Hơn một nghìn hộ dân đóng với số tiền 2,4 tỷ đồng để cấp nước sạch, thế nhưng, hơn 2 năm qua người dân mòn mỏi đợi nước sạch trong vô vọng.
Hàng trăm hộ dân xã Nam Thái, huyện Nam Trực, Nam Định đang bức xúc trước việc gia đình mình đã đóng tiền nước sạch từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn không có nước để dùng.
Theo phản ánh, mỗi hộ dân phải đóng 1,9 triệu đồng cho công ty cấp nước sạch và phải đóng trước ngày 1/5/2013. Thế nhưng, từ đó đến nay, người dân càng đợi càng thất vọng khi công trình cấp nước sạch đắp chiếu. Công ty thi công ôm tiền của dân rồi bỏ đó.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Phạm Duy Chinh (60 tuổi, thôn Hải Hạ, xã Nam Thái) cho biết: “Việc chúng tôi đóng tiền mà đến nay không được cấp nước sạch khiến người dân rất bức xúc. Khi chúng tôi nhận được thông báo của xã thì như kiểu thách đố người dân vì chỉ ra hạn cho chúng tôi đóng đến 1/5/2013 thôi, còn những hộ dân nào đóng sau ngày 1/5/2013 thì phải đóng thêm tiền lên.
Từ lúc ra thông báo đến hạn cuối cùng nộp chỉ có 10 đến 15 ngày, nhiều hộ gia đình không có tiền phải đi vay hoặc bán thóc đi để nộp. Đến bây giờ, hơn 2 năm nay rồi, mà chúng tôi vẫn không có nước sạch, dù chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần”.
Được biết cả xã Nam Thái có 1.305 hộ dân đóng tiền với số tiền lên đến hơn 2,4 tỷ đồng để mong cấp nước sạch về dùng.
“Thôn chúng tôi có 98 hộ dân đóng với tổng số hơn 198 triệu đồng. Tôi thu hộ của người dân rồi nộp cho xã, bây giờ không có nước người ta cứ đòi tiền tôi. Nhiều lần họp, chúng tôi kiến nghị lên xã giải quyết cho người dân, thế nhưng xã cũng chỉ khất lần khất lượt rồi bảo chúng tôi đợi. Chúng tôi đã đợi hơn hai năm rồi mà có được giải quyết đâu, bây giờ người dân mất lòng tin vào chính quyền xã”, ông Nguyễn Văn Lạp, trưởng thôn Thạch Bi, xã Nam Thái bức xúc cho biết.
Ông Phạm Văn Quyền, trưởng thôn Hải Hạ thông tin: “Thôn Hải Hạ có 112 người đóng với tổng số hơn 212 triệu đồng. Khi có thông tin, người dân ở đây phải đi vay đóng chứ làm gì có nhiều tiền trong nhà mà đóng liền lúc được 1,9 triệu đồng.
Lúc đó, xã thông báo nếu ai đóng sau ngày 1/5/2013 thì phải đóng tăng tiền lên đến 4,5 triệu đồng, nên người dân phải vay để đóng trước thời hạn. Thế nhưng, đến nay người dân vẫn đang mòn mỏi chờ nước mà không có dù đã kiến nghị nhiều lần lên xã, lên huyện”.
Không những thế, có những thôn đóng trên 100 hộ như thôn Lạc Thiện có 127 hộ đóng với tổng số tiền hơn 241 triệu đồng; thôn Khánh Thượng có 129 hộ đóng với tổng số tiền hơn 245 triệu đồng.
Bức xúc trước sự việc trên, người dân thôn thôn Tiền Vinh, xã Nam Thái đã làm đơn kiến nghị lên UBND xã để làm rõ sự việc vì sao lại chậm cấp nước sạch cho dân dù đã hơn 2 năm trôi qua. Thế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Số tiền 2,4 tỷ đồng đi đâu?
Được biết, dự án nước sạch cho người dân ở xã Nam Thái do Công ty cổ phần Quảng Hưng Thành do ông Phạm Quang Minh làm giám đốc, có trụ sở tại xóm Ghềnh, xã Nam Hải, Nam Trực làm chủ đầu tư.
Hơn 1000 nghìn hộ dân đã đóng tiền cho Công ty để thi công nhà máy nước sạch, cấp nước cho người dân. Thế nhưng, từ khi thu tiền của người dân đến nay, công ty chỉ mới xây xong được một phần nhà máy rồi bỏ đó không thi công nữa, mặc cho người dân nhiều lần kiến nghị.
“Nguyện vọng của người dân bây giờ là nếu không có nước sạch thì phải trả tiền cho dân. Còn nếu như có nước sạch thì UBND xã phải cho dân biết là bao giờ có, chứ không thể cứ khất lần này đến lần khác rồi lại hứa, dân mất hết niềm tin rồi. Nhiều người dân bây giờ bảo đóng các khoản đóng góp, họ nói trả tiền nước sạch thì họ mới đóng”, ông Vũ Đức Xuân, trưởng thôn Tiền Vinh cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi người dân đóng tiền thì các trưởng thôn đã thu tiền hộ UBND xã Nam Thái, sau đó, bàn giao lại UBND xã Nam Thái.
