NAM ĐỊNH – THIÊN TRƯỜNG ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

NAM ĐỊNH – THIÊN TRƯỜNG ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

  Nhà báo Trần Quang Tuấn

                                                                 Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Nhắc đến Nam Định, mọi người đều biết ngay đến địa danh xưa là Thiên Trường một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, thời nào cũng có những nhân tài kiệt xuất, nhưng huy hoàng nhất là Vương triều nhà Trần (1225 – 1400). Nơi đây sản sinh ra 14 vị Vua đã làm rạng rỡ nước Đại Việt, rồi cũng là nơi đón nhận các vị Thái Thượng hoàng sau khi thoái vị trở vể cố hương làm nhiếp chính cho các Vua kế nhiệm. Thiên Trường còn là “Đất khoa bảng” có nhiều đại khoa là tiến sỹ, bảng nhãn, thám hoa và trạng nguyên. Trong đó có Trạng nguyên Đào Sư Tích sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi khoa bảng, là con của Tiến sỹ Tri phủ Thiên Trường, Thượng thư Bộ Lễ Đào Toàn Bân, và là hậu duệ của Tiến sỹ Thượng thư Bộ Binh – Khai quốc công thần Đào Dương Bật. Ông là một nhân vật Lịch sử được nhiều sử sách ở các triều đại nhắc đến.

Chùa Cổ Lễ tại huyên Trực Ninh, tỉnh Nam Định

Chùa Cổ Lễ tại huyên Trực Ninh, tỉnh Nam Định

Cha ông, là cụ Đào Toàn Bân sinh năm Mậu Thân (1308) người Song Khê, xứ Kinh Bắc (nay là TP.Bắc Giang), đậu tiến sỹ năm Nhâm Thìn (1352) thời vua Trần Dụ Tông được bổ nhiệm làm Tri phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định), được ban đất, cụ đã chiêu dân khai giang, mở đất lập ấp rồi lấy tên quê hương mình đặt cho quê hương thứ hai là thái ấp Song Khê tại huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường (nay là Cổ Lễ, huyện Trực Ninh). Đến năm Tân Dậu (1381) được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lễ.

Ông là hậu duệ đời thứ 4 của cụ Đào Dương Bật. Cụ Đào Dương Bật sinh năm Giáp Tý (1254), đậu tiến sỹ năm Ất Hợi (1275) thời vua Trần Thánh Tông, giữ chức Thượng thư Bộ Binh, vào năm Ất Dậu (1285) trước họa xâm lược Đại Việt lần thứ hai của Đế quốc Nguyên – Mông, triều đình nhà Trần mở Hội nghị Diên Hồng tại bến Bình Than bàn kế hoạch chống giặc và rút quân về địa phận Tam Cốc, Tràng An để bảo toàn lực lượng. Vâng mệnh Vương triều, cụ Đào Dương Bật đã chiêu dân lập ấp ở phía tây Tràng An đặt tên là làng Đông Trang, đổi thành phủ Trường Yên để cảnh giới quân địch (nay là Đông Trang, Hoa Lư, Ninh Bình), cụ có công lớn cùng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc Kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, đã được vua Trần phong Khai quốc công thần.

Trạng nguyên Đào Sư Tích sinh năm Mậu Tý (1348) tại thái ấp Song Khê, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, với tư chất thông minh, năm bảy tuổi đã được nhân dân vùng Thiên Trường tôn sùng là thần đồng, lớn lên được người cha là Tiến sỹ Đào Toàn Bân giáo dưỡng, nên trong các kỳ thi Hương, thi Hội đều đứng đầu bảng.

Áo mũ Trạng nguyên Đào Sư Tích tại Văn Miếu Quốc tử giám – Hà Nội
Vào tháng 2 năm Giáp Dần (1374) đời vua Trần Duệ Tông trong kỳ thi Đình tổ chức tại cung Trùng Hoa phủ Thiên Trường, ông đỗ Trạng nguyên. Trong buổi lễ đăng khoa nhà vua biết trong kỳ thi này có ba môn đồ của cụ Đào Toàn Bân đều là người Thiên Trường đỗ đại khoa, gồm Tiến sỹLê Hiến Tứ, Bảng nhãn Lê Hiến Phủ (Lê Hiến Giản) trong đó có con trai là Trạng nguyên Đào Sư Tích, vua liền vời hai cha con họ Đào đến khen “Phụ giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con đỗ đạt) và tặng bốn chữ “Phụ tử đồng khoa”(Cha con cùng đỗ) rồi kèm vế đối “Phụ đăng khoa, tử đăng khoa, phụ tử kế đăng khoa chí nghiệp” (Cha đỗ, con đỗ, cha con nối nhau làm nên sự nghiệp lớn), tân Trạng nguyên Đào Sư Tích liền xin phép vua và cha, đáp vế đối “Tổ tích đức, Tôn tích đức, Tổ tôn bồi tích đức chi cơ”(Ông tích đức, cháu tích đức, ông cháu cùng vun trồng cơ nghiệp đức).

Năm Tân Dậu (1381) ông được bổ nhiệm chức Nhập nội đại hành khiển (như chức Thủ tướng Chính phủ hiện nay), lúc này hai cha con là quan đồng triều, năm Quý Hợi (1383) ông được Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông giao cho viết Lời tựa bộ sách “Bảo Hòa điện dư bút” gồm 8 quyển, nội dung dạy Vua nối ngôi, ông đã phụng sự cho ba đời Vua là Trần Duệ Tông (1372 – 1377), Trần Phế Đế (1378 – 1388), Trần Thuận Tông (1388 – 1398).

Trong chính biến Trần – Hồ (1400), nhằm tránh bị truy sát của nhà Hồ, con cháu của ông phải ”Mai danh ẩn tích”. Nhóm ở lại Cổ Lễ, Hải Hậu, mang họ Dương, họ Phạm, nhóm sang Ý Yên, lên Vĩnh Phúc, vào Thanh Hóa mang họ Nguyễn, lên Bắc Giang, vào Ninh Bình, sang Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng giữ nguyên họ Đào. Từ đường phụng thờ hai ông ở Cổ Lễ mang tên Đào – Phạm – Dương – Nguyễn. Để ghi nhớ công đức của hai cha con ông, vào năm 1463 vua Lê Thánh Tông đã ra Chỉ dụ đổi Song Khê thành Cổ Lễ và giao cho Hội Văn thân lập Linh Quang từ thờ hai vị Trạng nguyên Đào Toàn Bân và Đào Sư Tích với hai câu đối .”Cổ Lễ Miếu đường lưu vạn đại – Trần triều khoa giáp đệ nhất môn”. Để tỏ lòng tôn kính hai vị đại khoa, hằng năm vào ngày 01 đến ngày 10 tháng 9 âm lịch, chính quyền huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định tổ chức rước hương linh hai cụ từ Đại tôn từ đường ra chùa Cổ Lễ để nhân dân tế lễ. Đặc biệt hiện nay tại Văn Miếu Quốc tử giám – Hà Nội còn trưng bày bộ áo mũ Trạng nguyên duy nhất của cụ Đào Sư Tích, trong 46 Trạng nguyên Việt Nam để nhân dân cả nước và du khách quốc tế đến chiêm bái.


TOP