Diện mạo nông thôn mới ở Nam Định: Không còn xã dưới 10 tiêu chí

Diện mạo nông thôn mới ở Nam Định: Không còn xã dưới 10 tiêu chí

Bước sang giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Nam Định đang nỗ lực vượt khó, chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, quyết tâm về đích nông thôn mới (NTM) trước năm 2020.

Đường liên xã được mở rộng nhờ sự đóng góp của nhân dân

Giai đoạn 2010 – 2015, Nam Định là một trong 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng NTM và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Huyện Hải Hậu được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015 với 35/35 xã, thị trấn đều đạt chuẩn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định cho biết, năm 2016 có 57 xã, năm 2017 có 7 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn tỉnh đã có 176 xã (chiếm 84,2% tổng số xã) đã đạt chuẩn NTM.

Tính đến ngày 31/7/2017, 33 xã, thị trấn chưa được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó có 3 xã giai đoạn 2010 – 2015), không còn xã nào dưới 10 tiêu chí. Trong đó, 14 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; 19 xã đạt 10 – 14 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 18,29 tiêu chí/xã; tăng 2,09 tiêu chí/xã so với cuối năm 2015.

Theo Ban chỉ đạo NTM tỉnh Nam Định, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được 3.433,16 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách 1.289,12 tỷ đồng (chiếm 37,6%); vốn lồng ghép 172,68 tỷ đồng (chiếm 5%); tín dụng 1.144,2 tỷ đồng (chiếm 37,6%); doanh nghiệp 147,93 tỷ đồng (chiếm 4,3%); vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 599,51 tỷ đồng (chiếm 17,5%), nguồn khác 79,73 tỷ đồng (chiếm 2,3%).

Ngoài ra, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 890,3km đường giao thông nông thôn; 4.365 công trình thủy lợi cấp xã; 245 trạm biến áp; 3.066 phòng học; 42 nhà văn hóa xã; 216 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, xóm; 47 chợ nông thôn; 25 trạm y tế xã và bổ sung nhiều trang thiết bị, dung cụ y tế cho các Trạm. Hoàn thành 4 dự án cấp nước sạch nông thôn…

Đến nay, toàn tỉnh đã có 241 HTXNN chuyển đổi được từ 3 – 5 nội dung theo Luật HTX 2012 và đang hoạt động có hiệu quả. Thành lập 26 HTX, các HTX đã góp phần hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế hộ, làm tốt vai trò giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,8% năm 2015 xuống còn 2,57% năm 2016; 92 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, tăng 29% so với năm 2015. Ngoài ra, trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao để SX nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ như Cty Ngọc Anh, Cty Hải Đăng, Cty VinEco.

Cũng theo ông Tiến, lộ trình phấn đấu xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh đã được đặt ra những mục tiêu cụ thể: Ngoài các xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016, năm 2017 có thêm 31 xã và có từ 2 đến 3 huyện đạt chuẩn NTM; năm 2018 có thêm 7 xã và có từ 3 đến 4 huyện đạt chuẩn NTM; năm 2019 các xã, huyện còn lại đều đạt chuẩn NTM.

“Bước sang giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Nam Định quyết tâm thực hiện phương châm “Chung sức xây dựng NTM”. Không nóng vội chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân; nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM”, ông Tiến bộc bạch.

Theo Phương Vy(Nông nghiệp)


TOP