Điều kỳ lạ ở đây là người dân nộp hạn cuối là ngày 30/4/2013 thì ngay ngày hôm sau, 1/5/2013, UBND xã khi đó ông Nguyễn Tiến Thụ làm Chủ tịch lại bàn giao ngay số tiền hơn 2,4 tỷ đồng cho Công ty Quảng Hưng Thành.
Điều này, khiến người dân thắc mắc và đặt câu hỏi, tại sao lại bàn giao một cách chóng vánh và vào ngày nghỉ như vậy? Phải chăng có sự khuất tất gì ở trong đó (?!). Còn số hơn 2,4 tỷ đồng mà công ty thu của dân dùng vào việc gì thì không ai biết.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với UBND xã Nam Thái để tìm hiểu thông tin.
Qua trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đăng Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho rằng, mình mới lên làm Chủ tịch và không hề biết gì đến chuyện lúc trước.
“Khi Công ty Quảng Hưng Thành làm việc với UBND xã về dự án nước sạch được xây dựng bên xã Nam Hải để cung cấp nước cho người dân. Sau đó, Chủ tịch UBND xã Nam Thái lúc đó là Nguyễn Tiến Thụ đã ban giao cho Công ty Quảng Hưng Thành số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
Một thời gian sau thì Công ty Quảng Hưng Thành bị phát hiện là không có khả năng tài chính để xây dựng nhà máy nước sạch nữa nên bỏ dở, còn số tiền đi đâu không biết. Hiện công an tỉnh Nam Định đang tạm giam Giám đốc và Phó giám đốc công ty này để điều tra”, ông Khương cho biết.
Theo ông Khương, về số tiền mà UBND xã bàn giao cho Công ty Quảng Hưng Thành thì hiện nay phải chờ từ phía công an và tòa án xét xử, còn nước sạch sẽ cung cấp cho người dân vào năm sau. Quan điểm của xã là phải chờ các cơ quan chức năng để giải quyết.
“Huyện cũng chỉ đạo sẽ cấp nước sạch của người dân bằng cách lấy nước sạch từ nhà máy nước bên thị trấn Nam Thanh và xã Đồng Sơn để cung cấp nước cho người dân Nam Thái. Còn tiền của người dân thì sẽ phải chả cho dân nhưng phải chờ tòa án, công an giải quyết vì nó liên quan đến trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ việc này chứ không thể lấy tiền ngân sách ra để chả cho dân được.
Về góc độ, nguyên tắc chắc chắn là có sai sót trong quản lý ngân sách. Nếu đúng ra thì số tiền này thì lúc đó phải gửi ngân sách huyện khi Công ty xây dựng bao nhiêu thì xã sẽ trả bấy nhiêu, đằng này xã lại đưa hết tiền trước”, ông Khương cho biết thêm.
Liên quan đến việc cấp nước sạch cho người dân, ông Khương cho hay, tiền của dân nộp để cấp nước sạch sẽ phải trả lại cho người dân, còn sau đó, khi lấy nước từ 2 nhà máy kia về cung cấp cho người dân hết bao nhiêu người dân phải đóng góp, việc gì đi việc đó, không liên quan đến nhau được.
Tiếp tục liên hệ với UBND huyện Nam Trực để tìm hiểu thêm về vụ việc này, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Sinh, Chánh văn phòng UND huyện Nam Trực cho rằng, từ giờ đến cuối năm lãnh đạo huyện bận nhiều việc, không có thời gian tiếp phóng viên nên mong phóng viên chia sẻ (?!).
Báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc vụ việc này.
- Chuỗi cà phê dạo số 1 Hà Nội của anh nông dân Nam Định
- Môtô 3 bánh tiền tỷ Can-am làm xe ba gác tại Nam Định
- Video bà mẹ Nam Định vừa khóc vừa giục con lấy vợ ‘gây bão’
- Lạ mắt với bộ kỷ yếu sặc mùi hắc ám của học sinh THPT Tống Văn Trân Nam Định
- Những nghệ sĩ Thành Nam
- Khẳng định ‘mặt khác nhờ thần thái’, cộng đồng mạng gọi Kỳ Duyên là ‘Hoa hậu nói dối’
- Nem nắm Giao Thủy có gì đặc biệt?
- Xôi nén – Nét văn hóa truyền thống độc đáo ở Hải Hậu
- Chùm ảnh: Rùng mình với cảnh thịt bò, bê ngập chợ Viềng
- Yên Thắng quê tôi
- Cuộc sống làng biển Thịnh Long Hải Hậu Nam Định
- Hoa hậu Kỳ Duyên đánh mất những gì sau scandal hút thuốc?
- Nguồn gốc của Phở Nam Định
- Vụ hiếp dâm tập thể tại Nam Định: 68 năm tù cho các đối tượng gây án
- Xe khách Thanh Phong chạy trái tuyến, tùy tiện đón trả khách dọc đường
- Dàn siêu xe đón dâu cực khủng tại Nam Định
- Giao Thủy: Đi đám cưới bạn về, cô gái trẻ mất tích bí ẩn
- Nhớ mẹ, bé trai đạp xe hơn 100km từ Nam Định lên Hà Nội tìm mẹ
- Thủ tướng: Nam Định phải nhanh chóng khôi phục hoa màu và thủy sản, không để diện tích trống
- Tích súng, lựu đạn để buôn bán ma tuý
- Hàng vạn du khách về hội Phủ Dầy
- Đặc sản Nam Định: Cá nướng úp chậu