Fan người Anh vượt hàng trăm km về Nam Định xem bóng đá

Fan người Anh vượt hàng trăm km về Nam Định xem bóng đá

Chiều 20/5, ba fan nước ngoài có tình yêu với CLB Hà Nội đã không quản ngại đường xa để tới Nam Định cổ vũ đội bóng thủ đô thi đấu.

Khán đài C sân Thiên Trường – nơi có sự xuất hiện của các CĐV CLB Hà Nội trở nên đặc biệt hơn khi có sự xuất hiện của 3 cổ động viên người nước ngoài. Thomas, Clement và Alistair bỗng nhiên trở thành những fan hâm mộ đặc biệt giữa một rừng các cổ động viên người Việt.

Fan cứng của CLB Hà Nội

Tom, Clement và Alistair như những cổ động viên Hà Nội khác phải di chuyển tổng cộng 200 km cả đi và về cho việc xem CLB Hà Nội thi đấu tại sân Nam Định. Với những cổ động viên người Việt, việc di chuyển quãng đường xa như vậy để xem bóng đá đã là điều ít gặp chứ chưa nói đến những fan nước ngoài.

Phải 18h trận đấu mới diễn ra nhưng Alistair, Tom và Clement (lần lượt từ trái qua phải) đã có mặt ở sân từ 16h.

Cả ba đều là những giáo viên tại Hà Nội. Thomas (hay còn gọi là Tom), người Anh, cổ vũ cho Wolverhampton. Alistair người Ireland và là fan của Man United, trong khi Clement người Pháp, sinh ra tại Paris và cổ vũ cho PSG. Nhưng họ đều có một điểm chung là cổ động viên của CLB Hà Nội.

Đặc biệt Tom đã ở Việt Nam hơn 5 năm, và cũng chừng đó năm họ cổ vũ cho Hà Nội T&T ngày trước và CLB Hà Nội bây giờ. Họ thường có mặt ở các trận đấu sân nhà của CLB Hà Nội, và theo đội làm khách ở các trận tại miền Bắc.

“Mỗi đất nước tôi đi qua, tôi đều dành tình cảm với 1 đội bóng”, Tom cho hay. “Tại Anh, tôi yêu Wolverhampton, khi sang Đức tôi hâm mộ Union Berlin – một đội bóng chơi ở hạng dưới. Ở Việt Nam, tôi là fan của CLB Hà Nội. Tôi đã theo dõi đội bóng này được 5 năm rồi”.

“Hà Nội có phong cách (style) chơi bóng rất ấn tượng, và không chỉ có vậy đâu. Đội bóng thường xuyên có những chiến thắng và rất may là chúng tôi hiếm khi phải chứng kiến những thất bại”.

Trường hợp của Clement lại rất thú vị. Tom kể lại: “Clement sinh ra tại Paris và là fan cứng của PSG. Mùa vừa rồi Hà Nội có Loris Arnold – người từng chơi cho PSG nhiều năm trước, thế là Clement trở thành fan của Hà Nội”. Tom vừa kể vừa khoe chiếc áo anh đang mặc trên người. Đây chính là chiếc áo đấu được Loris tặng lại sau trận hòa trước Quảng Ninh mùa giải trước – trận đấu đã khiến Hà Nội mất chức vô địch vào tay Quảng Nam.

Nhớ lại trận đấu ấy, Tom như thể không tin vào những gì anh đang kể: “Chúng tôi thật kém may mắn mùa giải trước. Trận gặp Quảng Ninh, chúng tôi đến sân để chứng kiến đội bóng vô địch. Chúng tôi dẫn 2 bàn và vô địch tới nơi rồi. Thế mà tên Dyachenko xuất hiện, và một mình hắn ghi 4 bàn? Cậu có tin nổi không?”.

Về phần Clement, không sở hữu được chiếc áo của Loris nhưng anh lại có niềm vui khác: “Anh nhìn chiếc áo này của tôi đi, là của Samson tặng đấy. Sau trận đấu hôm trước (gặp HAGL tại cúp Quốc gia), tôi ở trên khán đài vẫy xuống và bảo ‘Samson, tặng tôi chiếc áo được không’? Thế là cậu ấy đưa luôn cho tôi, thật không thể tin nổi”.

Hai anh chàng ngoại quốc với những chiếc áo được tặng bởi các cầu thủ. Alistair phía bên ngoài chưa có áo, nên quyết tâm xin được chiếc áo đấu của tiền vệ Moses.

Vui buồn cùng bóng đá Việt Nam
Hành trình 100 km từ Hà Nội đến Nam Định trở nên gần hơn bởi những câu chuyện của họ. Cả 3 người đều là những fan bóng đá đích thực, không những am hiểu bóng đá quốc tế mà còn biết nhiều thông tin thú vị về bóng đá Việt Nam.

Một trong những vấn đề được nhắc tới là U23 Việt Nam. Tom cho hay: “Năm ngoái, khán giả đến sân xem Hà Nội chỉ khoảng 7.000 – 8.000 thôi. Năm nay thì lên tới 12.000. Các cổ động viên tới sân vì muốn chứng kiến Quang Hải hay Duy Mạnh, những cầu thủ vừa đá giải U23 của Việt Nam trở về. Khán giả đông nên có cảm giác như xem các trận đấu của tuyển Việt Nam vậy”.

Với Tom, Clement và Alistair, trải nghiệm thú vị nhất của họ là theo dõi đội tuyển Việt Nam thi đấu, và gần đây là vòng chung kết U23 châu Á. Theo Tom, hành trình của U23 Việt Nam là rất khó tin khi thầy trò HLV Park Hang-seo phải gặp toàn những đối thủ mạnh hơn nhưng vẫn tiến vào trận chung kết.

Ba cổ động viên đặc biệt cổ vũ CLB Hà Nội trên khán đài. Ảnh: Kiệt Trần.

Anh cho hay: “Các cầu thủ Việt Nam không triển khai bóng rõ ràng, chủ yếu phòng ngự và chờ đợi các pha bóng cố định hay sút phạt. Nhưng tôi thấy chẳng có vấn đề gì bởi so sánh từng cá nhân, cầu thủ Việt Nam không bằng được Iraq, Syria hay Qatar. HLV đã chọn cách chơi phù hợp là đưa trận đấu tới loạt luân lưu”.

“Nhưng trận chung kết lại không được như vậy”, Tom kể tiếp. “Đó là một trong những khoảnh khắc khó tin nhất tôi từng trải qua. Cứ nghĩ rằng sẽ có loạt penalty, nhưng rồi cầu thủ dự bị ấy vào sân và ghi bàn quyết định. Khoảnh khắc ấy thật không thể tin nổi”.

“Tôi biết tuyển Việt Nam hay bị thua ở những lúc không ngờ nhất. Tôi đã đi tới sân xem Việt Nam ở AFF Cup 2014 và 2016, Việt Nam đều thua như vậy. Nhưng bàn thua trong trận chung kết thật khó tin. Đó là trải nghiệm rất khó quên với tôi”.

Nhưng đối với Tom, giải đấu ấy cũng giúp người hâm mộ Việt Nam tới sân nhiều hơn, và khiến anh cùng những người bạn cảm thấy có niềm vui lớn mỗi khi ra sân và hòa cùng hàng vạn khán giả.

“Xem bóng đá tại Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời. Cậu biết đấy, giá vé vào sân thì rất rẻ, chỉ 1 đến 2 USD mà thôi. Các cầu thủ nhanh nhẹn, kỹ thuật. Và chúng tôi còn được uống bia nữa”, Tom hào hứng.

Theo Kiệt Trần
(zing.vn)


TOP