Thiên Trường - Nam Định ký ức và kỳ vọng trước mùa Xuân

Thiên Trường – Nam Định ký ức và kỳ vọng trước mùa Xuân

Trần triều là một thời đại rực rỡ và oai hùng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam với ba lần chiến thắng đế quốc lớn Nguyên – Mông giữ yên bờ cõi. Lịch sử ghi nhận rằng để giữ lấy cố hương nơi phát tích và cũng là lập hành cung giữa bốn bề đồng bằng phì nhiêu châu thổ sông Hồng, nhà Trần tính kế dài lâu phòng thủ dễ bề tiến thoái mà dựng thêm một phó kinh đô… Hơn 750 năm đi qua từ ngày nhà Trần khởi dựng Thiên Trường – Tức Mặc bên sông Vị Hoàng… chúng ta đón một mùa Xuân mới, với khí thế mới để xây dựng và phát triển Nam Định ngày càng giàu mạnh, hướng tới một tương lai tốt đẹp trên nền tảng của hào khí Đông A – Đại Việt.

Bình sinh, có lần Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng nhận mình gốc gác Sơn Nam Hạ. Ông tự hào quê quán xưa của mình từ một làng chài ven biển vùng đất cổ có cái tên ấy và theo ông, Thái Bình – Nam Định đều là quê chung – quê hương nhà Trần… Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm, nhà nghiên cứu lịch sử có một đề xuất làm nhiều người ngạc nhiên, ấy là nên xây ở Thiên Trường một ngôi đền thờ cô công chúa nhỏ tội nghiệp của nhà Lý – người đã một vai gánh lấy sơn hà và cuối cùng chịu nhường giang san cho nhà Trần… Có một đặc điểm cần ghi nhận là phần lớn các Vua Trần đều nhường ngôi, từ giã ngai vàng khi tuổi đời còn trẻ. Đây là một điểm lạ về mặt văn hóa trong lịch sử các chế độ phong kiến (?) cho dù Thái thượng hoàng trong chế độ nhà Trần vẫn còn nhiều quyền lực. Điển hình là Vua Trần Nhân Tông – xuống tóc đi tu khi đang ngự ở đỉnh vinh quang của chiến thắng và quyền lực. Nhà thơ Trần Ninh Hồ khi đứng trước tượng Phật Trần Nhân Tông tại Yên Tử đã viết rằng: “Ngọc tỉ chửa rời tay/ Đã coi như đá cuội”. Có lẽ nhà thơ muốn “nói” cái tâm thế của đấng quân vương nhà Trần khi rời bỏ quyền lực để… lên núi tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Có những bí ẩn lịch sử khó giải mã về những nhân vật lịch sử như vậy.

Hoài niệm quá khứ vàng son của ông cha một thuở, người Nam Định coi Thiên Trường là linh miếu tưởng nhớ Trần triều và ra công trùng tu tôn tạo di tích, quy hoạch nơi đây thành Trung tâm văn hóa Đông A. Không có một lễ hội nào ngắn mà đông như Lễ Khai ấn Đền Trần và Lễ hội Đền Trần hằng năm, với hàng chục vạn lượt người khắp nước tụ về. Linh thiêng Đền Trần cũng là tâm linh người Việt, ngưỡng vọng tôn thờ một vương triều vĩ đại.
tintucnamdinh
Tôi có hai mươi năm lui tới “Đền Trần Nam Định” như dân gian thường gọi, chỉ bởi vì ngưỡng vọng một vương triều. Tôi tin người Nam Định biết trân trọng lịch sử – văn hóa dân tộc. Người Thành Nam không chỉ lo phát triển mà lo cả việc bảo tồn phát huy truyền thống. Đó là tín hiệu vui…

