Làm giàu ở nông thôn: Cả làng ăn nên làm ra là nhờ cá cảnh

Làm giàu ở nông thôn: Cả làng ăn nên làm ra là nhờ cá cảnh

Cả xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) hiện có tới 70% hộ gia đình nuôi cá cảnh. Nhờ nuôi cá cảnh mà hầu như hộ nào cũng khá giả, ăn nên làm ra, có của ăn của để…Nuôi cá cảnh là mô hình làm giàu ở nông thôn xã Mỹ Trung hiện nay…

Theo anh Trần Trọng Đồng, thôn Đệ Nhị, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), nghề nuôi cá cảnh ở địa phương có từ khá lâu.

Bản thân anh theo nghề đến nay cũng đã được vài chục năm. Gắn bó với nghề nuôi cá cảnh, anh Đồng nói, cũng có nhiều buồn vui, tích lũy được vô số kinh nghiệm.

Quan trọng hơn cả, ngoài giá trị kinh tế cao, lúc nông nhàn, ngồi ngắm những đàn cá đủ màu sắc thi nhau bơi lượn, người nuôi cá cảm thấy vui vẻ, thư thái sau những giờ lao động căng thẳng, mệt nhọc.

Anh Trần Trọng Đồng, thôn Đệ Nhị, xã Mỹ Trung kiểm tra quá trình sinh trưởng của các loại cá cảnh. Ảnh: Hoa Xuân.

Đường vào xã Mỹ Trung mùa này 2 bên vệ đường xanh mướt bởi những giàn mướp soi bóng xuống khu đầm bãi, ao hồ mênh mông.

Làng xóm được ấp ôm bởi những dãy ao ngăn ô gọn gàng, trong mát. Cái nắng nóng đầu mùa oi ả, vì thế cũng được hạ nhiệt đi ít nhiều.

Là một trong những người đầu tiên của xã chơi cá cảnh, biết mang con cá đi “giao thương”, anh Đồng được giới chơi cá cảnh xa gần trong huyện biết đến.

Trước năm 1998, trong một lần đến nhà người quen ở thành phố Nam Định chơi, thấy họ nuôi cá cảnh trong bể đẹp quá, anh Đồng thích lắm. Anh lân la hỏi han cách nuôi, giống cá, giá cả…

Nhận thấy, nuôi cá cảnh rất phù hợp với đồng đất quê nhà, sẵn ao, anh Đồng bắt tay ngay vào nuôi cá. Những năm đầu tiên, anh chọn giống cá vàng, sư tử, cá chép Nhật để nuôi.

Một vài năm thấy hiệu quả kinh tế, anh động viên và rủ thêm anh em, người thân quen nuôi. Anh sẵn sàng đầu tư cá giống cho những hộ trong làng, ngoài xã muốn nuôi cá cảnh. Anh còn tìm thêm mối để giúp bà con nuôi cá xuất bán, được giá, yên tâm về đầu ra.

Hiện, anh Đồng có trên 1 mẫu ao, chia thành nhiều ao nuôi. Các loại cá mà anh nuôi gồm: chép Tầu, chép ta, cá Koi, cá sư tử, cá vàng…

Khác với nhiều hộ nuôi cá cảnh khác, anh Đồng xây dựng ao nuôi theo mô hình khép kín: tự sản xuất con giống, nuôi cá thương phẩm bán ra thị trường. Ngoài ra anh còn là đầu mối cung cấp giống, thu mua cá thương phẩm cho các hộ nuôi cá cảnh trong làng.

Một trong những loài cá cảnh được nhiều hộ dân xã Mỹ Trung chọn nuôi là cá chép đỏ. Cá chép đỏ bán chạy nhất là vào dịp tháng Chạp âm lịch hàng năm. Ảnh: Trần Quang.

Nuôi các loại cá cảnh lâu năm, công đoạn khó nhất theo anh Đồng là việc sản xuất, chọn giống. Theo đó, người nuôi phải có kinh nghiệm, con mắt “nhìn cá” để chọn được những cặp cá giống tốt nhất.

Những người nuôi cá có kinh nghiệm thường chọn các cặp cá đạt kích thước từ 3-4cm, cân đối đầu, đuôi, không bị dị tật, màu đẹp…làm giống. Khi đã chọn được, người nuôi chuyển con giống sang các ao nuôi riêng để có chế độ chăm sóc, phòng bệnh phù hợp.

Một số bệnh mà cá cảnh hay mắc là thối mang, xuất huyết, cùn vây…Với mỗi loại, anh Đồng lại có cách phòng bệnh, thuốc chữa trị riêng, tránh lây lan, ảnh hưởng đến đàn.

Các loại cá chép cảnh có thể sinh sản quanh năm nhưng mạnh nhất là vào các mùa xuân, hè và thu. Tháng 5, khi những cơn mưa rào đầu tiên xuất hiện, giống cá chép Nhật, chép Koi vào vụ sinh sản mới, đó cũng là những ngày bận rộn của gia đình anh.

Nhiều hộ dân xã Mỹ Trung cũng như 1 số xã của huyện Mỹ Lộc (Nam Định) đã nuôi thành công cá Koi Nhật Bản. Trong ảnh, đàn cá Koi Nhật Bản trong trại cá của hộ anh Phạm Văn Sơn, xã Mỹ Tân. Ảnh: Minh Phúc.

