bệnh. Đội quân của ông đi đến Huế thì Pháp đã rút khỏi Sơn Trà vào đánh Gia Định.

Trước tấm sớ đầy nhiệt huyết của đội quân Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, tuy không được vua Tự Đức chuẩn y, chỉ ban lời ngợi khen và khuyên ông trở về Nam Định, những nghĩa cử cao cả ấy đã làm chấn động giới sĩ phu cả nước. Sử gia nhà Nguyễn trong “Đại Nam chính biên liệt truyện” còn ghi lời khen của nhà vua: “Không phải ta khen Nghị về sự tiến thoái nhanh nhẹn, mà là khen về sự khí tiết hơn người, gặp việc là hăng hái làm… An cư dưỡng lão, dạy bảo hiền tài, thế cũng đã là lo báo đáp, không nên tự cho như thế là chưa đủ”.

Phát huy truyền thống đất học
Tiếp nối nền tảng hiếu học của quê hương Thiên Trường xưa, đất học Nam Định nay đã phát huy lên tầm cao mới. Bao ước ao khát vọng của cha ông đang trở thành hiện thực.

Tên tuổi các vị đại khoa Thiên Trường – Nam Định đã trở thành tên các trường học của Nam Định: Trường Đại học Lương Thế Vinh, Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản), Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Nam Định); Trường THPT Trần Văn Bảo (Nam Trực), Trường THCS Nguyễn Hiền (Nam Trực), Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh), Trung tâm GDTX Vũ Tuấn Chiêu, Trường THPT Phạm Văn Nghị (Ý Yên), Trường THCS Trần Bích San (TP Nam Định)…

Em Trần Thị Mai Hương, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định đoạt huy chương Đồng trong kỳ thi Ô-lim-píc quốc tế năm 2012, môn Hoá học (thứ 4 từ trái sang).

Em Trần Thị Mai Hương, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định đoạt huy chương Đồng trong kỳ thi Ô-lim-píc quốc tế năm 2012, môn Hoá học (thứ 4 từ trái sang).



Nét đặc trưng, truyền thống ở mỗi người dân Nam Định là hiếu học, chăm lo cho sự học. Ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất Nam Định, từ thành thị đến nông thôn, từ ngõ xóm đến khu phố, trong nhà thờ hay nhà chùa đều sôi nổi những hoạt động chăm lo cho sự học.
Mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều trở thành môi trường giáo dục hiệu quả và lành mạnh. Phong trào khuyến học, khuyến tài ở Nam Định phát triển liên tục, sôi nổi, sâu rộng và đều khắp. Nam Định là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc thành lập Hội khuyến học. Tổ chức Hội khuyến học đã phát triển ở khắp các thôn, làng, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, dòng họ, nhà chùa, xứ đạo… với hơn 5.000 chi hội, thu hút gần 250.000 hội viên, chiếm 13% dân số. Toàn tỉnh cũng có 172.000 gia đình, chiếm 38% tổng số gia đình trong toàn tỉnh được công nhận là gia đình hiếu học, gần 3.000 dòng họ được công nhận đạt tiêu chuẩn dòng họ khuyến học…
Các em Bùi Xuân Hiển và Đinh Việt Thắng, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định đoạt huy chương Đồng trong kỳ thi Ô-lim-píc quốc tế năm 2012 môn Vật lý (thứ 3, thứ 4 từ trái sang).

Các em Bùi Xuân Hiển và Đinh Việt Thắng, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định đoạt huy chương Đồng trong kỳ thi Ô-lim-píc quốc tế năm 2012 môn Vật lý (thứ 3, thứ 4 từ trái sang).


Hoạt động khuyến học đã khơi dậy, hội tụ các tiềm lực để đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng xã hội học tập.Hiện nay, gần 100% giáo viên ở Nam Định đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Cùng với xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, Nam Định xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, kỷ cương. Với tinh thần của cuộc vận động “học thực chất, thi thực chất”, Nam Định có 14 năm liên tiếp dẫn đầu toàn quốc về giáo dục, đã hoàn thành phổ cập tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập trung học phổ thông. Đất học đã ươm mầm nhiều tài năng trẻ, chắp cánh cho hàng nghìn con em nhân dân lao động thành đạt nên người, nhiều tấm gương vượt khó học giỏi, giành các giải học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.


Năm nào, Nam Định cũng đứng đầu về tỉ lệ học sinh giỏi thi cấp quốc gia và nằm trong tốp đầu điểm bình quân vào các trường cao đẳng, đại học công lập trong cả nước.
Trung bình mỗi năm, Nam Định có hơn 2 vạn học sinh thi vào các trường chuyên nghiệp thì có tới trên 1 vạn là đỗ đại học. Kết quả đó không chỉ là kế thừa truyền thống lâu đời, sự chăm lo của toàn xã hội cho sự nghiệp giáo dục mà còn phản ánh quá trình lao động sư phạm nghiêm túc, đầy trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và sự miệt mài học tập của các em học sinh Nam Định, đóng góp nguồn nhân lực giỏi cho quê hương Nam Định và các tỉnh thành trong cả nước. Với nguồn nhân lực giỏi giàu truyền thống hiếu học, Nam Định là tỉnh duy nhất trong cả nước không nhận bằng tại chức trong việc tuyển dụng công chức mà chỉ xét tuyển người có hệ đào tạo chính quy tập trung dài hạn.
5

Đã có 750 năm mảnh đất này được mang tên Thiên Trường – Nam Định với những di sản văn hoá vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Tìm hiểu nghiên cứu về những tấm gương hiếu học của cha ông ta, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu đối với sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương đất nước.

Tân bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng

Tân bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng

Trong ảnh: Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

Trong ảnh: Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội


TOP