Nam Định: Tự đặt tên di tích, cơ quan quản lý "bó tay"?

Nam Định: Tự đặt tên di tích, cơ quan quản lý “bó tay”?

Ba lần Thanh tra Bộ VHTTDL gửi công văn yêu cầu Sở VHTTDL Nam Định làm rõ nội dung người dân phản ánh về việc Phủ Vân Cát (Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh) treo băng rôn không đúng tên gọi di tích, làm 18 đạo sắc phong không đúng với lịch sử… nhưng đến nay, sự việc chưa được xử lý rốt ráo.

Tự gọi Phủ chính- không đúng tên xếp hạng di tích

Theo phản ánh của người dân và thông tin từ Phòng văn hóa và thông tin huyện Vụ Bản, hiện nay tại di tích phủ Dầy việc đặt tên một số di tích như tại phủ Vân Cát chưa đúng tên.

Theo đó, từ tên gốc Phủ Vân Cát, thủ nhang phủ này đã đổi thành “Phủ chính Vân Cát” đồng thời treo những băng rôn khẳng định đó là nơi Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh.

Băng rôn treo ở Phủ Vân Cát, Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy

Theo đơn kiến nghị của dòng họ Trần Lê, thuộc xóm 1, thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định, hiện nay dòng họ đang lưu giữ nhiều cuốn gia phả, tư liệu Hán Nôm cổ và 7 đạo sắc phong từ đời vua Lê Chính Hòa (năm 1683) đến đời vua Khải Định (năm 1924); phủ chính Phủ Dầy thuộc thôn Tiên Hương còn lưu giữ 15 đạo sắc phong cho Mẫu và hai cụ thân sinh ra Mẫu. Hiện nay các phần mộ chí của dòng họ Trần Lê đều đặt tại thôn Tiên Hương.

Ông Trần Lê Hưng, đại diện của dòng họ Trần Lê cho biết: “Ông Trần Văn Cường- Thủ nhang phủ Vân Cát làm 18 đạo sắc phong giả, đây là việc làm sai trái không những lừa dối chính quyền, nhân dân mà còn gây nhiều hệ lụy cho con cháu mai sau”.

Ngày 15/6/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định có Công văn số 460/SVHTTDL-TTr gửi UBND huyện Vụ Bản, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Nam Định nhận được đơn phản ánh của ông Trần Lê Phước và dòng họ Trần Lê với nội dung phản ánh ông Trần Văn Cường – Thủ nhang phủ Vân Cát (thuộc Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) treo nhiều băng rôn và biển chưa đúng theo quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21/2/1975 của Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy…

Theo công văn này, Sở đã cử Đoàn kiểm tra, xác minh gồm Thanh tra phối hợp với Ban quản lý Di tích- Danh thắng tỉnh Nam Định và Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Vụ Bản. Đoàn đã làm việc với ông Trần Văn Cường và khẳng định, tại khu vực di tích phủ Vân Cát có treo một số băng rôn và biển chỉ dẫn vào khu di tích phủ Vân Cát với nội dung “Phủ Dầy-Phủ chính Vân Cát, nơi thánh mẫu giáng sinh”.

Căn cứ Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21/2/1975 của Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy gồm phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan tại xã Kim Thái. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định yêu cầu ông Trần Văn Cường tháo dỡ biển tên chỉ dẫn, băng rôn và các ấn phẩm quảng cáo chưa đúng theo Quyết định 09.

Tiếp đến, ngày 3/8/2018, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản số 64/TTr-VHGĐ gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định. Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ các quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch chuyển đơn của ông Trần Lê Phước đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 24/9/2018, dòng họ Trần Lê tại thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định đã làm đơn kiến nghị một lần nữa lên Bộ VHTTDL về việc kết luận của Đoàn kiểm tra của Sở VHTTDL Nam Định đã không được thực hiện.

Ngày 11/10/2018, Thanh tra Bộ VHTTDL tiếp tục có văn bản số 99/TTr-VHGĐ chuyển đơn kiến nghị của công dân gửi Sở VHTTDL xem xét và trả lời công dân theo thẩm quyền.

Biển chỉ dẫn sai tên, treo sai quy định

Sau đó, ngày 28/12/2018, Thanh tra Bộ VHTTDL tiếp tục chuyển đơn yêu cầu Sở VHTTDL Nam Định làm rõ “Phủ Dày- Phủ chính Vân Cát, Nơi thánh Mẫu giáng sinh” có đúng tên ghi trong hồ sơ xếp hạng di tích hay không. Văn bản của Thanh tra Bộ VHTTD cũng yêu cầu Sở VHTTDL Nam Định báo cáo trước ngày 20/1/2019.

Tuy nhiên, cho đến ngày 21/1/2019, khi chúng tôi đến Phủ Vân Cát, biển chỉ dẫn và băng rôn không đúng tên gọi di tích trong hồ sơ xếp hạng di tích vẫn ngang nhiên tồn tại.

Cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học

Trả lời chúng tôi về phản ánh của người dân về việc các đạo sắc phong được cho là giả, ông Trần Văn Cường cho biết, trước khi ông được nhận vai trò Thủ nhang phủ Vân Cát thì đã có những sắc phong này. Ông Cường cho rằng, trước đây, khi bố ông còn là thủ nhang đã cùng cụ Văn (người làng) đi tìm lại các sắc phong. Nhưng do thời gian và chiến tranh nên thất lạc, các cụ không tìm được bản gốc. Sau đó, bố ông Cường đã liên hệ với Viện nghiên cứu Hán Nôm tìm được quyển sổ có ghi chép những đạo sắc phong và nội dung. Bố ông Cường đã đi phục dựng lại các đạo sắc phong này. Ông Cường cũng cho rằng, các đạo sắc phong này được phục dựng chỉ để thờ, chứ không có mục đích gì khác.

Về việc treo biển Phủ chính Vân Cát, ông Cường cho biết, Đoàn kiểm tra cũng có yêu cầu ông hạ biển nhưng ông không thực hiện. Ông Cường cho rằng, ông vẫn treo bảng chỉ dẫn, băng rôn vì chưa có kết luận của Đoàn kiểm tra bằng văn bản.

Cho đến thời điểm này, việc treo biển chỉ dẫn, treo băng rôn sai với tên gọi di tích ở Phủ Vân Cát vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Mùa lễ hội đang đến gần, thiết nghĩ, cơ quan quản lý các cấp ở địa phương cần vào cuộc, trả lại đúng tên gọi cho di tích, tránh sự hiểu lầm lịch sử không đáng có./.

Theo (toquoc.vn)


TOP