Nam Định: Khám phá làng cổ Dịch Diệp ngàn năm không đổi tên, ngắm cây "bổ đề đại lão" nghìn tuổi

Nam Định: Khám phá làng cổ Dịch Diệp ngàn năm không đổi tên, ngắm cây “bổ đề đại lão” nghìn tuổi

Làng Dịch Diệp (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) trước đây có tên gọi là Dịch Diệp Trang thuộc huyện Tây Chấn, trấn Sơn Nam, hình thành từ thế kỷ XI dưới thời vua Lý Thái Tổ.

Làng Dịch Diệp mang nét điển hình chung của làng truyền thống của người Việt đồng bằng Bắc bộ với nhiều nét đẹp cổ kính. Trải qua hàng trăm năm, ngày nay cái tên Dịch Diệp-tên gọi của làng vẫn được giữ nguyên vẹn.

Đường làng, ngõ xóm nối với nhau như ô bàn cờ

Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Trực Chính, huyện Trực Ninh (Nam Định) nhưng ở làng khác, cách làng Dịch Diệp không bao xa, khoảng 500m.

Hồi còn học cấp 1, tôi với đám bạn cùng trang lứa thường xuyên đi bộ vào làng Dịch Diệp để học thêm và ngắm cảnh, nô đùa.

Theo các cụ cao niên trong làng, Dịch Diệp Trang vốn là vùng đất học, nổi tiếng nhất nhì Thành Nam xưa, có nhiều người được làm quan to, thăng tiến liên tục.

Tôi nhớ không nhầm, những năm 2000, làng Dịch Diệp đơn sơ, mộc mạc, mang đậm chất hồn quê Bắc bộ, toát lên vẻ đẹp thuần Việt.

Trục đường chính dẫn vào làng được người dân xếp bằng gạch nghiêng, theo kiểu xem kẽ, viên này gài chặt vào viên kia. Còn đường vào trong các ngõ, ngách được xếp bằng đá xanh ở giữa, rộng khoảng 50cm, trải dài từ đầu ngõ đến cuối ngõ.

Cổng làng Dịch Diệp hướng Nam nối liền với cây cầu cuốn bắc qua sông vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Cổng làng và cây cầu tuy lối xây dựng đơn giản nhưng lại kết hợp ăn ý, hài hòa trong không gian một vùng quê Bắc bộ. Ảnh: Mai Văn Chiến

Đi sâu vào trong làng, nếu không tinh ý có thể bị lạc, không biết lối ra. Bởi các ngõ, ngách ở trong làng Dịch Diệp được thiết kế theo kiểu ô bàn cờ,như lạc vào ma trận.

Không những thế các ngõ, ngách đường vào rất nhỏ; hai xe đạp đi ngược chiều phải tránh nhau.

Điểm chung ở làng Dịch Diệp là các cổng vào nhà thường xây cuốn mái vòm parapol sâu từ 1-2m, nguyên liệu chủ yếu là gạch và mật mía.

Cánh cổng được làm bằng gỗ với kích thước to, rộng, kín mít như cửa nhà. Mái cổng lợp ngói, liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ hoa văn rất công phu.

Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi nhà mà vòm cổng có quy mô, bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa.

Ngày nay, theo vòng xoáy của thời gian, làng Dịch Diệp tuy ngày càng đổi mới nhưng vẫn mang cốt cách, hồn Việt và đậm chất làng quê Bắc bộ.

Theo người dân nơi đây, làng Dịch Diệp vẫn còn lưu giữ và bảo tồn được 6 cổng nhà cổ; 1 cổng làng cổ; 2 nhà gỗ (1 nhà hơn 100 năm, 1 nhà hơn 200 năm lợp ngói mũi nam); 1 cây cầu cuốn bắc qua sông; 3 giếng nước ở cuối làng…

Đặc biệt, người dân vẫn duy trì được các buổi họp chợ vào sáng sớm; chợ họp từ lúc 6 – 9h sáng là tan.

