Trực Ninh: Chặt đứt ngón tay người khác chỉ bị án treo

Trực Ninh: Chặt đứt ngón tay người khác chỉ bị án treo

Dù không mâu thuẫn, nhưng nhóm giang hồ đất Cảng vẫn lạnh lùng cắt đứt một ngón tay của nạn nhân nữ. Hành vi của các đối tượng khiến dư luận địa phương bức xúc nhưng khi đưa ra xét xử sơ thẩm, TAND huyện Trực Ninh (Nam Định) chỉ tuyên các đối tượng mức án treo. Nhiều ý kiến cho rằng, hình phạt trên chưa tương xứng với hành vi phạm tội của các đối tượng.

Xe ô tô của luật sư Trần Văn Lý (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại) bị phụt sơn đen tại TAND huyện Trực Ninh sáng 11/7. ẢNh: X.T

Xe ô tô của luật sư Trần Văn Lý (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại) bị phụt sơn đen tại TAND huyện Trực Ninh sáng 11/7. ẢNh: X.T


Nhiều sai phạm trong quá trình điều tra

Như Báo GĐ&XH số 83 (ngày 11/7) đưa tin, do mâu thuẫn chuyện tiền bạc, chị Ninh Thị Băng (SN 1984, trú tại thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, Nam Định) đã ép chị Phạm Thị Phượng (SN 1971, ở địa phương) đến nhà bà Nguyễn Thị Chuyên (mẹ chồng Băng) để nói chuyện. Tại đây, chị Phượng bị Phạm Trọng Thuân (SN 1984, ở phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP Hải Phòng); Trịnh Thị Thúy (SN 1989, vợ Thuân) và Đỗ Văn Tuế (SN 1981, trú tại thị trấn Cát Thành) dùng vũ lực khống chế. Sau khi đè chị Phượng xuống giường, Thuân dùng chiếc kéo sắc nhọn lạnh lùng cắt đứt một đốt ngón tay trỏ, bàn tay phải của chị Phượng. Sau khi gây án, Thuân và Thúy bỏ trốn.

Trong vụ án này còn có một số người trong gia đình chị Băng tham gia gồm: Nguyễn Thị Chuyên, Phạm Tất Thuật, Nguyễn Văn Tảo, Phạm Thanh Nguyệt nhưng chỉ có Thuân, Thúy, Tuế bị khởi tố. Chính vì vậy, chị Phượng cho rằng cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, trong bản kết luận điều tra số 33/KLĐT ngày 3/4/2016 của Công an huyện Trực Ninh nêu ngày 8/2/2016, CQĐT mới bắt được hai đối tượng Thuân và Thúy, nhưng ngày 7/2/2016, điều tra viên Trịnh Trường Sơn (Công an huyện Trực Ninh) đã có trong tay biên bản hỏi cung đối với hai bị can này.
Theo luật sư Trần Văn Lý (bảo vệ cho chị Phượng), đây là vụ án do các thành viên trong một gia đình gây ra nhưng quá trình điều tra, lấy lời khai, CQĐT không tiến hành cách ly, điều này tạo điều kiện cho các cá nhân liên quan có điều kiện thông cung với nhau. Trong lời khai của các đối tượng liên quan như bà Băng, Nguyệt, Thuật, Tảo, Luyên đều có mâu thuẫn, nhưng CQĐT không tổ chức cho đối chất để làm rõ vấn đề.

Thẩm phán Chu Thái Hà, chủ tọa phiên tòa cho biết: Trong quá trình thẩm định hồ sơ, TAND huyện Trực Ninh có phát hiện ra lỗi về ngày tháng và đã trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan. Lý giải về việc, chưa bắt được hung thủ, công an đã có biên bản hỏi cung bị can, ông Hà nói rằng đó là sự nhầm lẫn về ngày tháng, do thời điểm bắt giữ Thuân, Thúy vào đêm Giao thừa, tâm lý anh em không tập trung. Khi phóng viên hỏi: Tại sao hai đối tượng bị bắt vào 1h50 rạng sáng 8/2, mà biên bản hỏi cung bị can Thúy lại được lập vào 8h sáng 7/2 và của Thuân là vào 14h30 cùng ngày thì ông Hà cho rằng, chắc biên bản hỏi cung bị can lấy vào ngày 8/2, nhưng ghi nhầm là 7/2.

