Linh thiêng lễ hội Phủ Dầy – Nam Định

Linh thiêng lễ hội Phủ Dầy – Nam Định

Phủ Dầy là một quần thể di tích gồm hơn 20 đền, phủ, lăng… tạo nên một điện thần đạo Mẫu khá hoàn chỉnh tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Với những giá trị về kiến trúc và văn hóa vô cùng độc đáo, năm 1975, nơi đây đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Mùa Xuân, chúng tôi tìm về Phủ Dầy theo dấu câu ca “Tháng Ba giỗ Mẹ”…

Linh thiêng nghi lễ rước trong lễ hội Phủ Dầy (ảnh: Ngọc Quang)

Trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu

Tỉnh Nam Định nằm ở trung tâm phía Nam đồng bằng sông Hồng, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng. Đây cũng chính là nơi phát tích của vương triều Trần nổi tiếng văn công võ trị, quê hương của anh hùng dân tộc Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Trần và nhiều danh tướng khác làm rạng danh sử sách non sông.

Đất Nam Định văn hiến cũng là nơi phát sinh, hội tụ của nhiều tín ngưỡng tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo… trong đó đặc biệt là tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Vì lẽ đó mà nhân dân Nam Định luôn tự hào là quê hương của Cha và Mẹ và câu ca “Tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” trở nên gần gũi thân thương với mỗi người dân đất Việt.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định có 2 khu di tích trọng điểm gắn liền với cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh là phủ Quảng Cung (phủ Nấp thuộc huyện Ý Yên ) – nơi bà giáng sinh lần thứ nhất; phủ Vân Cát (huyện Vụ Bản) – nơi bà giáng sinh lần hai. Trong số gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu ở Nam Định, Phủ Dầy được xem là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng này.

Lễ hội Phủ Dầy rực rỡ sắc màu (ảnh: Trần Hưng)

Phủ Dầy trước có tên cổ là Kẻ Giầy, xuất phát từ truyền thuyết Bà Chúa Liễu Hạnh vì quá thương nhớ gia đình nên đã để lại một chiếc giày ở trần gian trước khi về thượng giới. Hay cũng có huyền thoại kể lại rằng Vua đã đi ngang qua vùng này và nghỉ đêm ở quán hàng của Bà Chúa Liễu Hạnh, sau đó được tặng một đôi giày nên đã lập nơi thờ tự gọi là Phủ Giầy. Lại có người cho rằng, cái tên gọi Kẻ Giầy xuất phát từ nơi có gò đất nổi lên hình bánh dày trước cửa phủ. Cho tới khi Mẫu Liễu Hạnh được suy tôn là mẫu nghi Thiên hạ thì Kẻ Giầy được đổi thành Phủ Dầy.

Phủ Dầy ngày nay là một quần thể di tích gồm hơn 20 đền, phủ, lăng… tạo nên một điện thần đạo Mẫu khá hoàn chỉnh tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong đó, di tích chính là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu. Nguyên xưa, phủ Tiên Hương còn làm bằng mái tranh. Đến năm Dương Hòa 8 (1642) vua Lê Thần Tông xuống chỉ cho nhân dân địa phương xây lại và lợp ngói. Đến thời Cảnh Trị (1663-1671), được xây lại bằng gạch và mở tộng hơn. Năm Tự Đức 19 (1866), lại được tiếp tục trùng tu. Đến năm Duy Tân thứ 6 (1912), Tổng đốc Nam Định là Đoàn Triển cùng với nhân dân, khách thập phương xây dựng với quy mô to đẹp như hiện nay.

Phủ Tiên Hương hiện có 19 toà với 81 gian lớn nhỏ, mặt phủ quay về phía tây nam nhìn về dãy núi Tiên Hương. Trước phủ có hồ và một sân rộng, có 3 toà nhà dàn hàng ngang hai tầng, tách mái đó là phượng du nơi đón khách tới hành hương. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng đá chạm khắc hình con rồng với móng vuốt sinh động tinh xảo. Phủ có 4 lớp thờ (4 cung) là đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Các cung đều được tập trung các nghệ thuật chạm khắc tinh vi, thể hiện đủ các mảng đề tài rồng, phượng, hổ… Chính cung (cung đệ nhất) có một khám thờ khảm trai, bề thế và tinh xảo. Đây chính là nơi đặt 5 pho tượng có giá trị mỹ thuật cao của thế kỷ thứ 19.

Theo văn bia “Thánh Mẫu cổ trạch linh từ bi ký” do Cao Xuân Dục soạn năm 1901, phủ Vân Cát trước là một ngôi miếu nhỏ làm vào đời Lê Cảnh Trị (1663-1667) và được mở rộng thời Cảnh Thịnh (1793-1800), Tự Đức thứ 33 (1879), Thành Thái thứ 12 (1900). Phủ Vân Cát hiện nay được xây dựng trên khu đất rộng gần 1ha, mặt quay về hướng tây bắc. Phủ Vân Cát hiện nay có 7 toà với 30 gian lớn nhỏ. Phía trước có hệ thống cửa ngọ môn với 5 gác lầu; phía ngoài ngọ môn có hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà thủy lâu, 3 gian, mái cong. Phủ Vân Cát cũng có 4 cung như ở phủ Tiên Hương. Trung tâm là nơi thờ chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế.