Cổng làng Dịch Diệp (Trực Ninh, Nam Định) được xây dựng năm 1864. Ảnh: Mai Văn Chiến

Ngoài ra, làng Dịch Diệp vẫn duy trì được nghề “kiếm tiền” của cha ông để lại, đó chính là nghề dệt cửi. Mặc dù, thu nhập từ nghề dệt cửi không được cao, nhưng người dân nơi đây vẫn quyết tâm giữ lại nghề truyền thống có từ bao đời nay.

Nếu có dịp về làng Dịch Diệp tham quan, du khách sẽ được thả hồn giữa một làng quê thuần Việt chính hiệu với bầu không khí trong lành; được nghe tiếng thoi đưa lách cách phát ra từ máy dệt cửi và được trò chuyện với những người dân mến khách, dễ gần.

Làng thờ Tam vị Thành hoàng

Tôi cùng ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp đi bộ dạo quanh một vòng làng.

Vừa đi, ông Hội vừa kể: Làng Dịch Diệp được hình thành từ thế kỷ thứ XI theo phong cách làng Việt cổ với 3 cổng làng. Đầu làng có cổng hướng Tây, giữa làng có cổng hướng Nam, cuối làng có cổng hướng Đông.

Tuy nhiên, đến nay làng Dịch Diệp chỉ giữ được cổng làng hướng Nam nối liền với cây cầu cuốn bắc qua sông do cụ Bá hộ Vũ Hữu Quỳnh cùng nhân dân xây dựng năm 1864.

Quả thật, từ cổng làng hướng Nam nhìn vào, chúng tôi đã thấy một khung cảnh làng hoàn toàn khác so với các thôn bên cạnh với hàng cây cổ thụ nối dài bên bờ sông. Cạnh cổng làng hướng Nam là Nhà văn hóa thôn Dịch Diệp được lợp bằng mái ngói, rộng 6 gian. Thật sự, ít có nơi đâu còn lưu giữ được hồn quê Bắc bộ như làng Dịch Diệp.

Nếu có dịp về làng Dịch Diệp tham quan, du khách sẽ được thả hồn giữa một làng quê thuần Việt chính hiệu với bầu không khí trong lành. Ảnh: Mai Văn Chiến

Một người dân thôn Dịch Diệp nhớ lại: Trước đây, các con đường vào làng được xếp bằng gạch nghiêng hoặc đá xanh.

Tuy nhiên, theo thời gian, để kịp bắt nhịp với phong trào xây dựng nông thôn mới nên hầu hết đường trong làng đã được bê tông hóa, ít có đoạn nào còn giữ được nền đường bằng gạch cũ. Nhưng trong làng vẫn còn lưu giữ được nhiều cổng, nhà cổ, giếng nước xưa.

Dừng chân ở quần thể di tích văn hóa đền – chùa Dịch Diệp, ông Hội chia sẻ, hệ thống di tích cổ làng Dịch Diệp còn có ngôi đền thờ Tam vị Thành hoàng là Chương Tấu đại vương, Lậu Khê đại vương và Phạm Vũ đại pháp thiền sư.

Đây là 3 vị tướng có công lao to lớn trong cuộc chống ngoại xâm phạt Tống, bình Xiêm thời nhà Lý và giúp địa phương mở rộng ruộng đất.

Làng Dịch Diệp còn lưu giữ được nhiều cổng nhà cổ. Anh: Mai Văn Chiến

Theo ông Hội, 3 vị này tướng này là người trong một gia đình, sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, đó là ngày mồng 6 tháng 3 năm 1056.

Để nhớ công ơn của các ngài, cứ 4 năm 1 lần, vào các năm Thân, Tý, Thìn, chính quyền và nhân dân làng Dịch Diệp lại tổ chức lễ hội đúng vào ngày mồng 6 tháng 3.

