Gần 1/3 diện tích của Thái Bình và Nam Định có thể bị nhấn chìm do nước biển dâng

Gần 1/3 diện tích của Thái Bình và Nam Định có thể bị nhấn chìm do nước biển dâng

(TBTCO) – TP. Hồ Chí Minh sẽ bị mất đi 11% diện tích; gần 1/3 diện tích của Thái Bình và Nam Định sẽ bị nhấn chìm do nước biển dâng. Đó chỉ là những thiệt hại ban đầu của Việt Nam được ước tính nếu trái đất nóng lên 2 độ C (so với thời kỳ tiền công nghiệp).

11% diện tích TP.Hồ Chí Minh và 1/3 diện tích Thái Bình, Nam Định sẽ bị nhấn chìm do nước biển dâng. Nguồn: MDI

Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu trái đất nóng lên 2 độ C, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng lên 50cm. Khi đó, khoảng 7% diện tích đồng bằng sông Hồng và 4,5% đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập. Trong đó 11% diện tích của TP. Hồ Chí Minh, 27% diện tích của tỉnh Nam Định và 26% diện tích của tỉnh Thái Bình sẽ hoàn toàn ngập dưới nước.

Nước biển nóng lên cũng sẽ làm cho hơn 99% rặng san hô – nơi sinh sống của các sinh vật phù du mất đi. Thiếu sinh vật phù du, chuỗi thức ăn và hệ sinh thái của 9 triệu loài sinh vật biển sẽ bị phá vỡ.

Ngành thủy sản – hiện đang đóng góp 5,5% vào GDP của Việt Nam đã chứng kiến những ảnh hưởng ban đầu của BĐKH. Chỉ trong giai đoạn 2011 – 2015, có tới 83 loài hải sản đã không còn xuất hiện ở vùng biển Việt Nam. Chúng ta đã mất khoảng 14% trữ lượng hải sản chủ yếu như cá, tôm, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc – tương đương 710.000 tấn.

Năm 2018, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã tăng 1,2 độ C (so với mức tiền công nghiệp). Nếu không có nỗ lực giảm phát thải nào, Việt Nam sẽ tiến tới ngưỡng tăng lên 2 độ C chỉ trong 30 năm nữa và hơn 4 độ C vào năm 2100. Khi đó thiên tai và thời tiết cực đoan sẽ diễn ra ngày một thường xuyên hơn.

Tại hội nghị của Liên Hợp quốc về BĐKH COP24 vào tháng 12/2018, Việt Nam sẽ cam kết giảm phát thải khí nhà kính (GHG) từ 8% lên 8,8% năm 2030. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khống chế mức nhiệt tăng dưới 2 độ C, chúng ta sẽ cần đến những nỗ lực chưa từng có – đó là giảm lượng phát thải khí CO2 đến mức gần 0% vào năm 2050. Với mục tiêu này, cam kết hiện tại của Việt Nam cũng như các nước tham gia Hiệp định Paris về BĐKH là chưa đủ.

Hội nghị COP24 sắp diễn ra tại Katowice, Ba Lan vào tuần tới, các nhà lãnh đạo của hơn 120 quốc gia trong Hiệp định Paris về BĐKH sẽ cùng làm việc để đi đến những thống nhất quan trọng về việc thực thi các giải pháp kiềm chế sự nóng lên toàn cầu./.

Theo (thoibaotaichinhvietnam.vn)


TOP