Thói quen tưởng như vô hại của cha mẹ nhưng là sai lầm rất lớn với con

Thói quen tưởng như vô hại của cha mẹ nhưng là sai lầm rất lớn với con

Nếu còn không hiểu hết tác hại cũng như mức độ của thói quen xấu này, cha mẹ sẽ làm mất lòng tin đối với con nhỏ.

Một cuộc khảo sát năm 2008 tại Anh cho thấy có đến 8 trong số 10 bậc phụ huynh thường xuyên sử dụng lời nói dối vô hại đối với con. Vậy, làm thế nào mà trẻ có thể học được cách tin tưởng bạn nếu bạn liên tục nói những lời nói dối dù chúng có vẻ vô hại. Dưới đây là một vài chiêu giúp các bậc cha mẹ hạn chế nói dối con.

– Khi trẻ đòi mua một món đồ chơi nào đó mà chúng tình cờ nhìn thấy khi đi siêu thị, một số cha mẹ sẽ nói “Người ta chỉ trưng bày thôi không bán đâu”, “Đấy là hàng mẫu không để bán.”… Sau vài lần, trẻ cuối cùng cũng sẽ biết rằng cha, mẹ đang nói dối.

Thay vì nói dối, bạn hãy thẳng thắn với con rằng “Mẹ không mang đủ tiền”, “Con có nhiều đồ chơi rồi”, “Hôm nay chỉ đi chợ mua thực phẩm, mua đồ chơi không nằm trong kế hoạch.”.. Nhân thể dạy trẻ biết lên kế hoạch mua sắm, và tiền có thể bị thiếu hụt không đủ mua thực phẩm nếu liên tục mua đồ chơi.
Khi muốn trẻ thắt dây an toàn trên xe hơi, nhiều người sẽ nói dối “Thắt dây an toàn vào, nếu không xe sẽ không thể chạy”. Theo Hal Runkel, nhà tâm lý học gia đình thuộc trung tâm ScreamFree Parenting cho biết: “Đây thực sự là một cách để tránh trách nhiệm của bạn với tư cách là cha mẹ. Công việc của bạn là đưa ra những quyết định thông minh, hay những lời giải thích phù hợp để giữ an toàn cho bé. Thay vì nói dối một cách tệ hại”.

Thay vào đó, hãy nói: “Bố mẹ sẽ không lái xe cho đến khi dây đai an toàn của con được thắt lại.” Điều này khiến trẻ biết rằng mẹ và bố có trách nhiệm đảm bảo các quy tắc an toàn được tuân thủ. Giải thích rằng đó là luật mà mọi hành khách đều phải đeo dây an toàn để tránh chấn thương.

– Khi trẻ không thích ăn rau, cha mẹ thường dụ dỗ bé “Công chúa Else, người nhện, các thiên thần… rất thích ăn rau”. Tiến sĩ Nelsen nói: ” Việc sử dụng thần tượng của bé để dụ dỗ bé thay đổi khẩu vị là hoàn toàn không hợp lý, hơn nữa trẻ rất nhanh sẽ phát hiện ra cha mẹ đang nói dối”.

Thay vào đó, hãy nói: “Rau quả rất tốt cho con, và con nên ăn cho đủ chất.” Nếu bạn không thể ép con bạn ăn, hãy cho trẻ tập ăn thử mỗi bữa một chút để bé chọn ra loại rau thích ăn nhất.

Với nhiều bé thích ngậm ti giả, một số bà mẹ thường dọa “Bây giờ con đã 3 tuổi, con đã lớn rồi. Sẽ vi phạm pháp luật nếu con đã lớn mà vẫn ngậm ti giả.” Một lần nữa, bạn đang né tránh trách nhiệm thực sự của mình với tư cách là cha mẹ, và từ bỏ vai trò hướng dẫn bé thông qua những bước chuyển mình từ thời thơ ấu.

Thay vào đó, hãy nói: “Mẹ biết con rất thích ngậm ti giả, nhưng cũng giống như các bạn khác, khi con lớn lên sẽ không nên dùng chúng nữa vì chúng sẽ làm hỏng răng của con”. Bên cạnh đó bạn cũng động viên, khích lệ để bé có cảm nhận tốt về sự trưởng thành mới này.

– Khi vật nuôi yêu quý của bé qua đời, không nên đánh lừa bé rằng “Cún con bị bệnh và đến sống ở nông trại.” hay “Nó đến sống ở một nơi khác tuyệt vời hơn”…Mặc dù bạn đang cố che chở cho bé không bị quá đau buồn, nhưng nên nói sự thật cho bé là tốt nhất.

Thay vào đó, bạn có thể an ủi bé một cách nhẹ nhàng, hãy nói: “Khi động vật già đi hoặc ốm yếu, chúng chết. Và đó là điều đã xảy ra với Cún con.” Cho dù rất buồn, bé cũng sẽ nhanh chóng vượt qua được nỗi đau này.

– Nếu chẳng may bố mẹ đang cãi nhau mà bị trẻ nhìn thấy, các vị phụ huynh thường chống chế rằng “Bố mẹ chỉ đang chơi trò chơi.” Điều này thực sự không nên, tốt nhất thỉnh thoảng để con bạn chứng kiến điều này miễn là không dùng vũ lực, không chửi thề…Theo tiến sĩ Nelsen cho biết: “Để trẻ có ấn tượng rằng mẹ và bố không bao giờ cãi vã là điều vô lý”.

Thay vào đó, hãy nói: “Bố mẹ có đôi khi bất đồng quan điểm, nhưng không sao, bố mẹ vẫn yêu nhau, và thỉnh thoảng mỗi người đều sẽ có những suy nghĩ khác nhau.” Nhắc nhở con bạn về một thời điểm khi bé có thể tức giận với người bạn thân nhất của mình, nhưng sau đó lại làm hòa và vẫn tiếp tục là bạn.

Khi con bị ốm, phải tiêm, các ông bố, bà mẹ thường trấn an con bằng cách nói dối rằng “Sẽ không đau chút nào đâu.”, “Chỉ như con kiến cắn thôi.” Với chúng ta có thể không đau, nhưng trẻ sẽ cảm thấy rất đau và sợ hãi vì cảm giác không hề giống bố mẹ miêu tả.

Thay vào đó, hãy nói: “Có thể sẽ đau một chút, nhưng không sao đâu. Con dũng cảm lên.” Đừng bỏ qua nỗi sợ hãi của con và hãy cho bé một chút thời gian chuẩn bị, an ủi và khích lệ bé.

Theo Minh Châu (Theo Parents) (Dân Việt)


TOP