Làng nghề đúc đồng Tống Xá – Ý Yên – Nam Định – Cái nôi của nghề đúc đồng truyền thống

Làng nghề đúc đồng Tống Xá – Ý Yên – Nam Định – Cái nôi của nghề đúc đồng truyền thống

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 20km, làng nghề đúc đồng truyền thống Tống Xá thuộc địa phận xã Yên Xá trước đây, nay thuộc thị trấn Lâm, huyện Ý Yên. Đây được coi là một trong những cái nôi lớn của nghề đúc đồng truyền thống với bề dày phát triển đã 903 năm. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, các thế hệ nghệ nhân đúc đồng Tống Xá tài hoa đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước.

Theo lịch sử để lại, vào thế kỷ VIII, 2 ông Tống Phúc Thành và Dương Vạn Hợp đã đem theo gia thất đến 1 vùng đất cổ khai hoang, vỡ đất, trồng cấy, lập trang ấp, đặt tên là Kiến Hoà. Đến năm 1118, nhà sư Nguyễn Chí Thành (pháp danh Minh Không) quê ở làng Điềm Xá, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã về Kiến Hoà vãn cảnh chùa, dạo xem phong thổ, tìm hiểu dân tình, thấy khí vượng, nhân hoà, đức hiền đã ở lại chùa Đường Leo và cho tu sửa chùa đặt tên là “Cổ Liêu Tự”. Sau khi tìm thấy ở cánh đồng phía Đông Bắc làng Tống Xá có 1 loại đất sét có thể làm được khuôn đúc, ông đã gọi dân làng đến xem và đào một hố sâu để lấy đất sét mang về. Trong 7 tháng lưu lại vùng đất này, từ ngày 12/02 đến ngày 12/9/1118 ông đã hướng dẫn mọi người dùng đất sét để làm khuôn đúc và dạy cho dân làng nghề đúc kim loại, kéo bễ, thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng. Cánh đồng lấy đất sét làm khuôn đúc đến nay vẫn tồn tại và được biết đến với tên gọi là cánh đồng Cầu Hố. Để tưởng nhớ công lao của người đã truyền nghề, dân làng Tống Xá đã lập đền thờ ông tại làng từ thế kỷ thứ XII và gọi là đền thờ Đức Thánh Tổ, chọn ngày 12/02 âm lịch làm ngày tri ân và mở Hội.

Sau khi được chỉ dạy, truyền nghề, ban đầu người thợ làng Tống Xá mới chỉ làm ra những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cụ Dương Doãn Phương ( thân sinh của 2 cụ Dương Doãn Lâm và Dương Doãn Thị) chủ lò đúc đồng Tống Xá đã đúc nhiều sản phẩm đồ đồng hiện vẫn còn lưu giữ và thờ tự tại đền Đức Thánh Tổ như bức tượng Thánh Nguyễn Minh Không bằng đồng nặng trên 100kg được đúc vào năm 1909; 3 bát hương bằng đồng cỡ lớn, nặng khoảng 30 – 40kg, có hoa văn rất đặc biệt được đúc vào khoảng trước, trong năm 1897 và năm 1909.

Đặc biệt, trong khoảng vài chục năm gần đây, làng nghề đúc đồng Tống Xá đang sản xuất ngày càng đa dạng các sản phẩm đồng phong phú, đường nét tinh xảo, chất lượng cao, nặng hàng chục tấn như tượng Phật Bà Quan Âm đúc năm 2005 đặt tại chùa Tống Xá; tượng Vua Lý Nhân Tông đúc năm 2006 và Lý Thái Tông đặt tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc năm 2008 đặt tại Định Hoá, Thái Nguyên; tượng Tổng Bí thư Lê Duẩn đúc năm 2009 đặt tại Quảng Trị; tượng Người Công nhân đúc năm 2004 và tượng Bà mẹ bế con nâng cánh diều đặt tại Công ty than Mạo Khê; tượng Người Công nhân đúc năm 2004 đặt tại khe Chàm Quảng Ninh; Lư hương đúc năm 2015 đặt tại trước cửa Đền Thánh Tổ …

Nhiều thế kỷ đã trôi qua, trải qua không ít những thăng trầm, bể dâu của lịch sử nhưng nghề đúc đồng vẫn trường tồn bất tử mà minh chứng rõ nét nhất được thể hiện trong tín ngưỡng thờ Tổ nghề của người dân làng Tống. Ngày 12/02 âm lịch hàng năm được chọn là ngày tri ân và cứ 3 năm 1 lần sẽ tổ chức lễ hội vào các ngày 10, 11 và 12/02 âm lịch để tưởng nhớ các vị Tổ nghề và các bậc danh nhân có công khai thôn, lập ấp. Mọi nghi thức trong phần lễ và phần hội đều được trao truyền, giữ gìn, phục dựng và tiếp nối,có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng, trở thành di sản văn hóa đặc trưng tiêu biểu của cộng đồng dân cư làng Tống Xá nói riêng và của tỉnh Nam Định nói chung. Từ những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và vai trò của lễ hội đối với đời sống cộng đồng,Đền thờ Đức Thánh Tổ làng Tống Xá đã được Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du Lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Nhà nước năm 1994. Đến năm 2020, Lễ hội nghề đúc được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Qua đây thể hiện sự tôn vinh công lao Đức Thánh Tổ nghề đúc, đồng thời khẳng định cái nôi đúc đồng trước tiên phải kể đến là làng Tống Xá – Thị trấn Lâm.

Từ năm 1993, nhiều tổ hợp đúc đồng ở Tống Xá đã chuyển sang thành lập các Công ty đúc thép, hiện Tống Xá có khoảng 15 công ty và tổ hợp vẫn còn duy trì và ngày càng phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương. Để lưu giữ và phát triển nghề đúc truyền thống, mỗi người thợ làng Tống Xá vẫn luôn phấn đấu nâng cao trình độ, tay nghề để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, đa dạng, không chỉ phục vụ nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội mà còn hiện thực hóa được khát vọng hội nhập, khẳng định thương hiệu đúc đồng truyền thống Tống Xá -Thị trấn Lâm- huyện Ý Yên – tỉnh Nam Định./.

(Tác giả: Dương Minh Đức – Tống Xá – Yên Xá.)

Tags:

TOP