Giai thoại thiêng về lễ rước ấn Thành Nam

Giai thoại thiêng về lễ rước ấn Thành Nam

Hàng năm hội rước ấn ở đền Trần tỉnh Nam Định luôn lôi cuốn được hàng vạn người. Và chưa ai lí giải được cội nguồn bộ ấn quý.
Nguồn gốc bí ẩn của bộ ấn
Để tìm hiểu rõ hơn nguồn gốc bộ ấn quý, chúng tôi đã tìm gặp các cụ cao niên của xóm Phúc và những người hiện đang được cử trông coi ngôi điện. Theo lời kể của ông Trần Quang Phiếu (85 tuổi), Trưởng ban hội điện Văn Lộc thì xuất xứ của bộ ấn được giả thiết do một tuần phủ mang về.

Chuyện là cách đây khoảng 200 năm, điện Văn Lộc được xây dựng với quy mô rất nhỏ, chỉ là mái tranh, vách đất. Năm 1942 điện được ông đội Khải người họ Trần trùng tu, sửa chữa lại bằng chất liệu gạch ngói. Sau đó điện do một nhóm tín đồ trong xóm đứng ra quản lý.

Đến năm 2005, nhân dân trong xóm đã góp tiền của, công sức tu sửa lại điện khang trang như ngày hôm nay. Dưới thời Vua Minh Mạng, bộ ấn đã được mang về đây lưu giữ.

Theo ông Nguyễn Văn Thư – Giám đốc Bảo tàng Nam Định, một thành viên trong đoàn nghiên cứu ấn Trần triều quốc bảo thì các con dấu, ván khắc tại điện Văn Lộc gắn liền với cụ Tuần phủ Thái Bình Trần Gia Du.

Ấn quý. (Ảnh minh họa).

Ấn quý. (Ảnh minh họa).

Ông Du sống vào khoảng giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Năm 1793 ông Du thi đỗ Hội nguyên dưới thời vua Lê Cảnh Thịnh (Tây Sơn), sau đó làm quan Tuần phủ Thái Bình rồi làm Án sát Yên Bái dưới thời Vua Minh Mệnh (1820 – 1840).

Trong thời gian làm quan Tuần phủ Thái Bình ông Du luôn hướng về mảnh đất chôn rau cắt rốn và bỏ nhiều tiền của để trùng tu xây dựng các đình chùa miếu tại quê nhà, trong đó có điện Văn Lộc.

Đặc biệt, ông Du còn tổ chức sưu tầm được một số con dấu gỗ, một số con dấu khác do ông cùng dân làng khắc lại, trong đó có một con dấu do đệ tử Trần Nguyên Minh tiến cúng. Từ sự kiện trên, giả thiết bộ ấn quý Trần triều quốc bảo do ông Trần Gia Du mang về khi đang làm tuần phủ là rất cao.

Ngoài việc lưu giữ bộ ấn quý gồm 11 chiếc, điện Văn Lộc còn thờ một sắc phong niên hiệu Duy Tân 5 (1911), bàn thờ, hương án, sập, thẻ bài… tất cả đều được sơn son thếp vàng và được công giữ một cách vô cùng cẩn thận.

Ly kỳ giữ ấn
Khi bộ ấn Trần triều quốc bảo phát lộ, không chỉ các nhà nghiên cứu lịch sử cảm thấy ngạc nhiên mà ngay bản thân người dân xóm Phúc cũng không khỏi ngỡ ngàng.

Bộ ấn quý Trần triều quốc bảo do hội điện Văn Lộc quản lý. Thành viên của hội lên tới hơn 100 người. Nhưng để quản lý trực tiếp bộ ấn thì chỉ thực có 5 hội viên. Ông Trần Quốc Toản – phụ trách nhang khói của điện Văn lộc vui vẻ tâm sự: “Khi đã biết về giá trị của nó rồi chúng tôi càng phải bảo quản cẩn thận hơn”.

Để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong việc bảo vệ ấn, các thành viên của hội điện Văn Lộc đã áp dụng luật quyền phủ quyết của Liên Hợp Quốc. Nghĩa là bộ ấn sẽ bí mật được luân chuyển bất cứ lúc nào từ nơi này qua nơi khác mà không ai được biết ngoài 5 thành viên của hội.

Bộ ấn được cất giữ trong một chiếc hòm rất nặng, chiếc hòm này có 5 bộ khóa, mỗi người giữ một chìa. Chỉ khi nào có mặt đầy đủ 5 thành viên thì chiếc hòm mới được mở ra.

Theo định kì hàng tháng, hội trong giữ ấn lại họp lại để lau chùi, bảo quản ấn quý, đồng thời quyết định xem có cần chuyển địa điểm của ấn hay không. Không chỉ địa điểm của ấn được giữ bí mật mà ngay cả danh tính của những người đang có trọng trách giữ ấn cũng phải được giấu kín.

5 thành viên trong hội trông giữ ấn phải là người từ 40 tuổi trở nên. Nhân thân, phẩm chất đạo đức phải tốt, con cháu hiếu thảo hòa thuận. Đặc biệt, khi đồng ý tham gia hội trông giữ ấn, tất cả đều phải thề sẽ giữ bí mật tuyệt đối, không được tiết lộ với bất kỳ ai, kể cả người thân tín nhất của mình. Nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật.

Ông Trần Gia Lợi – Phó hội điện Văn Lộc bộc bạch: Hội rất hiếm khi mở ấn cho người lại xem. Vừa rồi các nhà nghiên cứu cùng một số lãnh đạo cấp cao về thăm đền và nghiên cứu, hội mới một lần phá lệ mở bộ ấn cho người ngoài vào xem. Ông bày tỏ: “Nhiều khi cũng muốn tạo điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu, nhưng vì lệ làng và lời truyền của cha ông nên tôi không dám bước qua”.

Theo 24h.com.vn


TOP