Quân nhân tử vong và môi trường quân đội

Quân nhân tử vong và môi trường quân đội

Với 5 cơ quan điều tra vào cuộc, việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong sẽ được làm sáng tỏ. Từng là tân binh, tôi tin sẽ có nhiều đồng chí trong đơn vị Đô phải tường trình, kiểm điểm, thậm chí mất sao, mất lon. Song đừng lấy việc một cây rừng bị sâu ruỗng để đánh giá cả khu rừng đang bị hủy hoại.

Việc chiến sĩ, binh nhì Trần Đức Đô tử vong khi đang học tập, công tác tại một đơn vị quân đội ở Quân khu 1 thực sự hết sức đau lòng và đáng tiếc, gây nên nhiều lý giải khác nhau về nguyên dân dẫn đến cái chết của Đô.

Trước hết là xin chia sẻ với sự mất mát của gia đình chiến sĩ Trần Đức Đô. Còn nỗi đau nào hơn thế khi cha mẹ mất con, anh mất em, dòng họ mất đứa cháu ngoan, hiền thảo như em. Với đơn vị nơi Đô đang học tập – Đại đội 14, Tiểu đoàn 4, Trường quân sự Quân khu 1, chắc cũng tràn ngập nỗi buồn. Có ai mong muốn những điều đáng tiếc đó xảy ra ở đơn vị mình, với đồng đội mình? Sự việc của Đô, tôi tin kể cả khi chưa có kết luận chính thức về cái chết của em, cũng sẽ có nhiều đồng chí trong đơn vị phải tường trình, viết kiểm điểm, thậm chí mất sao, mất lon chứ chẳng chơi.

Tuy nhiên, cái đáng nói nhất chính là khi chưa có kết luận cụ thể từ cơ quan điều tra, của ngành chức năng, từ câu chuyện của Đô trên mạng xã hội đã xuất hiện không ít những lời bình phẩm, chê bài, rồi nói xấu, đặt điều về môi trường quân đội. Nhiều nhất là ý kiến cho rằng Đô bị đồng đội, chỉ huy đánh dã man, hoặc bị bắt nạt, dọa dẫm đến mức sợ hãi cùng quẫn. Từ chuyện của Đô đầy những kẻ ác ý cho rằng môi trường quân đội là bạo lực, là đầy rẫy những bạo hành, là ma cũ bắt nạt ma mới, vân vân và vân vân…

Tôi cũng đã từng như Đô. Trạc tuổi Đô, tôi cũng tình nguyện viết đơn nhập ngũ vào một đơn vị thuộc Sư đoàn 312, quân đoàn 1- một địa chỉ cũng không quá xa nơi đóng quân của Đô bây giờ. Và, hết 3 tháng huấn luyện tân binh, tôi cũng được đi học một lớp tương tự như Đô ở trường quân sự. Tuy nhiên, tôi khác Đô là tôi ở quân ngũ lâu hơn, cũng gần 2 năm. Trong 2 năm đó, tôi đã di chuyển đến 5 đơn vị mới trong quân đoàn. Nói như đồng đội của mình, đến đơn vị nào, tôi cũng toàn là ma mới…

Quân khu 1 cử lực lượng tổ chức tang lễ cho quân nhân Trần Đức Đô theo nghi lễ quân đội (Ảnh: TTXVN)

Trong từng ấy thời gian, là “ma mới”, tôi cũng chứng kiến khá nhiều câu chuyện xảy ra trong đơn vị mình, đúng là có đánh đấm, có bạt tai, có ma cũ bắt nạt ma mới, nhưng nhiều việc xảy ra cũng đơn giản thôi. Tuổi trẻ, năng lượng thì nhiều, lại bồng bột và đôi khi thích thể hiện, nhưng chắc chắn đó là những vụ việc tự phát và không chỉ huy nào cho phép chúng tôi nặng tay.

Chuyện thứ nhất, trong 1 tháng đầu tiên tại ngũ, một đồng đội của tôi, hình như quê đâu Nam Trực – Nam Định, là người đầu tiên bị… úp nồi cơm lên đầu. Số là 3 tháng tân binh, được huấn luyện nhiều, đang tuổi ăn tuổi lớn nên cậu chàng rất háu đói. Đói quá nên nhiều khi cậu ăn đến 4-5 bát, hết cả phần của người khác. Một bữa không sao chứ nhiều bữa thì đúng là khó chịu thật. Vậy là mấy anh ma cũ có tuổi quân lớn hơn sau khi được mấy chú em cũng là đồng hương mách xấu, đã lấy luôn nồi cơm đang ăn úp lên đầu ma mới. Cậu chàng vừa đau, vừa xấu hổ lí nhí xin lỗi, rồi từ đó về sau tôi thấy ăn uống rất nề nếp, đúng câu “dạy” của mấy ma cũ với ma mới: “Lính tráng có suất”.

Chuyện thứ hai, là một chàng Thanh Hóa, hình như cũng là con nhà khá giả, nên vào đơn vị rất vênh váo, suốt ngày ta đây chê cơm quân đội, rồi lúc nghỉ ngơi miệng luôn phì phèo điếu thuốc, thái độ rất coi thường mọi người. Vậy là có đêm cậu đang ngủ bị hắt luôn cả ca nước giải vào người. Đêm sau vẫn bị vậy. Từ đó, về sau tôi thấy anh chàng khiêm tốn hẳn, thuốc lá cũng bỏ luôn.

