Hàng loạt cột điện đổ ở Nam Định: Người dân nghi ngờ là dễ hiểu

Hàng loạt cột điện đổ ở Nam Định: Người dân nghi ngờ là dễ hiểu

Công ty Điện lực Nam Định vừa chính thức khẳng định chất lượng cột điện đổ không vấn đề. Nhưng điều lạ khi đơn vị thi công lại được mời đi thẩm định.

Ngay sau khi có loạt bài phản ánh về tình trạng cột điện đổ hàng loạt sau cơn bão số 1 ở Nam Định khiến dư luận hồ nghi về chất lượng cột điện, PV đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo ngành điện tỉnh này.

Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Đạt – Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết: “Sau cơn bão số 1 vừa qua, theo dự toán đang lập, ước tính tổng thiệt hại của ngành điện trên địa bàn tỉnh khoảng trên 90 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, công ty đã khẩn trương kiểm tra, xử lý sự cố để đảm bảo công tác tưới tiêu thủy nông và đảm bảo nhu cầu sử dụng điện của nhân dân”.

Cũng theo văn bản trả lời phỏng vấn của công ty, tổng số cột hư hỏng trên địa bàn là 7.258/410.280 cột, chiếm 1,77%. Trong đó, số cột trung áp là 386/24.340 cột, chiếm 1,59%.

Với sự cố đổ cột điện hàng loạt, đặc biệt là số cột trung thế mới đươc ngành thay thế, ngoài một số công ty được trình bày trong văn bản trả lời phỏng vấn, ông Đạt cho biết qua quá trình kiểm tra xác định công ty có số lượng cột trung thế đổ nhiều là hai công ty: Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn Hà Nam và công ty Đầu tư và xây lắp Trường Sơn (Hà Nam).

Cột điện đổ sau cơn bão số 1 tại Nam Định.

Cột điện đổ sau cơn bão số 1 tại Nam Định.


Khi được hỏi về vấn đề nghi vấn chất lượng cột của hai công ty này, ông Đạt cho biết: “Theo quy định của Bộ Công Thương cho phép sử dụng cột dưỡng lực. Đặc điểm của cột này là làm từ thép dưỡng lực, độ chịu lực của loại thép này hơn rất nhiều lần, lực chịu đựng sắt hơn gấp 3, 4 lần cột điện thường, nhưng đặc điểm của nó là đường kính nhỏ, chỉ có phi 5, phi 7, phi 10 và chính thức sử dụng loại cột này từ năm 2012 tại miền Bắc nên khi nhìn bằng mắt thường, người dân có sự nghi ngờ là điều dễ hiểu”.

“Sau bão, công ty cũng đã mời một số công ty chế tạo cột điện đến hiện trường để trực tiếp kiểm tra các cột bị gãy đổ. Kết quả kiểm tra bước đầu đối với hai nhà sản xuất là Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn Hà Nam và Công ty Minh Long đều đảm bảo chất lượng”, cho Đạt nói.

Ông Đạt có giải thích thêm, số thép sản xuất cột đều nhập khẩu, các công ty chế tạo không tự sản xuất được. Cột chế tạo theo quy chuẩn được quy định. Nhà thầu xây lắp trúng thầu sẽ mua cột điện từ nhà sản xuất cột điện trên cơ sở thiết kế và tiêu chuẩn mời thầu. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra không thấy có dấu hiệu vi phạm về chất lượng.

Vị Giám đốc Công ty điện lực cho hay: “Cũng phải nhìn nhận công tâm về vấn đề cột điện đổ, do cơn bão số 1 là cơn bão lớn, có mức độ di chuyển phức tạp. Hệ thống cột đổ đa phần ở nông thôn, mưa lớn có hiện tượng ngập úng lâu ngày có thể làm nền bị nhũn. Đồng thời với gió lớn quật mạnh, có sự giằng xé nên đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cố đổ cột”.
Trước thắc mắc của PV về việc iệc thanh kiểm tra chỉ có hai bên là chủ đầu tư và công ty cung cấp cột điện có đảm bảo tính minh bạch, khách quan, Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết: “Khi thực hiện công tác thanh kiểm tra chất lượng cột điện, bên phía Điện lực Nam Định không chỉ có một thành phần tham gia mà có ba thành phần gồm đơn vi quản lý, đơn vị kế hoạch và bộ phận thanh tra pháp chế của công ty và phía công ty chế tạo cột điện”.

Trước đó, trao đổi với PV, đại diện Sở Công Thương tỉnh Nam Định cho biết, Sở là cơ quan quản lý chất lượng công trình tại địa phương. Tuy nhiên, thẩm quyền của Sở Công Thương chỉ dừng lại trong việc quản lý chất lượng các công trình được phân cấp theo vốn của UBND cấp tỉnh.

Theo quy định của pháp luật thì Bộ Công Thương là cơ quan có trách nhiệm quản lý phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan quản lý chất lượng công trình điện được pháp luật quy định. Sở Công Thương cũng sẽ thực hiện việc quản lý chất lượng nếu như được Bộ ủy quyền, giao nhiệm vụ… Do đó, câu chuyện về chất lượng cột điện vẫn là một bài toán nhiều ẩn số.

Theo: Nguoiduatin.vn


TOP