Nam Định: Kiên quyết đấu tranh, xử lý ngăn chặn việc mở đường dân sinh trái phép

Nam Định: Kiên quyết đấu tranh, xử lý ngăn chặn việc mở đường dân sinh trái phép

Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương tỉnh Nam Định đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đường sắt triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ATGT đường sắt, hạn chế được những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Tuyến Đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định có chiều dài là 41,15 Km; điểm đầu từ Km 72+100 điểm cuối đến Km 113+250, đi qua các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định. Đoạn đường sắt chạy song song với đường Quốc lộ 21 và Quốc lộ 10, qua các khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp có tốc độ đô thị hóa cao, người dân bám mặt đường để kinh doanh, sinh sống dẫn đến phát sinh nhiều vi phạm, nhiều điểm vi phạm tồn tại đã lâu.

Tổ chức giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt

Theo báo cáo mới đây của Ban An toàn giao thông tỉnh, toàn tỉnh có 44 đường ngang, 248 lối đi tự mở vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt, nguy cơ cao xảy ra tai nạn cao. Trong 10 tháng đầu năm 2019 xảy ra 8 vụ tai nạn, làm chết 8 người, bị thương 0 người. So sánh với cùng kỳ năm 2018 số người chết tăng 1 người (+14,3%); số người bị thương giảm 04 người (-100%). Nhìn chung tai nạn giao thông đường sắt đã từng bước được kiềm chế qua các năm.

Nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông đường sắt thường xảy ra tại các vị trí đường ngang và lối đi tự mở qua đường sắt, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang, lối đi tự mở không chú ý quan sát tàu hỏa, có trường hợp ngồi chơi hoặc làm việc cá nhân trên đường sắt vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Thực hiện Quy chế phối hợp số 26/QCPH-BGTVT-UBND và Nghị định số 65/2018/NQ-CP, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh phối hợp với các đơn vị đường sắt triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Thống kê, rà soát hiện trạng về đường ngang, lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh. Xác định các giải pháp ưu tiên làm đường gom, không để phát sinh các lối đi tự mở trên địa bàn theo quy định. Chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị đường sắt thu hẹp 37/45 lối đi tự mở cần thu hẹp trên địa bàn; rào đóng, xóa bỏ 19 lối đi tự mở nguy hiểm.

Đồng thời Ban An toàn giao thông tỉnh và các huyện tiếp tục duy trì cảnh giới, chốt gác an toàn giao thông tại 11 vị trí nguy hiểm trên địa bàn. Xây dựng gồ giảm tốc tại 27/54 vị trí, theo đúng thứ tự ưu tiên tại văn bản số 4852/BGTVT-KCHT ngày 08/5/2017 của Bộ Giao thông vận tải.

Duy trì cảnh giới, chốt gác an toàn giao thông đường sắt

Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn lập kế hoạch đề xuất cấp thẩm quyền nâng cấp 01 đường ngang phòng vệ biển báo lên đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động để đảm bảo an toàn giao thông (Km101+290, thị trấn Gôi, Vụ Bản).

Triển khai xử lý 04 điểm đen trên Quốc lộ 10 địa bàn huyện Vụ Bản để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Tổ chức giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt kết hợp trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, nhất là tại huyện Mỹ Lộc.

Bên cạnh đó, ngày 16/8/2019 Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt tới tất cả lãnh đạo, cán bộ các xã, phường, thị trấn; các cơ quan, đơn vị liên quan có đường sắt đi qua.

Để thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, trong thời gian tới các cấp chính quyền tỉnh Nam Định cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cấp, các ngành, kiên quyết đấu tranh, xử lý ngăn chặn việc mở đường dân sinh trái phép, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Nghiên cứu đưa ra lộ trình, dự trù kinh phí để thực hiện việc thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở.

Theo (congly.vn)


TOP