Chuyện thứ 3 của ma mới là tôi. Số là tôi biết đánh bóng bàn, cũng kha khá. Buổi chiều thay vì cùng anh em đi cuốc đất trồng rau, tăng gia sản xuất cho đơn vị, tôi lại vác vợt bóng bàn lên giao lưu thể thao với các thủ trưởng. Hồi ấy còn trẻ, nghĩ thế là oách nên tôi vừa đi vừa huýt sáo, còn không quên buông vài câu bông đùa gửi anh em đang hì hục cuốc đất, nhặt cỏ: “Các đồng chí chăm chỉ làm việc nhé, tớ đi vui vẻ một tý”. Biết đâu, lời bông đùa đó cũng bị vài đồng đội không thích, cho rằng… chọc đểu. Đêm đó, tôi bị các anh gọi xuống 1 phòng riêng. Quan sát nhanh tôi thấy 1 anh đứng chặn cửa, một anh đứng kẹp nách mình, một anh đứng đối diện mình ra sức giáo huấn. Rồi chưa kịp để tôi giải thích, anh giáo huấn đã tung cú tát vào mặt tôi. Tôi đưa tay đỡ thì 2 anh kia ập vào. Rất may lúc đó có Trung đội trưởng đi qua, nên việc chấm dứt. Về nằm nghĩ, tôi thấy mình cũng sai, cần rút kinh nghiệm. Những ngày sau, tôi chỉ đi đánh bóng bàn sau khi đã cùng anh em làm xong mấy luống rau!

Nói chung cũng chỉ mấy việc nho nhỏ như thế, khi chúng tôi còn trẻ và muốn “lập lại trật tự” theo cách của mình. Còn mấy clip bạo lực, đánh đấm khá dã man được cho là trong quân đội mà dân mạng gần đây tung lên, không rõ đúng sai thế nào. Nhưng nếu có như thế, tôi nghĩ cũng chỉ là trường hợp cá biệt. Song, từ những vụ việc này, rõ ràng cũng cần phải siết chặt kỷ luật, tác phong quân đội, làm tốt công tác tư tưởng cho những người lính trẻ. Chỉ một sự việc xảy ra thôi cũng có thể có tác động lớn đến đến tâm tư tình cảm của cả người lính và nhân dân.

Trong thời gian ở quân ngũ, tôi thấy mình thực sự đã trưởng thành rất nhiều. Có được tôi như ngày hôm nay cũng chính là phần không nhỏ từ sự dạy dỗ, sự đào tạo của môi trường quân đội. Tôi ra quân nhiều năm rồi, nhưng 10 lời thề của quân đội, 11 chế độ quân nhân tôi vẫn thuộc lòng. Tôi học được tính kỷ luật, tác phong của người lính. Tôi học được lối sống tập thể, vì anh em, đồng chí, đồng đội. Tôi học được cái chí tiến thủ, sự quyết tâm của người chiến sĩ…

Bây giờ trong dạy con, tôi vẫn định hướng cho cháu vào học tập ở môi trường quân đội. Cha tôi – một thương binh 1/4, từng tham gia chiến trường Nam Lào; rồi anh họ tôi – người dẫn tôi vào con đường binh nghiệp, từng nói với tôi: Vào quân đội là vào học trường Đại học Tổng hợp. Vào đó, con, em sẽ được sống tinh thần tập thể, đoàn kết, yêu thương, một người vì nhiều người. Vào quân đội, con, em sẽ bớt sống nhỏ nhoi, ích kỷ để hướng tới những điều lớn lao, tích cực. Những điều đó không trường đại học nào ngoài đời có được. Tôi thấy đúng quá. Không chỉ tôi mà bạn bè cấp 3 của tôi hầu hết cũng vào quân đội. Người cao nhất hiện đã mang hàm thượng tá, làm cả lữ trưởng.

Quay lại câu chuyện của Đô, như đã nói là rất đáng tiếc, đáng buồn. Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1 cho biết: “Gia đình nói rằng nạn nhân bị đánh thì cơ quan pháp y của Bộ Công an và Viện Hình sự của Bộ Quốc phòng đang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Quan điểm của quân đội là phải điều tra rõ ràng, khách quan”. Có lẽ với những cam kết như thế, gia đình đã đồng ý an táng Đô. Hy vọng câu chuyện sẽ rõ ràng như Trung tướng Thông khẳng định. Mà tôi nghĩ, nếu không làm nghiêm cũng chẳng xong. Bây giờ sự giám sát của dư luận, của xã hội, sự vào cuộc của bao nhiêu ngành đang ngày càng tốt lên, có muốn bao che cũng chẳng được.

Chỉ mong là trong khi cơ quan điều tra đang khám nghiệm tử thi, rồi điều tra vụ việc, khoan hãy buông những lời áp đặt và đặt điều cho đơn vị, đồng đội của Đô. Càng không thể từ đó mà nói rằng môi trường quân đội thế này thế nọ. Ở đâu cũng có chỗ tốt, có chỗ xấu. Ở đâu cũng có việc này, việc kia. Đừng lấy một vụ việc để áp đặt cho tất cả, đừng lấy một cây rừng bị sâu ruỗng để đánh giá cả khu rừng đó đang bị hủy hoại.

Có ai quên được rằng chính các chiến sĩ quân đội đang ngày đêm bảo vệ biên cương Tổ Quốc, đang nơi đầu sóng ngọn gió, đang hết mình phục vụ nhân dân trong những khu cách ly, đã và đang hy sinh khi cứu hộ cứu nạn mùa bão lũ…

Hình ảnh của người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, lớn hơn là hình ảnh của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam không thể bị hoen gỉ và bị ảnh hưởng vì những đánh giá tiêu cực, phiến diện!

Tags:

TOP