Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại Nam Định

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại Nam Định

GD&TĐ – Sáng nay (5/7), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia năm 2018 tại Nam Định.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại Nam Định.

Tại đây, Thứ trưởng đã trao đổi, nắm bắt công tác triển khai chấm thi từ thành viên Ban Chấm thi, lực lượng thanh tra, công an cắm chốt tại Hội đồng chấm cũng như các giám khảo trực tiếp chấm thi…

Đưa ra lưu ý hết sức cụ thể, chi tiết về quy trình chấm đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế; lưu ý việc chấm kiểm tra; giao nhận bài thi; quy trình nhập điểm chặt chẽ để tránh sót…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời ghi nhận ý kiến trực tiếp từ những người làm công tác chấm thi để rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau.

Theo ông Ngô Vỹ Nông – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, Trưởng Ban Chấm thi, năm nay, Nam Định huy động 108 giám khảo trực tiếp chấm trên 19.000 bài thi Ngữ văn.

Các giám khảo được chia làm 3 tổ, ngoài giám khảo trực tiếp chấm, mỗi tổ có 1 tổ trưởng, 2 tổ phó cùng thư ký. 3 tổ thực hiện chấm chéo nhằm đảm bảo giáo viên không chấm vào bài học sinh của mình. Dự kiến việc chấm bài tự luận sẽ hoàn thành vào ngày mai (5/7).

Thông tin từ bà Phạm Thị Huệ – Phó Trưởng phòng giáo dục Trung học, Trưởng môn chấm thi – tính đến 3 giờ chiều 4/7, số bài tự luận chấm xong là hơn 10 nghìn, trong đó có 5 bài điểm liệt, 30 bài đạt 9 và 9,25 điểm; số bài đạt trên trung bình đạt 88,1%.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nắm bắt, trao đổi công tác nhập điểm thi tại Hội đồng chấm thi THPT quốc gia tỉnh Nam Định

Báo cáo của Ban Chấm thi, và Ban Thư kí (Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Nam Định), quy trình chấm được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định.

Với bài thi Ngữ văn, trước khi bắt tay vào chấm thi, Trưởng bộ môn tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT.

Sau khi thảo luận, không còn ý kiến tranh luận hoặc chưa rõ, Trưởng bộ môn lập biên bản báo cáo Trưởng Ban Chấm thi trước khi tổ chức chấm chung.

Tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài để giúp mọi cán bộ chấm thi của bộ môn nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi. Các bài chấm chung phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm, phải ghi rõ “bài chấm chung” kèm theo chữ kí của Trưởng môn chấm thi và ít nhất 2 cán bộ chấm thi.

Hai cán bộ chấm thi chấm độc lập trên 1 bài thi; bố trí 2 cán bộ chấm thi cùng túi bài thi ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau; thực hiện đúng theo quy trình chấm 2 vòng độc lập.

Với các bài thi trắc nghiệm, hiện Nam Định đã hoàn tất công đoạn quét bài, dò kiểm, xử lý dữ liệu và đã gửi dữ liệu điểm thi về Bộ GD&ĐT.

Theo (giaoducthoidai.vn)


TOP