Về Nam Định ăn tết Lùng Cùng

Về Nam Định ăn tết Lùng Cùng

Không biết từ bao giờ, Tết Lùng Cùng đã tồn tại trong tâm thức mỗi người dân Vụ Bản, tạo thành nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng quê Nam Định.

Tết Lùng Cùng còn có tên gọi khác là Tết Bánh Khúc hay Tết Vỗ bồ. Đây là tết truyền thống của nhân dân 3 thôn Thượng, Tâm, Tiền (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) và được tổ chức thường niên vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch.

Bánh khúc là đặc sản không thể thiếu, tạo nên nét riêng của tết Lùng Cùng.

Rau khúc là một trong những nguyên liệu chính để làm bánh khúc. Đây loài một loại rau dại, mọc nhiều vào mùa xuân ở những cánh đồng chiêm đã gặt còn trơ gốc rạ, trên các bãi hoang, bờ ruộng hay dọc theo những con mương…

Lá chuối dùng để gói bánh phải đem luộc hoặc hấp, khi nào chín kỹ vớt ra để khô là được.

Rau khúc đã nhuyễn được đem trộn lẫn với bột gạo, sau đó đem nặn thành bánh khúc. Bên trong thường có nhân là đỗ xanh giã mịn, hạt tiêu và thịt lợn thái miếng nhỏ đã được xào thơm với hành.

Mọi người quây quần cùng nhau gói bánh khúc.

Cách làm bánh khúc khá đơn giản, nhưng cái khó là tạo được hương vị riêng của quê hương.

Những chiếc bánh gói xong được đem đi luộc.

Bánh luộc xong có màu xanh lấm tấm của rau khúc, rất mịn. Khi ăn, hương hạt tiêu đậm đà quyện với vị rau khúc độc đáo tạo thành vị ngon riêng biệt của bánh khúc nơi đây. Bánh ngon nhất khi ăn nóng và có thể để đến hai ngày mà vỏ bánh vẫn mềm, dẻo da.

Đến tết Lùng Cùng, nhà nào cũng làm bánh khúc để dâng lên tổ tiên, sau đó thăm hỏi nhau, mời nhau miếng bánh thơm thảo. Các thế hệ con cháu dù có đi làm ăn xa nơi đâu nhưng đến ngày này cũng đều hướng vê quê nhà và nhớ tới hương vị đặc trưng của món bánh khúc như để tri ân với tổ tiên và tự nhắc mình không quên cội nguồn.

Theo Phạm Thảo
(laodongthudo.vn)


TOP