Nam Định hướng tới chăn nuôi an toàn

Nam Định hướng tới chăn nuôi an toàn

Tại tỉnh Nam Định vừa diễn ra Hội nghị tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án ‘‘Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”, do TTKN Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Nam Định tổ chức.

Năm 2018, dự án đã được triển khai trên địa bàn 7 tỉnh (gồm Thái Bình, Nam Định, BR-VT, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước), với đối tượng chủ yếu là heo (lợn) và gia cầm tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng.

Với mục tiêu cụ thể được đề ra là xây dựng được 21 mô hình, trong đó 15 mô hình nhóm hộ liên kết chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn có kiểm soát dịch Cúm gia cầm, Newcastle; 06 mô hình nhóm hộ liên kết chăn nuôi theo hướng an toàn có kiểm soát dịch bệnh đối với bệnh dịch tả và bệnh lở mồm long móng. Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt ≥ 90%; giám sát sau tiêm phòng đạt tỷ lệ bảo hộ ít nhất 70% theo yêu cầu của ngành thú y. Tăng giá trị chăn nuôi 15% và định hướng tới xuất khẩu tại các vùng chăn nuôi trọng điểm đồng thời tập huấn kỹ thuật cho người tham gia mô hình, và nhân rộng mô hình qua thông tin tuyên truyền, quảng cáo…

Quang cảnh hội nghị tổng kết dự án ‘‘Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưởng – Phòng KNCNTY, Trung tâm KNQG thông báo kết quả của dự án đạt được năm 2018 có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, so sánh kết quả về quy mô số lượng gia súc gia cầm thì kết quả đạt được về số lượng gấp 5,5 lần so với quy mô được duyệt, về số cơ sở được công nhận vượt 02 cơ sở so với phê duyệt, 100 % các hộ tham gia mô hình không xảy ra dịch bệnh, giảm chi phí thức ăn, thuốc thú y. Các khóa tập huấn và công tác tuyên truyền được thực hiện mạnh mẽ.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã được tham quan thực tế và chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp với các chủ cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên lợn trong mô hình của dự án tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Không phát hiện thấy dịch bệnh nào khi áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn.

Ông Phạm Văn Tuấn, nông dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chia sẻ: “Gia đình tôi tham gia chăn nuôi được 10 năm nay rồi, trước khi tham gia dự án gặp nhiều vấn đề trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc nhưng từ sau khi tham gia dự án, được đào tạo học , thực hiện quy trình chuẩn phòng chống bệnh dịch cũng như được hỗ trợ về mặt vật tư thì công việc chăn nuôi thuận lợi, an toàn và hiệu quả hơn”.

Sau những tín hiệu tích cực trong 3 năm đầu thực hiện, năm 2019 dự án sẽ tiếp tục triển khai tại nhằm gia tăng số cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh, từng bước xây dựng thành vùng an toàn dịch bệnh tại các địa bàn triển khai dự án.

Theo (kinhtenongthon.vn)


TOP