Nghề làm tranh đá ghép

Nghề làm tranh đá ghép

Những thanh đá, miếng đá tưởng khô cứng qua bàn tay và óc thẩm mỹ của người thợ đá đã tạo nên những bức tranh tường sinh động, cuốn hút, tạo những điểm nhấn kiến trúc nội thất, tôn thêm vẻ đẹp và phong cách của những ngôi nhà.

Năm 2000, anh Trần Quốc Hoàn, sinh năm 1978, ở phường Lộc Vượng (TP Nam Định) đã quyết tìm đến những làng nghề chuyên chế tác đá ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh… để tìm hiểu về nghề làm tranh ghép đá thỏa niềm đam mê từ lâu. Anh Hoàn tâm sự: thời điểm đó, nhiều người quen biết, bạn bè cho đây là một quyết định “điên rồ” bởi đời sống, sinh hoạt còn không ít khó khăn, nghĩ gì đến chơi tranh ghép đá. Nhưng trót đam mê, anh vẫn tin vào tương lai phát đạt của nghề này, anh Hoàn lang thang khắp các làng nghề làm đá xin làm thuê, vừa có tiền nuôi sống bản thân, vừa tìm hiểu học nghề. Các loại tranh khác, người làm có thể pha chế, hòa trộn nhiều màu khác nhau để có được loại màu theo ý mình thì trong tranh ghép đá phải tìm được màu đá sẵn có để thể hiện ý tưởng chủ đề tranh. Tùy theo từng chi tiết tranh cụ thể mà phải lựa chọn màu đá phù hợp, nên đòi hỏi người thợ phải rất công phu, tỉ mỉ chọn nguyên liệu, anh Hoàn bộc bạch về những ngóc ngách của nghề. Bên cạnh những vẻ đẹp đến từ chất liệu, tranh đá ghép mang tính nghệ thuật cao nhờ sự chế tác tinh xảo của người thợ đá. Các bức tranh đá thường được lấy ý tưởng từ những điển tích có ý nghĩa sâu xa và thể hiện ước vọng của gia chủ hay phong cách kiến trúc của công trình như: các loại tranh hình hộp không gian, tranh hình ảnh trừu tượng, tranh phong cảnh, đồng quê…

1

Theo các thợ làm tranh đá ghép, ngoài vẻ đẹp trường tồn từ các loại đá, tranh đá ghép còn được sử dụng với mục đích đem lại phong thủy tốt cho chủ nhà. Do vậy ngay từ khi xây dựng ý tưởng người thợ phải tính toán một cách cụ thể, cẩn trọng để tạo dựng bức tranh phù hợp vừa tạo dựng không gian khoáng đạt, mở rộng tầm nhìn, giúp ngôi nhà trở nên hấp dẫn và thân thiện hơn, vừa phục vụ mục đích sử dụng của người chủ. Tranh đá ghép có thể thực hiện ở nhiều vị trí trong ngôi nhà như khu sân vườn, phòng khách, cầu thang, giếng trời nơi mọi người có thể chiêm ngưỡng và thư giãn… Sau gần chục năm bôn ba khắp nơi học và hiểu nghề, anh Hoàn quyết định trở về quê hương làm nghề. Ban đầu thị trường còn khá mới mẻ, anh Hoàn cùng với một số anh em yêu thích nghề làm tranh đá ghép phải lân la đến từng nhà tư vấn tiếp thị cho chủ nhà. Hằng ngày cứ thấy đâu có nhà mới xây, nghe đâu có người có nhu cầu làm tranh đá ghép là các anh lại tìm đến. Để có thể tư vấn cho khách hàng đòi hỏi người thợ đá phải có những am hiểu nhất định về ý nghĩa, tác dụng của từng loại đá và cả những kiến thức về thuật phong thủy. Các loại đá được dùng làm tranh đá ghép là các loại đá tự nhiên, với nhiều hình thức và mẫu mã, màu sắc khác nhau như đá: Chẻ, suối thi cách, răng lược, lồi, băm, suối que, lệch vàng, rối… Vận dụng kho kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy trong những năm đi làm thuê kết hợp với sự sáng tạo của bản thân anh Hoàn đã cho ra đời nhiều công trình sản phẩm bảo đảm chất lượng kỹ, mỹ thuật cho khách hàng được đánh giá cao. “Tiếng lành đồn xa”, khách hàng đã “giúp” anh tiếp thị quảng cáo phát triển thị trường. Không chỉ ở địa bàn Thành phố Nam Định mà ở các huyện, nhiều gia đình cũng có nhu cầu làm tranh đá ghép trang trí cho ngôi nhà của mình thêm sinh động. Vì thế những người thợ ghép tranh đá làm không hết việc. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng chục tốp thợ chuyên làm nghề tranh đá ghép. Theo anh Vũ Mạnh Tân, chủ một tốp thợ có gần chục năm làm nghề thì giá trị của một bức tranh đá ghép không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng và giá trị của chất liệu làm nên bức tranh mà nó còn được nhìn nhận ở góc độ nghệ thuật, ở sự đa dạng trong sử dụng và phối màu, cách chuyển cảnh tinh tế, độ sắc sảo của đường nét, sắc đá. Còn anh Nguyễn Văn Cường, một thợ đá lành nghề cho biết thêm: Dụng cụ, thiết bị của người thợ ghép tranh đá không nhiều nhưng đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận trong quá trình thi công bởi nếu không sẽ bị vỡ đá. Từ các loại đá nguyên liệu, người thợ đá phải phân loại màu sắc đá theo từng loại, kích cỡ riêng biệt. Sau đó tiến hành tẩy rửa, gọt rũa, lựa chọn màu sắc, sắp xếp… các chi tiết của tranh sao cho phù hợp. “Có chi tiết tranh phải mất đến hàng giờ đồng hồ để gọt rũa, lựa chọn màu sắc phù hợp”. Trung bình nếu một thợ đá làm liên tục thì một bức tranh đá ghép có kích thước từ 3 đến 5m2 mất từ 4-6 ngày mới có thể hoàn thiện. Giá một bức tranh đá ghép dao động từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/m2 tùy theo từng loại đá mà khách hàng yêu cầu. Hiện, tốp thợ của anh Cường có 5 người, có việc làm thường xuyên với ngày công lao động 500 nghìn đồng/người/ngày.

Đến nay ghép tranh đá đã trở thành nghề không chỉ thỏa niềm đam mê mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người làm nghề. Theo anh Tân, anh Cường, hiện nhu cầu làm tranh ghép đá trên thị trường đang không ngừng tăng, do vậy các anh đang tìm kiếm đối tác đầu tư phát triển dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường./.


TOP