'Đã mắt' ngắm bộ sưu tập phi cơ tự chế của anh thợ điện Nam Định

‘Đã mắt’ ngắm bộ sưu tập phi cơ tự chế của anh thợ điện Nam Định

Nhìn những chiếc máy bay mô hình Su 30, F22, Casa… nhào lộn trên bầu trời khu 1 – TT Yên Định (Hải Hậu – Nam Định), nhiều người dân rất bất ngờ và thích thú.

Về tới khu 1 thị trấn Yên Định (Hải Hậu, Nam Định), chúng tôi dễ dàng tìm thấy ngôi nhà của gia đình anh Đỗ Ngọc Dương. Bởi ở vùng quê thuần nông này, ai ai cũng biết tới anh Dương “thợ điện” chuyên chế tạo và chơi máy bay mô hình điều khiển từ xa. Người dân ở đây đã quá quen với việc mỗi buổi chiều nghe tiếng máy bay của anh Dương lượn vèo vèo qua mái nhà.
Bớt chút thời gian bận rộn để tiếp chúng tôi trong cửa hàng điện dân dụng, anh Đỗ Ngọc Dương vẫn không thể ngồi yên bởi khách khứa ra vào tấp nập, liên tục mang máy móc, dụng cụ… đến sửa chữa. Không chỉ chế tạo máy bay mô hình giỏi, anh Dương cũng là thợ sửa chữa lành nghề nên được rất nhiều khách hàng tin tưởng. Có người ở huyện bên nhưng nghe tiếng anh Dương sửa đồ mát tay nên không ngại đường xa đem đồ tới chữa.

Trước mắt chúng tôi là cửa hàng ngổn ngang đồ nghề sữa chữa điện dân dụng. Thế nhưng, điều làm chúng tôi chú ý chính là những chiếc máy bay mô hình treo trên tường. Những chiếc máy bay được mô phỏng nguyên bản theo hình dáng những chiếc phi cơ thật như Su 30, F22, Casa…

Ban đầu anh Dương tỏ ra ngại ngần không muốn chia sẻ với phóng viên. Anh nói rằng mình không có gì đặc biệt cả nên không muốn lên báo. “Bây giờ người chơi mô hình máy bay rất nhiều nên anh ngại nói lắm!”, anh Dương khiêm tốn từ chối. Phải mất nhiều công sức thuyết phục anh Dương mới chịu ngồi lại để kể cho chúng tôi nghe về niềm đam mê máy bay của mình.

Anh Đỗ Ngọc Dương trong cửa hàng điện dân dụng của mình. Ảnh cắt ra từ Clip

Anh Đỗ Ngọc Dương trong cửa hàng điện dân dụng của mình. Ảnh cắt ra từ Clip


Đam mê động cơ từ nhỏ

Chuyện bắt đầu từ năm 1997, khi anh Dương làm công nhân ở trong Sài Gòn. Vào mỗi buổi chiều thứ 7, CN anh Dương lại cùng bạn bè đến công viên Đầm Sen chơi. Có hôm đến Đầm Sen thấy máy bay lượn vèo vèo trên đầu anh nhìn thích quá. Người chơi máy bay mô hình lúc ấy toàn những ông già 50, 60 tuổi chứ không phải là những đứa trẻ con. Từ hôm nhìn thấy người ta chơi máy bay, những lần sau đi Đầm Sen, anh Dương chỉ có chú ý xem máy bay.

Anh Dương kể lại: “Đến Đầm Sen cứ nhìn người ta chơi máy bay là thích. Về tìm đến những cái tiệm ở quận 5, người Hoa người ta bán nhiều mô hình đẹp lắm. Mình chỉ đến xem thôi vì mình cũng không có tiền mua. Ngày nào mình cũng đến, mấy ông chủ người Hoa thấy mình mê thích nên ông ấy cho xem thoải mái mà không ý kiến gì”.