Hiện nay, trong đền còn lưu giữ 17 sắc phong và bức hoành phi mang 4 chữ “Thiện, Tục, Khả, Phong” do Vua Tự Đức ban cho làng với mong muốn làng tiếp tục phát huy các phong tục tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau.

Cách ngôi đình cổ không xa là chùa làng có tên là “Cổ Liêu Linh Tự”. Trong chùa còn lưu giữ được chiếc chuông đồng đúc năm Gia Long thứ 6 (năm 1818).

Ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi của gia đình cụ Phạm Phúc Biền ở làng cổ Dịch Diệp. Ảnh: Mai Văn Chiến

Cây Bồ Đề dáng 5 ngón tay với tuổi đời hơn 900 năm

Ngày nay, về làng Dịch Diệp, du khách sẽ phải ngỡ ngàng, khó tin nhưng đó là sự thật về cây Bồ Đề dáng 5 ngón tay với tuổi đời hơn 900 năm nằm trước cổng chùa làng.

Mặc dù, đã trải qua nhiều năm tháng, nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, thế nhưng “Bồ Đề đại lão” vẫn đứng hiên ngang, mạnh mẽ theo thời gian; vẫn xanh tươi, cành lá sum suê, nhiều tán trồng lên nhau, phát triển rộng lớn, điều đó càng chứng tỏ cụ cây có từ rất lâu rồi.

Thân cây Bồ Đề to khoảng 5 người lớn cầm tay nhau mới ôm trọn được và cây cao gần 20m, da cây xù xì.

Xung quanh thân cây mọc ra những chiếc rễ to khoảng 40cm, tựa như những tấm rèm. Mỗi nhành cây mỗi vẻ; từng nhánh cây, kẽ lá liên kết liền nhau như để hứng hết phong ba bão táp, ra sức che chở, bảo vệ cho dân làng.

Trong làng Dịch Diệp vẫn còn lưu giữ được 3 giếng xưa, hàng ngày người dân vẫn sử dụng nguồn nước giếng để giặt giũ quần áo, rửa tay chân…Ảnh: Mai Văn Chiến

Cuộc đời “Bồ Đề đại lão” đã gắn liền với bao thế hệ trong làng, lớn lên và phát triển theo năm tháng; cứ thế hệ trước kể cho thế hệ sau về cuộc đời của “cụ” cây, hình ảnh đó đã ăn sâu vào người dân nơi dây.

Vào những buổi trưa hè, người dân thường ra ngồi dưới gốc cây hóng mát, kể lại chuyện ngày xưa cho nhau nghe.Hình ảnh cây Bồ Đề cổ thụ đã trở nên quá quen thuộc với người dân làng Dịch Diệp.

Ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp cho hay: Tháng 4/2021, cây Bồ Đề hơn 900 tuổi dáng 5 ngón tay đã chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây là niềm vui lớn của làng Dịch Diệp nói riêng và xã Trực Chính nói chung.

Trước đó, vào tháng 3/2021, Đoàn thẩm định nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh Nam Định đã về làng Dịch Diệp tham quan và mong muốn địa phương cố gắng lưu giữ, bảo tồn các vật thể giếng nước, sân đình, cầu cuốn, cổng làng… để hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.

Đại lão Bồ Đề hơn 900 tuổi ở làng Dịch Diệp. Ảnh: Mai Văn Chiến

Đây là những viên đá xanh mà ngày xưa người dân xếp ở giữa đường để đi. Song, nhiều năm nay, các con đường vào ngõ, ngách được bê tông hóa, người dân đã xếp gọn vào 1 bên đường như muốn lưu giữ lại kỷ niệm xưa. Ảnh: Mai Văn Chiến

Chùa Dịch Diệp có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Mai Văn Chiến

Trong chùa làng Dịch Diệp vẫn còn lưu giữ quả chuông đồng đúc năm Gia Long thứ 6 (năm 1818). Ảnh: Mai Văn Chiến

Tags:

TOP