Biết sai nhưng không sửa?

Toàn cảnh phiên xét xử.

Toàn cảnh phiên xét xử.


Theo thẩm phán Hà, từ quá trình điều tra cho đến ra cáo trạng rồi thẩm định hồ sơ trước khi đưa ra xét xử, các cơ quan tố tụng huyện Trực Ninh đều có sai sót. Bình thường khi thẩm định hồ sơ, TAND không để ý đến ngày, chỉ đọc nội dung. Vì hầu hết các vụ việc, về ngày tháng CQĐT đều làm chuẩn. Lỗi ở đây là do tin tưởng lẫn nhau. Khi đưa vụ án ra xét xử, mà vẫn còn tồn tại những lỗi như trên thì TAND vẫn phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng (kiểm sát viên) cho biết: Sau phiên xét xử ngày 6/7, VKSND đã yêu cầu phía Công an huyện Trực Ninh có giải trình về vấn đề ngày tháng trong biên bản hỏi cung bị can đối với Thuân và Thúy. Phía Công an huyện Trực Ninh cho rằng, chỉ là sự nhầm lẫn ngày tháng. Trả lời lý do vì sao phía công an có sự nhẫm lần ngày tháng đó thì trong 2 lần trả lời của ông Tùng đã xảy ra sự bất nhất. Tại phiên tòa ngày 6/7, đối đáp với luật sư về vấn đề trên, ông Tùng cho rằng, lỗi do thời gian Giao thừa giữa năm mới và năm cũ. Nhưng trong cuộc trao đổi với PV sáng ngày 11/7, ông Tùng lại nói rằng: Biên bản hỏi cung của Thuân và Thúy được lập vào ngày 17/2, nhưng điều tra viên ghi nhầm thành 7/2.

Lý giải vì sao có sự bất nhất trong 2 lần trả lời đó, ông Tùng nói rằng tại phiên tòa ông chưa xem xét kĩ hồ sơ, khi về nhà xem lại “mới ngớ người ra”. Trong quá trình thẩm định hồ sơ phía công an chuyển sang, ông Tùng cho biết thực sự lúc đó chỉ xem nội dung, còn những mặt khác như ngày tháng đều tin tưởng công an.

Chiều 8/7, PV đã gọi điện cho ông Đắc, Trưởng Công an huyện Trực Ninh để trao đổi và đặt lịch làm việc. Tuy vậy, ông Đắc cho biết bản thân chưa nắm được vụ việc trên nên cần trao đổi lại với tòa án. Ngày 11/7, PV đến trực tiếp trụ sở Công an huyện Trực Ninh để liên hệ công tác nhưng trực ban cho biết lãnh đạo đều đi vắng.

Luật sư bị “đe” tại tòa
Dù còn nhiều thiếu sót, thay vì trả hồ sơ điều tra bổ sung, HĐXX phiên sơ thẩm vẫn tuyên án. Theo đó, bị cáo Thuân 15 tháng tù (cho hưởng án treo); các bị cáo Thúy và Tuế bị phạt 9 tháng tù (cho hưởng án treo). Ngay sau phán quyết của tòa, nhiều người dân địa phương tỏ ra bức xúc và cho rằng mức án này chưa tương xứng với hành vi côn đồ của các đối tượng. Trong một diễn biến liên quan, suốt quá trình diễn ra phiên tòa, luật sư Trần Văn Lý liên tục bị nhiều người bên phía gia đình bị cáo có những lời lẽ văng tục, xúc phạm danh dự. Thậm chí, sáng 11/7, chiếc xe ô tô của ông Lý để trong khuôn viên tòa đã bị phụt sơn đen đầy kính.

Xuân Thắng – Giadinh.net


TOP