Thời điểm này đặc biệt quan trọng, do đó anh Đồng rất chú ý đến việc cho ăn, đảm bảo nước, oxi cho cá sinh trưởng và phát triển.

Tùy theo tình hình thời tiết mà người nuôi tính toán cho cá ăn hợp lý. “Nếu thời tiết đẹp, tôi có thể cho cá ăn 2 lần/ngày. Nếu hôm nào “xấu trời”, không khí trong ao nồng, tôi cho ăn ít đi, trung bình 1 lần/ngày.

Lý do là bởi lượng oxi trong nước thấp, cho ăn nhiều cá hô hấp kém, dễ bị ngạt dẫn đến cá chết”, anh Đồng giải thích.

Theo ước tính của anh Đồng, cả xã Mỹ Trung hiện có tới 70% hộ gia đình nuôi cá cảnh. Có một số hộ vừa nuôi cá cảnh, vừa nuôi cá thịt.

Tuy nhiên, theo như nhiều người nuôi cá ở Mỹ Trung cho biết, nếu những năm trước đây, cá thịt chiếm ưu thế thì khoảng vài năm trở lại đây, người nuôi lại chuyển dần sang nuôi cá cảnh. Lý do là thị trường, giá cả của cá cảnh ổn định hơn cá thịt, cá cũng ít bị dịch bệnh hơn cá thịt.

Hiện, cá vàng ở Mỹ Trung đang được bán dao động ở mức 4 đến 10.000 đồng/đôi, tùy trọng lượng to nhỏ. Cá chép Nhật được bán với giá 70 đến 100.000 đồng/kg. Cá Koi có mức giá 140 đến 200.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất có thể xuất bán cá Koi với giá 300.000 đồng/kg.

Khác với cá thịt, cá cảnh có thời gian nuôi ngắn hơn, 2,5 tháng, trọng lượng vài lạng là có thể xuất bán. Đối với cá giống, mỗi năm người nuôi xuất được từ 2-3 lứa. Cá thương phẩm, do thời gian nuôi lâu hơn nên trung bình mỗi năm người nuôi xuất bán được từ 1-2 lứa.

Cá cảnh ở Mỹ Trung hiện được bán ở khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc, tuy nhiên thị trường tiêu thụ mạnh nhất vẫn là Thủ đô Hà Nội.

Một số hộ nuôi nhiều trong xã có thể kể đến như hộ gia đình các anh, chị Thắng Hà, Hải Láu, Hiền Lương đều có vài mẫu ao, hằng năm xuất bán nhiều tấn cá cảnh.

Những tháng giáp Tết là thời điểm bận rộn nhất của dân làng nghề nuôi cá cảnh Mỹ Trung. Xe cộ khắp nơi đổ về nhập cá, cảnh buôn bán tấp nập diễn ra từ đầu làng đến cuối xã.

Những ngày này, anh Đồng có thể xuất bán từ 1-2 tạ cá/ngày. Ngày thường số lượng cá bán của anh cũng lên đến hàng yến.

Xây dựng, tôn tạo ao nuôi cá cảnh, cá thịt đang mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ảnh: Thanh Hoa.

Thu nhập từ việc nuôi cá cảnh giúp đời sống người dân làng nghề Mỹ Trung dư dả hơn so với trước. “Theo tính toán của tôi, mỗi hộ gia đình nếu làm 1 mẫu ao nuôi cá cảnh mỗi năm thu nhập được khoảng 100 triệu đồng.

Trừ chi phí giống, điện nước, thức ăn, thuốc phòng bệnh…cũng còn khoảng gần 70 triệu đồng tiền lãi. Số tiền này giúp những người nuôi cá có thêm chi phí trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành, sắm sanh nhà cửa.

Con cá cảnh đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Mỹ Trung. Nuôi cá cảnh là 1 trong những mô hình làm giàu ở nông thôn…”, anh Đồng phấn khởi cho biết.

Năm 2017, trừ các khoản chi phí, gia đình anh Trần Trọng Đồng thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi từ việc nuôi, kinh doanh cá cảnh.

Bắt đầu nhen nhóm từ niềm đam mê nuôi cá cảnh của những người như anh Đồng, đến nay các xã lân cận như: Mỹ Tân, Mỹ Hà, Mỹ Phúc, Mỹ Thắng ngày càng có nhiều hộ nuôi theo.

Con cá cảnh đã trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế trong gia đình các hộ nông dân nơi đây. Hướng đi mới này do đó đang mang lại hiệu tín hiệu tích cực.

Trong một tương lai gần anh Trần Trọng Đồng cũng như nhiều người nuôi khác tin tưởng rằng họ sẽ mở rộng được thị trường, giá cả của các loại cá ít biến động, thương hiệu cá cảnh xã Mỹ Trung được nhiều người biết đến hơn. Có lẽ vì thế, trên những vùng chuyển đổi mênh mông của xã, nhiều ao nuôi vẫn đang được mở rộng hơn trước./.

Theo Hoa Xuân (Báo Nam Định)


TOP