Công điện khẩn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định

Công điện khẩn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định

CÔNG ĐIỆN KHẨN CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
ĐIỆN:

– Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định;
– Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh;
– Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà; các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi

Hiện nay, cơn bão số 7 (bão SARIKA) đang hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão có khả năng đổ bộ vào đât liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định trong ngày 19-20/l0/2016 vào đúng kỳ triều cường, nước lớn nhất trong năm.
8Hồi 10 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135 – 150km/giờ), giật cấp 16. Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 -­ 20km. Đến 10 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) phía Bắc Vĩ tuyến 14,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,OOE. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 15,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Từ đêm nay (17/10), ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 10 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Nam Định khoảng 100km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Thực hiện nghiêm túc Công điện số 1829/CĐ-TTg ngày 16/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 12/CĐ-PCTT hồi 15giờ00’ ngày 16/10/2016 của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

2. Hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung triển khai phòng chống bão từ ngày 18/10. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh bám sát địa bàn được phân công để phối hợp với lãnh đạo các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão.

3. Khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh bão; hướng dẫn sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu thuyền đã về bờ. Từ 19 giờ ngày 17/10 nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; kiểm soát chặt chẽ số ngư dân, người sản xuất trên biển, yêu cầu tất cả tàu thuyền, người canh coi vây vạng vào bờ trước 17 giờ ngày 18/10.

4. Các địa phương, nhất là thành phố Nam Định và các huyện ven biển triển khai phương án di dời người và tài sản ra khỏi những nhà nguy hiểm, khu nhà không đảm bảo an toàn; phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển, ngoài đê, người ở trong đê tại các điểm xung yếu, du khách tại các khu du lịch đến nơi an toàn; kiên quyết không để người ở lại các chòi canh ven biển, người trên tàu thuyền đánh cá. Chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

5. Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông báo tình hình diễn biến của bão đến mọi người dân thông qua hệ thông thông tin đại chúng và hệ thông truyền thanh của các địa phương; hướng dẫn các cơ quan và nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, kiểm tra chặt chẽ, có giải pháp đảm bảo an toàn các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông, truyền hình, biển hiệu quảng cáo, chặt tỉa cành cây,..; chủ động thực hiện phương án phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ.

6. Chủ động tiêu rút nước đệm đảm bảo mực nước khống chế theo phương án được duyệt; sẵn sàng phương tiện, nhân lực chống úng bảo vệ lúa mùa và rau màu vụ đông.

7. Kiểm tra rà soát các công trình, nhà cửa, đê điều, các bến cảng, kho tàng ven biển để có biện pháp đảm bảo an toàn; phát hiện và xử lý ngay những sự cố hư hỏng trên tuyến đê sông, đê biển. Chỉ đạo ban quản lý dự án và nhà thầu đang thi công các công trình có liên quan đến tiêu thoát nước phục vụ phòng chống úng phải khẩn trương hoàn thành và thanh thải phế thải, đập tạm,… để chủ động chống úng. Các công trình trên tuyến đê biển, chủ động phương án đảm bảo an toàn người, vật tư, thiết bị, tài sản, an toàn công trình theo phương châm 4 tại chỗ.

8. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh trực đảm bảo 100% quân số săn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

9. Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thường xuyên cập nhật thông tin, tăng cường thời lượng đưa tin, thông báo diễn biến của bão và chỉ đạo của các cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh, không chủ quan. Điện lực Nam Định kiểm tra hệ thống lưới điện, có phương án tập trung ưu tiên cấp điện chống úng. Ngành thông tin và truyền thông phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão theo quy định; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh tập trung triển khai phòng, chống bão đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của đơn vị.

10. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua số điện thoại 03503849281 và 03503649217)./.

CHỦ TỊCH
Phạm Đình Nghị

Baonamdinh.vn


TOP