Trước đó, anh Dương cũng đã có chút kiến thức về sửa chữa đồ điện dân dụng nên khi học chế tạo máy bay mô hình cũng dễ hơn. Nói là dễ thế nhưng việc thực hiện một chiếc máy bay mô hình, anh cũng gặp không ít khó khăn.

Máy bay Casa của anh Dương bay trên bầu trời biển Quất Lâm. Ảnh cắt ra từ Clip


“Những lần bay đầu phải tập luyện mười mấy 20 ngày. Tất cả mọi người nhìn mô hình bay này đều nghĩ là đồ chơi trẻ con hoặc là nghĩ như cái xe điều khiển dễ. Nhiều người có kinh nghiệm lái ô tô 5 năm, 7 năm cầm vào nó một tháng trời cũng chưa lái được đâu”, anh Dương nói.

Bà Vũ Thị Nữ (mẹ đẻ của anh Dương) kể lại với chúng tôi: “Hồi nhỏ bạn bè gọi đi chơi nhưng Dương không đi, chỉ lủi thủi ở nhà xin đồ cũ, đồ hỏng tháo ra lắp vào tìm tòi nghiên cứu. Năm lớp 3 Dương lắp được cái đèn xe đạp cho bố, mẹ, anh em mỗi người một cái. Lớn lên phổ thông Dương sửa được cả đài. Hồi cấp 3, Dương học Vật lý rất giỏi, đi thi toàn điểm 10…”.

Tốt nghiệp cấp 3, anh Dương thi đỗ Đại học nhưng không đi mà quyết định đi bộ đội. Khi xuất ngũ, anh Dương trở về địa phương và mở cửa hàng đồ điện. “Cũng chẳng học trường lớp thầy cô nào, tự Dương học rồi thành nghề thôi”, bà Nữ tự hào nói về cậu con trai mình.

Hiện nay, công việc chính của anh Dương vẫn là sửa chữa đồ điện. Chơi máy bay mô hình chính là niềm đam mê lớn nhất của anh. Say mê với thú vui của mình, đã không ít lần anh Dương gặp rào cản khó khăn từ phía gia đình.

Vợ anh Dương thấy chồng thức khuya dậy sớm để làm máy bay nên cũng kêu ca suốt. Những lúc đó anh Dương cũng phải giải thích để vợ thông cảm: “Đàn ông ai cũng phải có một cái đam mê. Mà mình đam mê cái lành mạnh cũng phải ủng hộ. Còn trừ khi nó quá ảnh hưởng đến gia đình hoặc nó quá mất thời gian thì vợ nói mình cùng nghe”.

“Bây giờ, vợ vẫn không ủng hộ. Nhưng mà mình vẫn phải làm việc, vẫn phải kiếm tiền từ công việc chính của mình thì vợ mới vui, mới không ý kiến nữa”, anh Dương vui vẻ cho biết.

Truyền cảm hứng và đam mê cho nhiều người

Một số thành viên của CLB bay Hải Hậu. Ảnh cắt ra từ Clip


Vượt qua mọi khó khăn để nuôi dưỡng niềm đam mê, đến nay anh đã chế tạo thành công hàng chục chiếc máy bay mô hình bay lượn không khác gì máy bay thật. Anh Dương vẫn còn nguyên sự hào hứng, phấn khởi khi nhớ lại cảm giác điều khiển chiếc máy bay đầu tiên.

“Đầu tiên mà mình cho bay được lên thì thích lắm. Nhưng đầu tiên cũng chỉ lái được mấy vòng thôi là nó rơi xuống. Vì mình chưa có kinh nghiệm lái. Về sau mình tập bay đơn giản, tập bay vòng vòng. Sau mới tập bay các bài khó là bay quạt trái, quạt phải, bay vòng số 8 bay lộn ngược…”

Sự thành công trong việc chơi máy bay mô hình của anh Dương đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người ở vùng quê này. Từ đó, CLB máy bay mô hình Hải Hậu ra đời thu hút hàng chục thành viên tham gia. Vào mỗi dịp cuối tuần, những thành viên CLB máy bay mô hình lại tụ họp để trình diễn những màn bay đầy tính nghệ thuật.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Dương luôn nhắc đến tên của một người bạn. Đó là anh Bùi Văn Toản, người cũng có cùng đam mê với máy bay mô hình như anh Dương. Anh Toản cũng chính là người luôn đồng hành cùng anh Dương tìm tòi, lắp ráp từ những chiếc máy bay mô hình đầu tiên.

