Những kẻ dụ dỗ các bé gái từ 14- 15 tuổi làm nhân viên quán karaoke, massage có thể đối diện hình phạt nào?

Những kẻ dụ dỗ các bé gái từ 14- 15 tuổi làm nhân viên quán karaoke, massage có thể đối diện hình phạt nào?

Với hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, các đối tượng gây án có thể đối diện mức án cao nhất là tù “chung thân”…

Ngày 25/6, Công an tỉnh Nam Định cho biết đã ra lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Văn Tiến (SN 2003, trú tại xóm 3, xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định) và Trương Tuấn Anh (29 tuổi, ở TP Việt Trì, Phú Thọ) về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Trước đó, Công an huyện Hải Hậu (Nam Định) nhận được trình báo của một gia đình về việc mất liên lạc với con gái 14 tuổi. Vào cuộc điều tra, công an phát hiện ra đường dây buôn bán người do Tiến và Tuấn Anh điều hành. Khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an huyện Hải Hậu phát hiện 6 bé gái từ 14 đến 15 tuổi đang bị giam lỏng.

Qua điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ, Đinh Văn Tiến có bố là người Phú Thọ. Do nhiều lần về quê chơi, Tiến có quen biết với Tuấn Anh (đối tượng này có mở quán karaoke tại TP Việt Trì). Khi được Tuấn Anh đặt vấn đề tìm các bé gái để điều phối cho các quán karaoke, massage khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Tiến nhanh chóng nhận lời. Khi tìm được các bé gái, Tiến dẫn đến bàn giao lại cho Tuấn Anh. Mỗi trường hợp thành công, Tiến được Tuấn Anh trả công 2-3 triệu đồng.

Sau khi nhận người, Tuấn Anh bắt đầu cho các bé gái đi mua sắm đồ cho dùng. Để khống chế được các nạn nhân, Tuấn Anh đã ép các nạn nhân viết giấy vay nợ nhằm ép buộc họ phải ở lại làm nhân viên phục vụ quán karaoke và quán massage trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để trả nợ.

Chân dung các đối tượng Tiến và Tuấn Anh (ảnh TL)

Bình luận về vụ án này, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, những vụ án buôn bán người, đặc biệt là buôn bán người dưới 16 tuổi xảy ra rất nhiều, phổ biến là ở các tỉnh biên giới, khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Trước đây, các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người thường là những người thân quen, trực tiếp liên hệ với nạn nhân. Tuy nhiên các năm gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng số thì nhiều trẻ em đã bị lừa gạt, dụ dỗ và trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người. Việc phát hiện, xử lý các đối tượng thường cho thấy cả một đường dây và rất nhiều nạn nhân. Không phải là nạn nhân nào cũng may mắn được phát hiện và giải cứu bởi cơ quan chức năng. Có rất nhiều người bị lừa gạt, bị bắt, bị bán ra nước ngoài ít còn cơ hội trở về. Bởi vậy việc đấu tranh với tội phạm buôn bán người nói chung và tội phạm buôn bán người dưới 16 tuổi nói riêng là vấn đề rất gian nan, phức tạp trong thời gian những năm gần đây.

“Hành vi buôn bán người là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi này xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do cư trú, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi buôn bán người còn làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm quyền con người, có nguy cơ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nạn nhân bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, hành vi này hết sức nguy hiểm, cần phải đấu tranh triệt phá để đảm bảo quyền con người, các quyền tự do cơ bản của công dân, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân. Hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên người nào thực hiện hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 151 (BLHS 2015) với hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân”, luật sư Cường phân tích.

Luật sư Cường cho rằng, vụ án cho thấy nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em là rất cao

Cũng theo luật sư Cường, trẻ em là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ kỹ năng sống để bảo vệ bản thân, đặc biệt là đối với những trẻ em tham gia các hoạt động trên môi trường mạng xã hội. Bởi vậy trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế cần phải bảo vệ đặc biệt của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội.

“Vụ án cho thấy nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em là rất cao, đặc biệt là việc trẻ em sử dụng môi trường mạng mà thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình. Nhiều đối tượng đã lập những Facebook ảo, giả danh những bạn trẻ để làm quen, rủ đi chơi rồi bắt cóc, thực hiện các hoạt động mua bán người, đẩy mạnh nhân vào những “động quỷ”, bị xâm hại đến thân xác và có thể còn là tính mạng.

Bởi vậy, các bậc phụ huynh cũng như trẻ em cần phải tìm hiểu, rèn luyện kỹ năng sống. Đồng thời các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nhóm các đối tượng mua bán người để đảm bảo bình an, an toàn cho người dân nói chung và đối với trẻ em nói riêng”, luật sư Cường chia sẻ.

Tags:

TOP