Nam Định : Tìm hướng đi mới cho nghề muối ở Bạch Long

Nam Định : Tìm hướng đi mới cho nghề muối ở Bạch Long

Đúng dịp cao điểm nắng giữa hè, chúng tôi về quê muối Bạch Long (Giao Thuỷ). Ngoài cánh đồng muối không còn khung cảnh tấp nập người múc nước, cào muối, những đụn muối được vun đống khắp cánh đồng. Nhiều chạt lọc không có ai dọn dẹp, cỏ dại mọc chen lấn bê tông. Lác đác vài gia đình còn đủng đỉnh làm muối, chủ yếu là người già và phụ nữ.

Nhiều ruộng muối tại xóm Thành Tiến, xã Bạch Long bị bỏ hoang hoá do người dân không còn mặn mà với nghề muối.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lại Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ – Diêm nghiệp, thuỷ sản và môi trường Bạch Long cho biết: Trước đây, Bạch Long có diện tích 230ha chuyên canh muối với 4.250 lao động, sản lượng những năm trước đây đạt từ 25.500-28 nghìn tấn, chiếm 1/3 sản lượng muối toàn tỉnh. Diện tích giao khoán là 214ha (bình quân 0,67 sào/khẩu giao năm 2002), còn lại 16ha khai hoang. Tuy nhiên, từ năm 2015, do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến năng suất muối hàng năm đạt thấp. Người làm muối tự lo tiêu thụ, trong khi giá muối thô thấp lại không ổn định nên thu nhập từ sản xuất muối của người dân thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung xã hội.

Vì vậy, nhiều hộ diêm dân đã bỏ ruộng đi làm công việc khác có thu nhập đều và cao hơn. Sản lượng, diện tích sản xuất muối giảm dần qua các năm, từ 20 nghìn tấn muối năm 2015, hiện chỉ còn gần 5.000 tấn muối vào năm 2020. Với giá bán muối như hiện nay chỉ 1.200 đồng/kg muối thu mua tận ruộng, trong khi các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống liên tục tăng giá nên việc người dân chán và bỏ ruộng là điều tất yếu và rất khó ngăn chặn. Để làm ra được hạt muối, mỗi vụ diêm dân phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Chỉ tính riêng việc tu sửa đồng muối, làm lại sân phơi, ô chạt, cát… chi phí bỏ ra đã khoảng 2 triệu đồng/sào. Nếu thời tiết tốt, tính ra cả ngày làm quần quật trên cánh đồng, cật lực lắm mỗi người cũng chỉ thu được từ 100-120 nghìn đồng. 6 tháng đầu năm, sản lượng muối của toàn xã chỉ đạt 2.080 tấn. Chị Vũ Thị Hồng, xóm Thành Tiến, có thâm niên trong nghề muối cho biết: “Từ đầu năm đến nay, 3 sào muối gia đình chỉ thu về vỏn vẹn 3 triệu đồng do thời tiết năm nay nắng ít, không dài ngày. Năm ngoái khá hơn được 10 triệu đồng cả năm.

Không biết năm nay thế nào” – chị nói khẽ nén tiếng thở dài. Cách đó không xa, bà Phạm Thị Nga, xóm Thành Tiến cũng đang mải miết san cát, cải tạo ô nề. Nghề muối không đem lại thu nhập đủ sống. Nhờ năng động, khéo tính toán cả gia đình bà đã phải chuyển sang làm dịch vụ đám cưới, nấu cỗ từ 8 năm trước. Mỗi khi “nhớ muối” hay những ngày không có đám, bà lại vác cào ra ruộng là kiếm thêm đồng ra, đồng vào; “chờ” chuyển đổi mấy sào muối sang đất dịch vụ thương mại. Trên cánh đồng muối xã Bạch Long hiện nay vắng bóng lực lượng lao động chính thanh niên, chỉ còn người già, người không thể làm công việc khác cố bám trụ với nghề truyền thống kiếm thêm thu nhập để không phải phụ thuộc vào con cái. Qua khảo sát đến ngày 1-2-2020, chỉ còn 574/2.149 hộ dân tham gia sản xuất muối, tập trung ở đồng II và rải rác các cánh đồng số 1A, 1B, 3, 6; diện tích còn lại để hoang hoá. Số diêm dân còn gắn bó với nghề muối chủ yếu tập trung ở các xóm: Hải Ninh, Nam Hải, Xuân Ninh, Trung Đường, Thành Tiến.

Nhằm tìm hướng đi mới cho nghề muối, ngăn chặn tình trạng ruộng muối bỏ hoang hoá như hiện nay, UBND xã Bạch Long đã cùng với diêm dân bàn bạc tìm hướng giải quyết phù hợp. Đồng chí Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Theo nguyện vọng của các hộ dân trong xã về nhu cầu sử dụng đất sản xuất trong những năm tới, các năm 2017, 2018 và 2019 thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng NN và PTNT, phòng Tài nguyên và Môi trường, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã tiến hành khảo sát bằng phiếu đăng ký nhu cầu sử dụng đất sản xuất của từng loại hình sản xuất của các hộ xã viên. Đến tháng 7-2020, công tác lấy phiếu đăng ký sản xuất cơ bản đã được thực hiện ở 10 xóm. Đã có 2.149/2.149 hộ đăng ký nhu cầu sản xuất, còn 3 hộ đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương, chuyển khẩu đi nơi khác hoặc đã chết”.

Theo đó, có 497 hộ có nhu cầu tiếp tục sản xuất muối, bằng 23,91%; 607 hộ có nhu cầu chuyển sang trồng màu, bằng 28,70%; 483 hộ có nhu cầu chuyển từ sản xuất muối sang nuôi thủy sản, bằng 21,74%; 536 hộ có nhu cầu chuyển đổi sang đất làm dịch vụ, bằng 24,36% và 32 hộ không có nhu cầu sản xuất muối, trả ruộng, bằng 1,26%. Tương ứng với đó, diện tích 230ha muối trước đây sẽ được chia thành 4 vùng chuyên canh sản xuất gồm: sản xuất muối 55,87ha; trồng màu là 48,4ha; nuôi trồng thuỷ sản là 61,85ha và cuối cùng là sản xuất dịch vụ thương mại 65ha. Đến nay, xã Bạch Long đã hoàn tất việc đo đạc, kiểm đếm toàn bộ diện tích đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho việc bàn giao đất ngoài thực địa. Đồng thời, đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng đề án quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất diêm nghiệp sang các loại hình sản xuất khác tại xã Bạch Long phù hợp với nguyện vọng của người dân và định hướng phát triển ngành nghề của địa phương.

Để giữ vững nghề muối, Bộ NN và PTNT nhiều năm qua cũng đã có nhiều chính sách giúp Bạch Long như hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm công lao động, như mô hình trải bạt và chuyển đổi vị trí thống chạt lọc để có thể thu được muối sạch hơn, bán được giá hơn. Đồng thời, đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, thuỷ lợi đồng muối. Tuy nhiên, nghề muối cũng giống như nhiều nghề nông khác, phụ thuộc phần lớn vào thời tiết.

Bà con diêm dân bám trụ với nghề nơi đây vẫn mong có được những hỗ trợ thiết thực hơn về chính sách như ổn định giá cả, cân đối cung cầu hợp lý để tránh bị tư thương ép giá. Đối với những vuông muối có thể chuyển đổi sử dụng sang đối tượng sản xuất khác thì được chuyển đổi sang các mô hình kinh tế có hiệu quả cao hơn để tránh tình trạng đất bị bỏ hoang hoá, đảm bảo thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững tại địa phương./.

Tags:

TOP