“Mình gặp anh Dương có cùng đam mê, hai anh em từ những bước đi đầu tiên đã tự mày mò nghiên cứu và làm ra những chiếc máy bay mô hình. Thời gian đầu chơi máy bay cực kì vất vả. Có những mô hình mà có khi làm một tháng mới xong nhưng khi đem đi bay thử nghiệm thì bay 2 đến 3 giây trên trời là đã lao xuống và nát bét. Vì lòng đam mê nên càng vỡ thì lại càng muốn làm đến khi nào bay được thì thôi. Để chơi được môn này theo mình nghĩ là phải có lòng đam mê thực sự…”, anh Toản chia sẻ.

Anh Bùi Văn Toản – Người bạn có cùng niềm đam mê với anh Dương. Ảnh cắt ra từ Clip


Ngay buổi chiều hôm đó, anh Dương dẫn chúng tôi ra bãi biển Quất Lâm để xem CLB máy bay mô hình biểu diễn. Đúng như lời kể của anh Dương, hàng chục thành viên với nhiều loại máy bay đã có mặt để sẵn sàng trình diễn những màn bay, nhào lộn trên không.

Khi những chiếc máy bay bắt đầu cất cánh, nhiều người đi đường đã không cưỡng lại được sự tò mò đứng lại xem. Những em nhỏ chỉ tầm 7 đến 10 tuổi tỏ ra vô cùng phấn kích. Chúng dõi theo những chiếc máy bay với ánh mắt say mê và thích thú.

Để ý trong nhóm trẻ con có một bé trai tầm 7 tuổi cứ chạy theo để nhìn vào chiếc bảng điều khiển trên tay anh Dương. Hỏi ra mới biết đó là bé Hoàng Thế Anh, một bé mà lần nào thấy CLB bay biểu diễn ở đây cũng có mặt. Khi chúng tôi hỏi về máy bay, Thế Anh cho biết: “Cháu thích xem các chú ấy chơi máy bay mô hình. Cháu mong ước lớn lên mình là phi công để lái máy bay thật trên bầu trời”.

Đúng như anh Dương chia sẻ, so với việc để trẻ con sa đà vào chơi game hay chơi điện tử thì để chúng yêu thích chế tạo máy bay hay động cơ vẫn tốt hơn. Anh Dương kể lại, ở gần nhà anh có một cậu bé năm nay học cấp 3, cậu ấy cũng rất thích chơi máy bay mô hình.

Bố cậu bé này cũng rất ủng hộ niềm đam mê của con vì cho rằng chơi và chế tạo máy bay mô hình sẽ kích thích sự sáng tạo của con người. Bởi vậy, vào mỗi buổi chiều rảnh rỗi, ông thường chở con trai đến nhà anh Dương để học.

Đối với anh Dương, chơi máy bay mô hình là niềm đam mê và cũng là một thú vui để đầu óc thư giãn sau những vất vả của công việc hàng ngày. Nhiều buổi tối đầu óc căng thẳng, anh Dương chỉ cần đem “phi cơ” ra bay vài vòng là tâm trí thư giãn.

“Người ta có ham mê đánh cờ, mình không đánh cờ thì mình chơi mô hình. Có người thích chơi xe thể thao mình lại không thích chơi xe thể thao mà chơi máy bay. Mình hạnh phúc vì thấy tuổi thơ qua ánh mắt bọn trẻ con mỗi khi nhìn những chiếc máy bay mô hình do mình chế tạo bay lượn trên bầu trời. Đó chính là động lực để mình tiếp tục với niềm đam mê…”, anh Dương nói.

Kim Thược – Tiến Quân – Công Đức – Nguoiduatin.vn


TOP