Về xã nông thôn mới Hải Nam

Về xã nông thôn mới Hải Nam

Trong không khí tất bật đón chào năm mới 2018, chúng tôi trở lại xã Hải Nam (Hải Hậu). Từ Quốc lộ 21 rẽ vào, xe bon bon trên con đường trục xã rộng rãi được trải nhựa phẳng lỳ.

Ven đường trục xã, cho tới các dong ngõ, xóm đâu cũng thấy những ngôi nhà mái bằng kiên cố san sát, thấp thoáng đan xen những kiến trúc biệt thự bề thế, hiện đại, những công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh mới được đầu tư xây dựng khang trang… Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự phát triển khởi sắc của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Xã Hải Nam, có vị trí rất quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội của huyện; có vị trí chiến lược quốc phòng, an ninh trong các cuộc kháng chiến.Nhân dân xã Hải Nam vốn có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, cần cù trong lao động sản xuất, kiên cường dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã, sau ngày thành lập Đảng (3-2-1930), tổ Đảng Hội Khê ngoại được thành lập. Hải Nam trở thành một cái nôi của phong trào cách mạng và là một trong ba cơ sở Đảng đầu tiên của huyện Hải Hậu. Tháng 7-1931, tổ Đảng đã tổ chức treo cờ trên cây gạo trước Đền Hội Khê ngoại.

Lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm phấp phới tung bay giữa vùng quê hẻo lánh, nơi hang ổ kìm kẹp lâu đời của thực dân, phong kiến đã cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Hải Nam.

Hoà chung với khí thế của cả nước, lực lượng thanh niên Hải Nam đã tham gia cướp chính quyền huyện Hải Hậu vào ngày 21 tháng 8 năm 1945 và đến ngày 23 tháng 8 năm 1945 nhân dân Hội Khê ngoại đã kết hợp nhân dân thôn Lạc Nghiệp kéo lên cướp phủ Xuân Trường và đánh chiếm đồn Lạc Quần thắng lợi.

Ngay sau khi lật đổ chính quyền của địch, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện Hải Hậu, nhân dân ở ba thôn của xã đã tổ chức mít tinh lớn đồng loạt tại các địa điểm: Chùa Hội Khê, đền Hội Nam và chùa Trà Hải Trung để thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời ở Trà Hải Trung, Hội Khê ngoại, Hội Khê nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân Hải Nam đã kiên trì bám đất, bám làng, đùm bọc nuôi dưỡng cán bộ, đảng viên, chiến đấu ngoan cường, cùng nhân dân Hải Hậu làm nên các chiến thắng Cầu Đôi, Đông Biên, Tang Điền, Văn Lý…

Một góc NTM bền vững và phát triển xã Hải Nam.

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở khai thác tiềm năng, phát huy nội lực của địa phương, trong đó chú trọng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy, UBND xã đã xác định “bước đột phá” để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đa dạng hóa ngành nghề.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, nhân dân trong xã đã tập trung phát huy truyền thống thâm canh, tăng vụ, tích cực khảo nghiệm đưa một số giống lúa mới cho năng suất và hiệu quả cao vào sản xuất, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp khai thác tiềm năng đất đai, lao động của địa phương để phát triển kinh tế. Trong đó, đã quy hoạch được vùng sản xuất tập trung để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng giá trị canh tác bình quân 1ha đạt 100 triệu đồng.

Với những diện tích đất lúa ở vùng thấp trũng, khó điều tiết nước, xã chủ trương quy hoạch chuyển đổi hình thành những vùng nuôi trồng thuỷ sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay xã đã có gần 50 trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, nghề và làng nghề, Đảng uỷ, UBND xã đã ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể và cá nhân đầu tư phát triển ngành nghề, kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân. Ngoài việc duy trì các ngành nghề truyền thống như nghề mộc, nề, cơ khí, xã khuyến khích các tập thể và cá nhân du nhập thêm các nghề mới như nghề may, thêu ren, móc sợi.

Trên địa bàn xã hiện đã hình thành được 1 làng nghề truyền thống, 3 cơ sở may và hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động có thu nhập ổn định từ 2,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu như xưởng may của các hộ: ông Mai Văn Trang – xóm 4; ông Trần Văn Thiện – xóm 15; bà Mai Thị Hoàn – xóm 5; xưởng chế biến gỗ của ông Phạm Văn Sử – xóm 4… đã thu hút hàng trăm lao động với thu nhập ổn định.

Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xã còn tạo điều kiện để Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông đầu tư dự án nhà máy giết mổ lợn với công suất 250-300 con/giờ (trọng lượng 100-150 kg/con), kho dự trữ công suất 5.000 tấn thịt đông lạnh để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, trước mắt là thị trường Hàn Quốc, Nga.

Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM bền vững và phát triển, xã Hải Nam đã có 9/20 xóm được UBND huyện công nhận đạt tiêu chuẩn “xóm NTM bền vững và phát triển” năm 2016; năm 2017, xã đang đôn đốc 10 xóm thực hiện và hoàn thành nốt các hạng mục, tiêu chí để được UBND huyện thẩm định và công nhận vào đầu năm 2018.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, năm 2017 các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của xã đã đạt được nhiều kết quả khả quan như: tổng sản lượng lương thực đạt 3.172,8 tấn;

bình quân thu nhập đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 2,87%; 95,89% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trên 95% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình NTM, 89,02% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liền (2015-2017); tỷ lệ bao phủ BHYT (tính đến ngày 31-10-2017) đạt 81,4%, tăng 4,19% so với năm 2016…

Bước sang năm 2018, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Nam quyết tâm hoàn thành và đạt danh hiệu xã NTM bền vững và phát triển. Trong đó, phấn đấu năng suất lúa đạt 121 tạ/ha/năm; giá trị canh tác đạt 120 triệu đồng/ha/năm.

Nâng mức bình quân thu nhập đầu người lên trên 45 triệu đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn xã tăng 1,5-2% so với dự toán huyện giao; có trên 95% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá và gia đình NTM, có trên 80% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liền…

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Đảng uỷ, UBND xã tập trung vào các giải pháp: Tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, huy động các nguồn lực của địa phương tiến hành đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thuỷ lợi phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hoá. Tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình trình diễn với các tiến bộ kỹ thuật mới, tập huấn kỹ thuật và đào tạo nghề cho nông dân; khuyến khích phát triển kinh tế hộ.

Với những định hướng, quyết sách mạnh dạn, đúng đắn, phát huy được nội lực của địa phương và tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Hải Nam đã góp phần làm khởi sắc diện mạo vùng quê giàu truyền thống cách mạng, hòa chung vào công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước hôm nay./.

Bài và ảnh: Thành Trung( báo nam định)


TOP