Pháo "lậu" đi đường vòng tuồn vào nội địa

Pháo “lậu” đi đường vòng tuồn vào nội địa

Thông tin từ Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho hay, nhằm trốn tránh sự kiểm tra gắt gao của lực lượng chức năng, pháo lậu không còn từ khu vực biên giới phía Bắc vào nội địa mà còn bằng nhiều con đường khác, thậm chí vòng sang Lào mới “nhập cảnh” Việt Nam.

Chiều 22-12, tại vùng biển Đồ Sơn, TP Hải Phòng, Cụm Trinh sát số 1 – Cục nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển kiểm tra tàu Hoàng Phương Vigor hành trình từ Indonesia về Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra trên tàu ngoài 3.300 tấn cám cò còn có 3,4 kg pháo nổ; 5 khẩu súng hơi Sharp Innova; hai khẩu súng hơi Sharp Tiger không có giấy tờ hợp lệ. Đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, năm nay những biến tướng về pháo rất phức tạp.

Ngoài pháo nổ còn có pháo sáng, pháo hoa, pháo chùm… hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc và bằng nhiều con đường đã thâm nhập vào thị trường nội địa.

Gần 4kg pháo nổ đi tàu biển vào Việt Nam

Ngoài thủ đoạn mới là đi tàu biển, các đối tượng vận chuyển pháo vẫn dùng cách thức mua pháo tại khu vực biên giới, sau đó vận chuyển bằng xe khách hoặc xe tải của bản thân về các tỉnh trong nội địa tiêu thụ.

Mới đây, trong khi tuần tra kiểm soát, Đội tuần tra kiểm soát số 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện 1 hành khách giấu pháo trong ba lô và cất ở cốp xe khách. Nam thanh niên vận chuyển pháo là Trịnh Văn Lưu, trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Lưu giấu 10 hộp pháo dàn trong một ba lô, để ở cốp bên phải của xe. Số pháo trên có tổng trọng lượng hơn 10 kg. Trịnh Văn Lưu khai nhận mua số pháo này của một đối tượng ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh để đưa về quê sử dụng.

Không chỉ đi xe khách, các đối tượng sẵn sàng vận chuyển pháo bằng xe máy để tiết kiệm chi phí. Điển hình ngày 17-12, lực lượng CSGT Công an tỉnh Bắc Kạn trong khi tuần tra kiểm soát đã phát hiện Dương Viết Cường, trú tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đang vận chuyển pháo bằng xe máy.

Tang vật thu giữ gồm: 10 hộp pháo hoa có trọng lượng 15kg, 3 bánh pháo nổ hình tròn có trọng lượng 5kg, 970 quả pháo cù có trọng lượng 42kg. Bước đầu Cương khai nhận đã mua số pháo trên với giá 5 triệu đồng của một người phụ nữ không quen biết tại thành phố Cao Bằng chở về Thái Nguyên tiêu thụ.

Dương Viết Cường vận chuyển 62kg pháo các loại từ Cao Bằng về Thái Nguyên tiêu thụ

Gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép pháo nổ đã diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Lực lượng công an đã tổ chức đấu tranh quyết liệt với nạn buôn bán pháo, trong đó đã bóc gỡ nhiều nhóm đối tượng buôn bán, vận chuyển và tàng trữ pháo với số lượng lớn với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Pháo có thể được ngụy trang bằng cách cho vào các hộp, thùng hàng ghi nhãn hiệu của các loại hàng hóa thông thường như hoa quả, hàng dễ vỡ rồi dán kín, sau đó vận chuyển bằng các loại xe khách, xe buýt dưới hình thức gửi hàng có cước phí tránh sự nghi ngờ của các nhà xe cũng như cơ quan chức năng…

Không chỉ các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc mới “nóng” tình trạng mua bán trái phép mà tại các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, pháo còn đi từ Trung Quốc qua Lào rồi mới vào Việt Nam. Nhiều trường hợp đi xuất khẩu lao động ở các nước trong khu vực Đông Nam Á khi về quê ăn tết cũng vận chuyển pháo để bán, sử dụng.

Pháo được đưa về từ các nước như Lào, Thái Lan, Trung Quốc thông qua các đường tiểu ngạch hoặc qua các cửa khẩu như cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh), các cảng biển nên tình hình sử dụng pháo vào dịp tết diễn ra nhiều, khó kiểm soát, đặc biệt là vào đêm giao thừa…

Do vậy, các lực lượng chức năng cần có biện pháp quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ các khu vực biên giới, để ngăn chặn kịp thời các hành vi mua bán, vận chuyển pháo trái phép vào nội địa.

Theo ( an ninh thủ đô)


TOP