Kiến trúc dân gian qua các công trình Phật giáo ở Xuân Trường

Kiến trúc dân gian qua các công trình Phật giáo ở Xuân Trường

Huyện Xuân Trường có 36 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng, trong đó có 18 ngôi chùa có giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo; tiêu biểu như: Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng), Chùa Nghĩa Xá (Xuân Ninh), Chùa Xuân Trung (Xuân Trung), Chùa Kiên Lao (Xuân Kiên), Chùa Tự Lạc (Thọ Nghiệp)…

Các ngôi chùa ở Xuân Trường có những điểm đặc sắc về nhân vật được phụng thờ, nghệ thuật kiến trúc và lễ hội. Về thờ phụng, nhiều di tích ngoài thờ Phật còn thờ Thánh theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh” hoặc phối thờ các ông tổ có công khai hoang lập làng xã. Các vị Thánh được thờ ở các di tích trên hầu hết là các vị thiền sư, cao tăng có công với nước, với dân.

Tiêu biểu như các vị Thánh Tổ: Giác Hải Thiền sư, Không Lộ Thiền sư… Về nghệ thuật kiến trúc, nhiều ngôi chùa ở Xuân Trường có quy mô lớn, kiến trúc có sự giao thoa giữa chùa và đền, các mảng chạm khắc đa dạng phối hợp hài hòa các đề tài Phật giáo và dân gian. Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện là một tổng thể các công trình kiến trúc có quy mô lớn, được xây dựng đăng đối, mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII, XVIII).

Chùa Keo trong (Thần Quang tự) có phong cách thờ tự “tiền Phật, hậu Thánh”, được xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc” bề thế, bao gồm các công trình chính: Tam quan ngoại, tam quan nội kiêm gác chuông, chùa Phật, đền Thánh; hành lang tả, hữu, nhà kí đồ, nhà tổ, nhà oản, nhà bếp theo một trục dọc đường thần đạo với tổng thể 13 tòa rộng, dãy dài 119 gian. Các hạng mục kiến trúc trung tâm nổi bật, có giá trị nghệ thuật được các nghệ nhân dân gian thời Hậu Lê thiết kế như: Tam quan nội kiêm gác chuông, chùa Phật và đền Thánh.

Đây là cụm công trình mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của thế kỷ XVII. Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự) tuy có quy mô nhỏ hơn Chùa Keo trong (Thần Quang tự) nhưng cũng có kết cấu mặt bằng kiểu “nội công, ngoại quốc”, gồm các hạng mục chính: Tam quan, hành lang tả, hữu, chùa chính, gác chuông và nhà tổ. Công trình kiến trúc chùa được xây dựng đăng đối mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII.

Di tích còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc như trúc hoá long, rồng ngậm ngọc, đao mác lá hoả cùng các đề tài tứ linh, tứ quý. Sự hình thành tồn tại của khu di tích Chùa Keo góp phần minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam.

Bơi chải tại Lễ hội truyền thống Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng năm 2017.


Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật quốc gia Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh thờ Phật và các vị Thánh tổ: Giác Hải thiền sư, Không Lộ thiền sư… Chùa được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”, mặt quay về hướng tây. Tổng thể công trình bao gồm nhiều hạng mục tương đối quy mô bề thế còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc thời Hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII.

Phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm ba tầng, hai tầng trên hiện treo chuông và khánh. Sau tam quan, qua một sân rộng lát gạch là tòa giải vũ với quy mô 5 gian cao rộng. So với di tích khác, giải vũ Chùa Nghĩa Xá còn được dân làng dùng làm nơi hội họp, là nơi nghỉ ngơi cho tín đồ phật tử trước khi vào chùa lễ Phật, có chức năng như một ngôi đình của cộng đồng dân cư.

Sau giải vũ là chùa chính được dựng kiểu chữ “công”: Bái đường 7 gian, trung đường 4 gian và thượng điện 7 gian dài. Bài trí nơi thờ tự được phân bổ theo kiểu: “tiền Phật, hậu Thánh”. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị bao gồm: tượng pháp, văn bia, chuông khánh, kiệu bát cống, chân tảng đá cánh sen, sập thờ… mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.

Di tích lịch sử kiến trúc – nghệ thuật Chùa Xuân Trung, xã Xuân Trung ngoài thờ Phật còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không. Công trình kiến trúc Chùa Xuân Trung hiện nay được xây dựng theo kiểu “nội chữ đinh ngoại chữ quốc”. Tổng thể công trình gồm nhiều hạng mục, quy mô đồ sộ, bề thế còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê. Nằm về phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm hai tầng bốn mái, lợp ngói nam.

