Thầy giáo 9X (Nam Định) định hướng cách học và ôn Ngữ văn theo đề minh họa của Bộ

Thầy giáo 9X (Nam Định) định hướng cách học và ôn Ngữ văn theo đề minh họa của Bộ

Ngày 24/1, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa THPT quốc gia môn Ngữ văn. Thầy giáo Trịnh Quỳnh đã đưa ra một vài gợi ý về cách học và ôn tập cho học sinh.

Ngày 24/1, Bộ GD&ĐT công bố bộ đề tham khảo các môn thi THPT quốc gia năm 2018. Đây là đề tham khảo duy nhất được công bố trong năm nay.

Thầy giáo Trịnh Quỳnh trưởng thành từ lớp chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), tốt nghiệp bằng giỏi Sư phạm Ngữ Văn thuộc Khoa Văn học của Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội).

Thầy giáo Trịnh Quỳnh. Ảnh: NVCC.

Thầy Quỳnh đã có một vài ý kiến, chia sẻ về những kinh nghiệm quý báu trong việc học môn Ngữ văn. Đặc biệt, là định hướng cách học và ôn tập theo hướng ra đề tham khảo của Bộ GD&ĐT như sau:

“Nhận định về đề minh họa môn Ngữ văn, tôi cho rằng đề thi có sự phân loại các kiểu văn bản: văn bản thông tin, văn bản nghị luận và văn bản văn học từ đó đòi hỏi cách thức đọc hiểu và làm văn khác nhau.

Cụ thể ở phần đọc hiểu, các em học sinh cần nắm vững 4 cấp độ đọc hiểu: Câu 1 nhận biết; câu 2, 3 thông hiểu; câu 4 vận dụng và câu nghị luận xã hội vận dụng cao. Học sinh cũng cần phân biệt được vị trí và mối liên hệ giữa câu hỏi với câu trả lời.

Câu trả lời ở câu số 1 nằm ngay trong văn bản. Các em chỉ cần đọc lướt và xem lại nhan đề; nguồn trích dẫn; câu chủ đề; các từ khóa. Với các câu số 2, 3 là câu hỏi suy nghĩ và tìm kiếm câu trả lời nằm trong văn bản nhưng tôi phải suy nghĩ về nó để có câu trả lời.

Câu 4 là câu hỏi sáng tạo, với câu hỏi này tôi thực sự có tri thức nền tảng về vấn đề đó, và tác giả đã cung cấp thêm thông tin cho tôi. Những kết nối này dẫn tôi đi đến câu trả lời.

Câu nghị luận xã hội là câu hỏi tự bộc lộ, câu trả lời nằm trong đầu của bạn, cần đưa ra quan điểm có tính cá nhân tránh sự trùng lặp ý hay đề xuất đã có trong văn bản đọc hiểu.

Khi học sinh phân biệt được câu trả lời nằm trong văn bản và câu trả lời nằm ngoài văn bản thì các em sẽ phân biệt được những câu trả lời phải dựa vào quan điểm của tác giả trong văn bản hay câu trả lời theo quan điểm cá nhân của bản thân mình.

Với những yêu cầu trên, học sinh cũng cần thực hiện các bước cơ bản để đọc hiểu tốt một văn bản với 3 giai đoạn: Trước khi đọc văn bản; trong khi đọc văn bản và sau khi đọc văn bản.

Đặt ra các câu hỏi trước khi bắt đầu đọc thật sự, sẽ giúp người đọc có chủ đích khi tiến hành đọc tài liệu. Lý do duy nhất để đặt câu hỏi trước khi đọc là buộc người đọc tập trung và chú ý đến các từ quan trọng, cần thiết hơn. Hãy đọc lướt qua nhan đề, nguồn trích dẫn, câu chủ đề, phân chia bố cục các đoạn, sau đó tự trả lời các câu hỏi dưới đây:

Tiêu đề của văn bản cho biết tác giả đang bàn về vấn đề gì? Thái độ của tác giả đối với vấn đề đó? Tôi đã biết gì về vấn đề đó? Tôi có thể dự đoán được những gì?

Hơn nữa, trong quá trình đọc, hãy cố gắng tập trung tìm kiếm các chi tiết nhằm giúp ta trả lời những câu hỏi đã đặt ra. Khi đọc, chúng ta có thể ghi chú đơn giản hoặc gạch ý để hệ thống các chi tiết.

Bước xem lại này sẽ được tiến hành sau khi bạn đã đọc xong toàn bộ văn bản. Bước này kiểm tra chắc chắn xem mình có hiểu và nhớ những gì mình đọc. Trả lời những câu hỏi được đặt ra ban đầu và liên kết các câu hỏi này thành một hệ thống để dễ nhớ và dễ hiểu.

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh tư liệu.

Đối với phần nghị luận xã hội đòi hỏi yêu cầu cao hơn ở chỗ: Không chỉ biết phân tích tái hiện đơn thuần, mà các em còn phải biết liên hệ, so sánh, mở rộng vấn đề.

Cách học hiệu quả nhất là học theo các nhóm bài để có những so sánh đối chiếu hiệu quả. Các bài trong 1 nhóm nên là các tác phẩm có cùng chung đặc trưng thi pháp như văn học hiện thực; văn học lãng mạn; văn học cách mạng; văn học sau 1975…

Hoặc so sánh trên bình diện thi pháp: không gian, thời gian nghệ thuật, quan niệm về con người (người phụ nữ, người nông dân, người lính cách mạng, người nghệ sĩ…), kết cấu và các chi tiết nghệ thuật…”.

Bên cạnh đó, thầy Trịnh Quỳnh cũng lưu ý với các em học sinh: Người học nhất thiết phải hiểu rõ được đặc trưng vấn đề cần nghị luận bao gồm: phong cách tác giả, biểu hiện của phong cách tác giả trong tác phẩm đó; đặc trưng thi pháp của từng giai đoạn văn học hay đặc trưng thi pháp của từng thể loại.

Ở đề thi tham khảo là đặc trưng của thể loại kí và sự chuyển biến phong cách nghệ thuật của tác giả Nguyễn Tuân. Điều này được trình bày rất chi tiết trong hệ thống lý thuyết thi pháp các nhóm tác phẩm và những căn cứ bên ngoài để hiểu thêm tác phẩm trong cuốn Chinh phục năng lực và 10 chuyên đề luyện thi đỉnh cao.

“Bài làm của thí sinh cần có những yếu tố này mới đảm bảo những định hướng với một đề kiểm tra, đánh giá theo định hướng năng lực của học sinh”, thầy Quỳnh nói.

Theo Nhật Cường
(Theo Đời sống & Pháp lý)


TOP