Nam Định: Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin phòɴɢ COVID-19 trên địa bàn tỉnh

Nam Định: Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin phòɴɢ COVID-19 trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Kế hoạch Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 toàn quốc do Bộ Y tế phát động, trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại địa phương và số lượng vắc-xin được phân bổ, ngày 9-7-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tỉnh Nam Định, năm 2021-2022 nhằm phòng chống dịch chủ động bằng vắc-xin cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 50% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong năm 2021; tiêm cho trên 70% dân số đến hết quý I-2022; đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.

Theo kế hoạch, Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 được thực hiện từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022. Việc tiêm được thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các xã, phường, thị trấn, ở các tuyến y tế trong toàn tỉnh; sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc-xin đủ điều kiện từ nguồn vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ, đảm bảo tiêm hết số lượng vắc-xin trước khi hết hạn sử dụng, tránh lãng phí.

Huy động cả hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng. Đối tượng tiêm gồm toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy phát triển kinh tế, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (Thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; người làm việc tại khu cách ly; người làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ; tổ giám sát COVID-19 cộng đồng; tình nguyện viên; phóng viên); lực lượng Quân đội, Công an; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Vận tải; cung cấp dịch vụ điện, nước; giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người sinh sống tại các vùng có dịch; người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp và các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND tỉnh.

Để triển khai Chiến dịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch và các tiểu ban: tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc-xin; tiêm chủng; Tiểu ban an toàn tiêm chủng; Tiểu ban giám sát chất lượng vắc-xin; Tiểu ban ứng dựng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 và truyền thông. UBND các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch của cấp mình; xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin tại địa phương.

Về tổ chức tiêm chủng: Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, cơ sở tiêm chủng dịch vụ của Nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng. Bố trí các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp. Cơ sở tiêm chủng, bố trí tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiền bàn, nhiều điểm, đảm bảo giãn cách phòng chống dịch. Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chiến dịch tiêm chủng, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt, khuyến cáo tiêm chủng an toàn và theo dõi sau tiêm./.

Minh Tân

Tags:

TOP