Đi tìm dấu vết điển hình của di tích Trần ở Tức Mặc, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều nền móng kiến trúc cao cấp, tiêu biểu, những cung điện không khác mấy ở Thăng Long; nhiều di vật, đồ dùng sinh hoạt của vương triều. Thiên Trường là kinh đô thứ hai sau Thăng Long của nhà Trần. Điều đó được khẳng định khi TS Tống Trung Tín phân tích cơ chế “hai vua” ở thời Trần với Thượng hoàng ở Thiên Trường, Vua Trần ở Thăng Long. Cung Trùng Quang là nơi vua nhường ngôi lui về hậu trường và cung Trùng Hoa để vua tại vị đi về với vua cha, hầu trở về hậu cứ sau bao nhiêu sóng gió chiến chinh trận mạc… Thiên Trường – Nam Định có gần 2.000 di tích lịch sử – văn hóa và trong đó chứa đựng đậm đặc những dấu tích nhà Trần cả trên phương diện văn hóa phi vật thể và văn hóa kiến trúc điêu khắc. Sức bền văn hóa đất này có gốc rễ từ trong lịch sử.
Thơ văn Lý – Trần cho thấy hầu hết các nhân vật lẫy lừng đều để lại những áng thơ văn bất hủ. Những áng thơ văn ấy mang hào khí Đông A, mà áng văn bất hủ nhất trong số đó là Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo. Trong số các nhân vật nổi tiếng bậc nhất của lịch sử dân tộc, trường hợp dân gian (nhân dân) phong Thánh cho Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là một trường hợp đặc biệt. Đặc biệt hơn là mật độ thờ cúng Đức Thánh Trần trong rất nhiều các đền, miếu, đình, chùa trên phạm vi cả nước đã thể hiện tấm lòng của nhân dân với vị anh hùng dân tộc. Tên tuổi Trần Hưng Đạo mãi trường tồn trong dân gian. Có lẽ sự tôn vinh ngưỡng vọng từ dân gian còn mang tầm cao hơn cả sử sách… Tôi nghiêng mình trước một triều đại như vậy. Xưa đế quốc Nguyên – Mông đã từng làm nghiêng lệch cả thế giới, nhưng chịu ba lần bại trận trước quân dân triều Trần nước Đại Việt. Trong lịch sử nhân loại, không thể nào có một chiến thắng hiển hách, huy hoàng như vậy. Đó là chiến thắng của sức mạnh Đại Việt và trí tuệ, hào khí Đông A. Thiên Trường là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa chủ yếu thời Trần, bên cạnh Thăng Long. Nhớ có lần TS Nguyễn Xuân Năm, nguyên Giám đốc Sở VH, TT và DL nhắc chuyện, một chuyên gia lịch sử nước ngoài nhận xét vui: Nếu Thăng Long là Thủ đô thì Thiên Trường là… phó Thủ đô. Đúng là Phủ Thiên Trường xưa là trung tâm của lộ Thiên Trường thời ấy, bao gồm cả vùng đất Nam Định và một phần Thái Bình bên kia sông Hồng. Hai nửa quê Trần bây giờ có hai Đền Trần là Nam Định và Hưng Hà thuộc Thái Bình là vì vậy.
Thiên Trường cho ta cái nhìn tổng thể về một Thành Nam vàng son trong quá khứ. Tôi nhớ tại cuộc hội thảo về Thiên Trường, TS Lê Thị Minh Lý, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa nêu rõ: “Cần nghiên cứu để tiến tới bảo vệ khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần ở cấp độ quốc tế. Bảo vệ, phát hiện làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu vực di tích, tạo tiền đề để đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử – văn hóa thời Trần tại Nam Định là Di sản thế giới… Đó là một gợi ý có cơ sở khoa học và Thiên Trường xứng đáng để được tôn vinh là một di sản mang tầm nhân loại. Tôi tin Nam Định sẽ nỗ lực vì di sản văn hóa Đền Trần cùng với nghệ thuật hát Văn Phủ Dầy, để những giá trị của di sản ấy được nhân loại tôn vinh, bảo vệ…
Nghĩ tới Thiên Trường là để tôn vinh một thời đại hào hùng bậc nhất lịch sử dân tộc và để tự hào đi tới tương lai tươi đẹp trên nền của hào khí Đông A… Vàng son Thiên Trường là móng nền cho Thành phố Nam Định hình thành và phát triển. Nam Định hôm nay đang khởi sắc đi lên. Trong bề bộn đô thị hóa và phát triển… dẫu không còn tận cùng không gian xưa cũ, những Cảnh thanh u vật diệc thanh u/ Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự,nhưng lòng người Thành Nam vẫn hoài niệm thủa vàng son để rồi phát huy truyền thống anh hùng mà chung sức cùng dựng xây quê hương, đất nước đẹp giàu…
Nam Định hôm nay đang bừng dậy sức sống mới sau khi Quốc lộ 10 nâng cấp mở mang, cầu Tân Đệ bắc qua nối liền một dải đông bắc vựa lúa châu thổ sông Hồng… Dẫu không còn là vàng son một Thành phố Dệt, nhưng Nam Định đang vững vàng đi lên với tiềm năng, vị thế mới.
Những KCN mọc lên bên vựa lúa Hải Hậu, Xuân Trường, Nam Trực, Giao Thủy, Nghĩa Hưng… Thành Nam như một điểm sáng về phát triển đô thị hôm nay. Trong bộn bề quy hoạch xây dựng, vẫn lấp lánh viên ngọc cửa ngõ đông nam Hà Nội. Nghĩ đến Nam Định, nhớ gạo tám Hải Hậu mang cái dẻo thơm đến những bữa cơm người Việt. Rồi chiếng Chèo Nam nổi tiếng vẫn mượt mà làn điệu thôn dã trong mỗi đêm văn nghệ rộn rã đình làng… Cả cái chốn trường thi Thành Nam xưa ghi dấu truyền thống hiếu học của người Thành Nam, nay vẫn là đất học, vẫn lắm người đỗ đạt…
Ngoảnh lại Thiên Trường, hơn 750 năm đã đi qua, đi giữa đất trời quê hương Nam Định bây giờ tưởng như hào khí Đông A ngày nào vẫn còn là hùng khí của hôm nay để người Nam Định vượt lên nghèo khó dựng xây quê hương. Mùa Xuân đang về trên những đồng lúa bạt ngàn Hải Hậu, Nghĩa Hưng…, những vườn bon sai, cây cảnh Nam Trực… Bên hồ Vỵ Xuyên trong xanh nhòe mưa bụi, ngắm tượng Đức Thánh Trần oai phong với thanh gươm, quyển sách giữa quảng trường, lòng người Thành Nam tự hào, tự tin bước vào ngày mới gắng sức xây dựng quê hương hiện đại, văn minh, giàu đẹp…

BT: TVH


TOP