Nam Định - Nơi phát tích vương triều Trần

Nam Định – Nơi phát tích vương triều Trần

Hương Tức Mặc (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), là một vùng đất có vị thế đẹp, sông lớn bao bọc ba mặt. Từ thời Lý đây đã là một trung tâm kinh tế, văn hoá phát triển. Ngay tại Tức Mặc thời Lý đã có chùa Phổ Minh, một danh lam nổi tiếng với đỉnh đồng kỳ vĩ được xếp vào hạng “Tứ đại khí” của nước Đại Việt.
Vốn sống bằng nghề đánh cá, họ Trần thường sinh sống làm ăn ở những vùng cửa sông ven biển, đến thời Trần Lý (ông nội của vua Trần Thái Tông) đã trở thành một cự tộc có thế lực vùng Hải Ấp (nay là xã Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Năm 1209 khi trong triều có biến loạn, vua Cao Tông phải chạy lên Quy Hoá, thái tử Sảm chạy về Hải Ấp đã được gia đình Trần Lý giúp đỡ. Trong thời gian này, hoàng tử Sảm đã kết duyên cùng Trần Thị Dung, con gái thứ hai của Trần Lý. Họ Trần đã tập hợp hương binh giúp nhà Lý dẹp loạn, diệt trừ Quách Bốc (thuộc tướng của Phạm Bỉnh Di) đưa vua Lý trở lại kinh đô. Trần Lý được phong làm Minh tự, cậu ruột Trần Thị Dung là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Năm 1210 vua sai Đỗ Quảng đến đón Hoàng tử Sảm trở về kinh, nhưng chưa được phép đem theo người vợ họ Trần. Khi ấy Trần Lý bị một phe phái nổi loạn giết hại, người con thứ là Trần Tự Khánh được vua Lý phong tước Thuận Lưu bá.

Chùa tháp Phổ Minh xưa.

Chùa tháp Phổ Minh xưa.

Uy thế họ Trần bắt đầu được đề cao từ khi hoàng tử Sảm (sau này là Lý Huệ Tông) lên ngôi vào năm 1211. Ông cho đón Trần Thị Dung về cung lập làm nguyên phi. Lúc này Tô Trung Từ được phong Thái uý phụ chính. Tuy thuộc họ ngoại, nhưng ông là người sớm nhận ra vị trí quan trọng của vùng đất quê hương nhà Trần. Ngay năm đó, với tư cách một đại quan đầu triều, Trung Từ đã đến Nguyễn Gia Trang (nay thuộc làng Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực), một vùng có địa thế đẹp và cư dân sầm uất từ thời Lý, cho xây dựng tại đây một hành cung để vua và hoàng tộc có thể nghỉ lại mỗi khi đi kinh lý. Ông còn cho xây một toà thành kiên cố gần chợ Bình Giã và cho khơi một con sông, tạo thành con đường giao thông thuận tiện cho các lái thương có thể đi thuyền thẳng từ biển vào chợ. Dấu vết con sông này còn lại đến ngày nay. Đó chính là sông Châu Thành nối sông Hồng với sông Ninh Cơ chảy qua Điền Xá. Theo truyền thuyết dân gian, Tô Trung Từ đã dạy dân địa phương nghề trồng hoa và cây cảnh. Về sau vùng đất này trở thành một trung tâm phục vụ quan trọng cho hành cung Thiên Trường.

Huệ Tông là người yếu đuối, lại bị Thái hậu họ Đàm khống chế nên mọi việc đều phó thác cho Đàm Dĩ Mông, người chức cao, quyền lớn nhưng “không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán khiến chính sự ngày càng đổ nát” . Lợi dụng tình hình đó, Đoàn Thượng làm phản, tụ tập bè đảng ở Hồng Châu thả sức cướp bóc khiến triều đình không chế ngự nổi. Trong triều, hoàng thái hậu Đàm thị tác oai tác quái, ức hiếp vua và nguyên phi, thường xuyên dèm pha Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc. Năm 1216, lấy cớ nguyên phi Trần thị là bè đảng của giặc, đã ép buộc bà phải tự sát. Trước tình thế bức bách, không còn cách nào khác, Lý Huệ Tông đã phải bí mật rời bỏ hoàng cung, cùng với Trần thị trốn đến nơi đóng quân của Trần Tự Khánh.

Từ đó vua Lý hoàn toàn phụ thuộc vào thế lực anh em họ Trần.

Năm 1217 Lý Huệ Tông phát bệnh cuồng, không còn làm chủ được bản thân. Đến năm 1224, bệnh của vua ngày càng nặng, các danh y trong nước được mời đến những không ai chữa nổi, tình hình trong nước hết sức rối ren, mọi việc vua đều uỷ quyền cho Trần Thủ Độ (người anh em con chú con bác với Trần Thừa) khi ấy là Chỉ huy sứ, quản lĩnh cấm quân.

Là người cơ mưu, quyết đoán, Trần Thủ Độ đã sắp đặt để vua Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh, rồi cắt tóc đi tu ở chùa Chân Giáo.

Liền sau đó, Trần Thủ Độ lại thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và một năm sau, vào tháng 12 năm Mậu Dần (1225), Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, nhà Trần khởi nghiệp đế.


TOP