Còn Lăng Mẫu nằm trên cánh đồng địa phận thôn Tiên Hương. Tương truyền xưa kia có gò đất nhô cao khỏi mặt ruộng, gọi là công Cá Chép, có một ngôi mộ cổ, xung quanh cây cối xanh tốt quanh năm. Dân làng ai mắc bệnh gì đều ra đây hái lá làm thuốc, mang về sao vàng, sắc uống đều khỏi bệnh. Thời Minh Mệnh (1820-1840), quan huyện Thiên Bản cho người xây gạch quanh mộ và bệ nhỏ để người tới cầu cúng.

Người ta cũng kể lại rằng, năm 1937, Vua Bảo Đại lấy vợ lâu ngày không có con nên Nam Phương Hoàng hậu đến cầu tự ở đền Sòng (Thanh Hóa), sau ứng nghiệm sinh Hoàng tử Bảo Long. Sau đó Thánh Mẫu báo mộng cho biết mộ của Người tại xứ Cây Đa, thôn Tiên Hương. Để trả ơn Mẫu, năm 1938 vua Bảo Đại cho Hội Kinh Xuân Phổ Hóa (Huế) tiến hành xưng công xây dựng khu lăng Mẫu bằng đá như hiện nay.

Lăng Mẫu được xây dựng bằng đá xanh, chạm trổ đẹp, với diện tích 625m2, gồm có cửa vào lăng theo hướng đông tây, nam bắc. Các cửa đều có trụ cổng trên đắp hình bông sen. Giữa lăng là ngôi mộ khối bát giác, mỗi cạnh chừng 1m. Toàn lăng có 60 búp sen hồng trông xa như một hồ sen cạn. Ngoài ra, hiện nay tại xã Kim Thái còn rất nhiều di tích có liên quan đến Thánh Mẫu như Phủ Tổ, Phủ Nội, Phủ Khải Thánh, Phủ Bóng, phủ Nguyệt Lãng, đền Công Đồng, đền Giếng, đềnThượng, đền Đông Cuông…

Những di sản văn hóa vô giá

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần chủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, một trong tứ bất tử của người Việt, là hiện tượng lạ của mảnh đất “Thiên Bản lục kỳ”. Thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện với “tam sinh tam hóa”, lúc ẩn lúc hiện, ban phúc giáng họa, làm cho người đời vừa sợ, vừa kính nể và trở thành vị thánh Mẫu linh thiêng được nhân dân đời đời ngưỡng mộ, kính thờ.

Vào tháng 3 hàng năm, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ tại nhiều lễ hội trên khắp Việt Nam, nhưng long trọng nhất, thu hút sự tham gia của đông đảo dân chúng nhất phải kể đến là Lễ hội Phủ Dầy. Vào dịp này, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức hành hương về Phủ Dầy để tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Lễ hội Phủ Dầy tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Cùng với quần thể kiến trúc, Lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.

Trong thời gian từ ngày mùng 3 đến mùng 10/3 âm lịch hàng năm, lễ hội Phủ Dầy thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tới dự. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng như chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội cùng các hoạt động văn hóa dân gian như thi hát văn, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác.

Trong đó, nghi lễ rước Mẫu Thỉnh Kinh từ Phủ Tiên Hương lên chùa Tiên Hương được tổ chức vào ngày 6/3. Đám rước dài hàng km, diễn ra trang trọng có đội ngũ nhạc, có phường bát âm. Còn lễ rước đuốc được tổ chức vào tối mùng 5.

Theo quan niệm dân gian, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội sẽ xua tan đi điềm xấu, đem lại sự may mắn, sinh sôi. Hoa trượng hội là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an với sự tham gia của hàng trăm thanh niên, trang phục đầu cuốn khăn đỏ, viền vàng, bụng cũng thắt khăn đỏ, viền vàng, quần trắng, chân cuốn xà cạp đỏ.

Với những giá trị đặc biệt như vậy, năm 1975, Phủ Dầy đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Năm 2013, “Lễ hội Phủ Dầy” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ khi việc thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016, Lễ hội Phủ Dầy ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch tâm linh với du khách trong nước và quốc tế. Còn với Nam Định, Lễ hội Phủ Dầy tháng 3, lễ hội Đức Thánh Trần tháng 6 và nghi lễ chầu văn là những di sản văn hóa phi vật thể vô giá, mang nét đặc trưng của tỉnh.

Tuấn Anh

Tags:

TOP