Tôi sợ không lo được cho sức khỏe của cha mẹ vì gia đình không có tích lũy

Tôi sợ không lo được cho sức khỏe của cha mẹ vì gia đình không có tích lũy

Lương 60 triệu nhưng sau khi mua nhà và xe, vợ chồng tôi không còn khoản tích luỹ nào. 35 tuổi nhưng tôi sợ mình không đủ khả năng lo cho bố mẹ.

Tôi năm nay 35 tuổi, có vợ và một con trai nhỏ đang chuẩn bị vào lớp một. Hai vợ chồng tôi cùng quê Nam Định, ở lại Hà Nội lập nghiệp sau khi học đại học.

Tôi làm việc trong lĩnh vực tài chính, còn vợ làm về truyền thông. Sau hơn mười năm lăn lộn, kiếm sống, vợ chồng tôi cũng mua được một căn chung cư nhỏ và một chiếc xe hơi để phục vụ cuộc sống hàng ngày, tất nhiên vẫn phải vay ngân hàng một số tiền kha khá. Bố mẹ tôi vẫn ở quê, còn mẹ vợ đã lên ở cùng vợ chồng tôi sau khi bố mợ mất cách đây vài năm.

Với lương tháng đâu đó khoảng 60 triệu đồng của hai vợ chồng, chưa kể các khoản thưởng, thu nhập bất thường khác, tôi cho rằng thu nhập của gia đình không quá tệ so với mặt bằng chung, nhưng lại luôn sống trong cảnh bấp bênh về tài chính.

Mỗi lần nghĩ đến là tôi lại cố xua đi ý nghĩ không may, song điều tôi luôn lo sợ nhất là nếu có thành viên trong gia đình, như bố mẹ hay con trai, gặp vấn đề lớn về sức khỏe thì chúng tôi hầu như không có tích lũy kinh tế để trang trải cho những rủi ro đó.

Tôi vẫn cố đi tìm nguyên nhân để tính toán giải pháp song không có cách nào triệt để. Có lẽ chúng tôi đã vội vã mua nhà, mua xe để bây giờ mỗi tháng phải dành ra khoảng 20% thu nhập để trả nợ, thay vì tích lũy.

Nhưng bây giờ khi ở nhà của mình, có chiếc xe để chủ động đi lại, về quê… chúng tôi thật khó chấp nhận việc bán các tài sản đó đi để trở lại cuộc sống như khi hai vợ chồng mới lập nghiệp.

Cũng có thể do vợ tôi thời gian trước nặng gánh bên ngoại, phải hỗ trợ ông bà vốn không có thu nhập, em vợ còn đang đi học. Đến nay, cậu em đã đi làm, dần lo được cho mẹ. Tôi cũng hy vọng gánh nặng sẽ được san sẻ bớt đi.

Một nguyên nhân nữa tôi có cũng nhìn thấy có thể là do cách chi tiêu của gia đình, được quyết định chủ yếu bởi vợ tôi (cùng với những cái tặc lưỡi của tôi).

Nhiều lúc tôi thấy mức sống và cách chi tiêu của gia đình cao hơn so với thu nhập. Một năm đôi lần, vợ tôi mong muốn gia đình có những chuyến du lịch để xả stress (trong đó không ít chuyến đi nước ngoài), mua sắm những vật dụng trong gia đình mà tôi nghĩ chưa cần thiết hoặc chưa cần thay thế, mua quần áo cho con có vẻ nhiều hơn là nhu cầu thật của nó.

Mỗi lần nghĩ đến việc này, tôi thường xuyên có mặc cảm là phải chăng mình quá tiết kiệm, không phóng khoáng như một người đàn ông cần có.

“Vợ cũng là đang lo cho gia đình thôi mà, liệu mình có khắt khe quá không” – thường là suy nghĩ cuối cùng của tôi trước khi quay cuồng với những công việc khác.

Tuy vậy, sau tất cả, mối lo thường trực của tôi vẫn là rủi ro với gia đình ở một thời điểm bất định nào đó trong tương lai, khi mà vợ chồng tôi không có tích lũy về kinh tế. Chúng tôi từng trải qua một giai đoạn khó khăn như thế khi mà bố vợ tôi lâm bệnh và nằm viện dài kỳ.

Bởi kinh tế khó khăn và hiểu biết hạn chế, ông bà khi ấy không có bảo hiểm. Toàn bộ gánh nặng trang trải khi ấy đặt lên vai vợ chồng tôi.

Vì vậy, tôi vẫn canh cánh trong lòng nỗi sợ không thể lo cho các vấn đề sức khỏe của bố mẹ trong tương lai, khi mà gia đình không có tích lũy để chuẩn bị. Bố mẹ tôi hiện vẫn có sức khỏe tốt và sống vui vẻ, song ai biêt chuyện gì có thể xảy ra trong tương lai?!

Liệu tôi nên tìm thêm công việc để kiếm thêm thu nhập hay cố gắng thay đổi thói quen chi tiêu của gia đình?

Người đàn ông trong xã hội hiện đại có nỗi sợ nào? Họ có chịu các định kiến về giới, có mang những áp lực đặc thù của xã hội Á Đông?

Họ có sẵn sàng chia sẻ hay sợ bị phán xét? Chiến dịch xã hội #toisogi do Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life tổ chức hướng tới khuyến khích người đàn ông nói ra những điều họ lo sợ.

Bạn có thể chia sẻ về bản thân hay về những người đàn ông trong đời mình ngay dưới bài viết này hoặc tại website www.toisogi.com.

Những chia sẻ của bạn sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người, để cùng đi qua, để đồng lòng, trên hết là để cải thiện chất lượng sống của tất cả chúng ta.

Theo (vnexpress.net)

Tags:

TOP