GS Hồ Ngọc Đại lên tiếng về bộ sách Công nghệ Giáo dục và quan điểm của Bộ GDĐT

GS Hồ Ngọc Đại lên tiếng về bộ sách Công nghệ Giáo dục và quan điểm của Bộ GDĐT

Vuông- tròn- tam giác sẽ thay cách đánh vần từng chữ cái? Cải cách giáo dục khó hiểu? Là hàng loạt ý kiến tiêu cực về “Công nghệ giáo dục” đã tồn tại 40 năm qua, được dạy trên 48 cơ sở giáo dục trong cả nước.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tác giả của bộ tài liệu Công nghệ giáo dục đã có buổi nói chuyện để dư luận hiểu hơn về chương trình:

Trước băn khoăn của dư luận xung quanh việc học sinh đánh vần bằng hình vuông, tròn, GS Hồ Ngọc đại khẳng định, Vuông – tròn – tam giác không phải là cách phát âm, đó là việc sử dụng những hình học nhiều màu sắc để vật thể hóa âm tiết của từ, giúp trẻ hiểu về âm tiết cũng như giúp trẻ phát triển thêm khả năng học Toán cùng sự nhạy bén đối với màu sắc. Điều quan trọng cần nắm là những hình vẽ này chỉ đóng vai trò thay thế cho âm tiết, hoàn toàn không mang ý nghĩa của từ và cũng không thể thay thế từ trong giao tiếp.

Thực tế, năm 2013, Bộ GD&ĐT đã bỏ thuật ngữ “thí điểm”, đưa tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục như là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn theo hình thức tự nguyện, tự áp dụng nếu thấy thích hợp.

Không áp dụng đại trà

Trước những bất đồng trong dư luận xã hội về chương trình Công nghệ giáo dục, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản hướng dẫn đến các địa phương.

Theo đó, các Sở GD&ĐT địa phương triển khai tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục trên nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với điều kiện trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019.

Đặc biệt, sẽ chỉ triển khai trên các địa phương đã sử dụng chương trình Công nghệ giáo dục, không mở rộng để tạo sự ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục và đánh giá: về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

Đây là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã nêu quan điểm của Bộ về việc triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.

Theo Thứ trưởng, Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại, được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội. Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu này và đề xuất các giải pháp chỉ đạo

Phụ huynh chen lấn xếp hàng nộp hồ sơ vào Trường Thực nghiệm

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1- công nghệ giáo dục ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả. Trong báo cáo, Viện đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội đồng thẩm định Tài liệu theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tài liệu đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo Kết luận của Hội đồng thẩm định.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tài liệu là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.

Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Tỉnh “xa” như Bình Phước, 14 trường dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục

Ông Trần Văn Thường, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 trường với 67 lớp học triển khai dạy và học môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Ông Thường khẳng định, sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã được triển khai lâu, qua nhiều năm điều có kết quả tốt. Riêng năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn triển khai dạy cho 1.872 tại 14 điểm trường. Với 20.682 học sinh vào lớp 1 trên toàn tỉnh, số học sinh học theo sách Tiếng Việt 1 Công nhệ giáo dục chiếm 8,9%. Cụ thể, những huyện triển khai dạy sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là: huyện Bù Đăng có 5 trường gồm 21 lớp với 651 học sinh; huyện Bù Đốp 5 trường gồm 23 lớp với 660 học sinh; huyện Lộc Ninh với 4 trường gồm 23 lớp với trên 500 học sinh…

Theo ông Thường, 14 trường triển khai dạy sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là những trường vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn và đa số là học sinh dân tộc thiểu số. Theo đó, sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tại các vùng này.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước, việc triển khai dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được thực hiện bài bản và đạt hiệu quả theo từng năm. Cụ thể, tỷ lệ học sinh học môn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục xếp loại yếu hoặc chưa hoàn thành môn Tiếng Việt 1 ngày càng giảm nhiều. Theo dõi của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, học sinh học môn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đạt chất lượng tốt hơn đối với học sinh dân tộc thiểu số học môn Tiếng Việt theo chương trình hiện hành.

Tuy nhiên, hiện có ý kiến cho rằng việc Sở Giáo dục và Đào tạo vội vàng đưa vào triển khai sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục liệu có sự đồng ý tự nguyện của phụ huynh và học sinh theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chưa? Về ý kiến này, ông Trần Văn Thường cho biết, sau khi năm mới 2018 -2019 đi vào ổn định, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cho kiểm tra lại và cũng thăm dò thêm ý kiến phụ huynh để có đánh giá chính xác hơn về kết quả dạy và học môn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

T.N (Theo TTXVN, Vnews, Cổng thông tin Bộ GD&ĐT)


TOP