Hai bên tam quan còn có gác chuông và gác khánh, được xây theo kiểu “cổng làng” với các đao góc uốn cong mềm mại. Bộ khung của công trình chùa chính được làm bằng gỗ lim theo kiểu “giá chiêng” với các cấu kiện: câu đầu, quá giang, xà nách, bẩy tiền, bẩy hậu đều gia công theo dạng tròn. Đây là nét đặc biệt trong kiến trúc của thời Hậu Lê còn bảo lưu được tại di tích. Bên cạnh chùa chính còn có đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, phủ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, phía sau là nhà tổ và bao quanh là hệ thống nhà khách, tăng phòng… tất cả tạo thành một tổng thể khép kín hoàn chỉnh đã làm tăng thêm giá trị kiến trúc nghệ thuật cho khu di tích.

Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia Chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên được xây dựng theo kiểu: “Nội công, ngoại quốc”. Cổng chính tam quan chùa xây dựng kiểu chồng diêm, tầng trên là gác chuông được xây dựng vào năm Thành Thái Giáp Ngọ (1894). Qua tam quan là tòa bái đường 7 gian lợp ngói nam, mái cong. Bái đường 7 gian chịu lực trên 16 cột cái và 16 cột quân, kiến trúc theo kiểu kê đấu chồng rường. 6 vì kèo thiết kế kiểu chồng rường giá chiêng với các đấu sen chắc chắn nhưng tạo sự mềm mại.

Ở gian chính điện có 2 bức cốn chạm tứ linh, tứ quý công phu. Tiếp nối gian bái đường và tòa chính điện là giao mái hạ thấp bằng xà xối tạo nên kiến trúc nội cung theo kiểu trục dọc và 2 bên là cung phụ. Các tượng phật được bài trí theo 4 lớp bệ thờ từ cao xuống thấp. Phần hậu điện là tòa nhà 7 gian đối xứng với bái đường qua trục chính điện. Bao quanh công trình chính còn có hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà khách, vườn tháp mộ tạo thế khép kín bảo vệ chùa.

Chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp được xây dựng năm 1843, là di tích gắn liền với sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của 3 huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Chùa xây theo kiểu chữ “đinh” gồm bái đường 3 gian và tam bảo 3 gian xây dọc. Nhà bái đường đằng trước có 3 cửa ra vào. Hai đầu hồi là hai cột đổng trụ xây nhô ra. Tại gian giữa phía ngoài hiên xây thành hai tầng kiểu gác chuông ở hai tầng các cửa đều để trống và được xây cuốn vành mai với nhiều gờ chỉ thanh thoát.

Phía trên xây kiểu chồng diêm tám mái với những đao góc uốn cong nhịp nhàng. Toàn bộ ngôi chùa được lợp ngói nam, phía trong xây cuốn. Nhà tổ gồm 3 gian quay hướng đông, tại đây có tượng thờ nhà sư Thích Thanh Điến đã tích cực vận động các tín đồ phật tử cung cấp lương thực cho cán bộ và cất giấu vũ khí tài liệu, canh phòng cho cán bộ cách mạng hội họp tại cánh đồng phía sau chùa.

Những năm qua, các xã, thị trấn ở huyện Xuân Trường đã thành lập ban giám sát cộng đồng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo di tích các công trình Phật giáo. Từ nguồn kinh phí đầu tư chống xuống cấp di tích và nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Di tích Đền – Chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên được khởi công trùng tu, tôn tạo đầu năm 2016 với tổng kinh phí 18,33 tỷ đồng do Sở VH, TT và DL là chủ đầu tư.

Các hạng mục trùng tu gồm: nghi môn ngoại, tòa tiền đường các đền, chùa chính, khu thờ mẫu, nhà thờ tổ, nhà giải vũ nội, ngoại; các hạng mục tôn tạo gồm: hạng mục cửa, sân, mái, tường bao. Chùa Keo Hành Thiện và Chùa Đĩnh Lan được đầu tư, tôn tạo với số tiền hàng chục tỷ đồng. Chùa Viên Quang, xã Xuân Ninh từ năm 2010 đến nay, nhân dân địa phương và khách thập phương đã công đức gần 1 tỷ đồng để tu sửa các hạng mục đã xuống cấp.

Tại Chùa Xuân Trung đã huy động sự đóng góp của nhân dân trên 3 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo. Chùa Tự Lạc được trùng tu năm 2013 với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đền và Chùa Thọ Vực đã được người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để kè toàn bộ bờ hồ trước đền và chùa.

Các công trình kiến trúc Phật giáo thể hiện phong cách kiến trúc nghệ thuật và đời sống văn hóa tâm linh của người dân qua các thời kỳ. Trải qua thời gian, những ngôi chùa vẫn được nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện lòng thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh nét tài hoa và trí tuệ của tiền nhân./.

Theo Viết Dư( baonamdinh)


TOP