Xuân Trường phát huy giá trị văn hoá gia đình truyền thống

Xuân Trường phát huy giá trị văn hoá gia đình truyền thống

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Xuân Trường luôn quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong đó chú trọng gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá gia đình truyền thống.

Gia đình ông Trịnh Ích Xiêm, xóm 12B, xã Xuân Kiên là gia đình văn hóa tiêu biểu.

Năm 2017, toàn huyện có 45.197/53.806 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” (đạt tỷ lệ 84,1%). Nhiều xã có tỷ lệ gia đình văn hoá cao, luôn đạt từ 80-95% như: Xuân Kiên, Xuân Vinh, Xuân Ninh, Xuân Thượng, Xuân Ngọc, Xuân Hồng, Thị trấn Xuân Trường…

Đạt được kết quả trên, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”.

Các địa phương trong huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững…

Trước hết, tập trung xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò của người phụ nữ… nhằm bảo vệ sự ổn định và phát triển gia đình.

Nhiều năm nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11),

các địa phương tổ chức các hoạt động: bình xét, tuyên dương, khen thưởng các gia đình văn hoá, họp mặt các gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao… để tạo không khí vui tươi, phấn khởi; nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của gia đình.

Ở xã Xuân Thượng, những chuẩn mực văn hoá gia đình ngày nay được phát huy trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hoá gia đình truyền thống.

Đến nay, số hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá” của xã chiếm tỷ lệ trên 90%, trong đó trên 65% số hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” 3 năm liền.

Các gia đình văn hoá luôn thực hiện tốt quy ước cộng đồng, quy chế hoạt động của khu dân cư, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề như: quy ước về thực hiện nghĩa vụ quân sự, quy ước sử dụng điện, nước và các công trình công cộng; quy ước quan hệ ứng xử trong gia đình và xã hội, truyền thống hiếu học trong gia đình, dòng họ;

quy ước về giao thông nông thôn, an ninh trật tự, thăm hỏi người ốm đau, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng…

Các quy chế về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được các gia đình thực hiện nghiêm túc, các gia đình đảng viên luôn gương mẫu đi đầu. Từ đó, các đám cưới mang tính phô trương, ăn uống linh đình lãng phí trên địa bàn xã giảm hẳn; xoá bỏ tình trạng tảo hôn, thách cưới.

Các đám tang được tổ chức trang trọng, chu đáo với đầy đủ các nghi lễ truyền thống; các hủ tục lạc hậu rườm rà không còn.

Lễ hội tại các di tích – lịch sử văn hoá được tổ chức, quản lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo các nghi thức tế, lễ, rước trang trọng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Ở xã Xuân Hồng, từ lâu, nét đẹp văn hoá trong giao tiếp, ứng xử đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của từng gia đình, hình thành nên nhiều giá trị văn hoá truyền thống như: Sự hoà thuận, chung thuỷ, tình nghĩa, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, tôn trọng, hiếu đễ với cha mẹ, cô dì, chú bác…

Tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm của xã luôn đạt từ 70-80%. Tại các làng cổ: Hành Thiện, Tiên Dũng, Lục Thuỷ, Phú Yên, Hồng Thiện… các gia đình nhiều thế hệ đã bảo tồn phát huy được giá trị văn hoá truyền thống với các nguyên tắc: “gia đạo”, “gia phong”, “gia lễ”.

Trong đó, gia đạo (đạo nhà) là nội dung cốt lõi của đạo đức gia đình thể hiện cách “đối nhân, xử thế” của các thành viên trong những vấn đề cơ bản như: đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo bằng hữu; Gia phong gắn liền với quan niệm sống, trình độ văn hóa, thiên hướng nghề nghiệp của trụ cột trong gia đình nhằm xây dựng gia đình có nền nếp, êm ấm, thắm đượm tình thương và có ý thức trách nhiệm với nhau;

Gia lễ đề cập đến các phép tắc ứng xử, đảm bảo trật tự kỷ cương: Sống có trên có dưới, lễ nghĩa phân minh, có sự hòa quyện của ý thức đạo đức với pháp luật liên quan đến phong tục tập quán cộng đồng, sinh hoạt văn hóa gia đình các dịp lễ, tiết như: ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp…

Ở xã Xuân Kiên, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã lấy việc xây dựng gia đình văn hóa làm cơ sở, nền tảng để xây dựng khu dân cư, đơn vị văn hóa.

Phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” có tác động tích cực để phát triển các phong trào: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi con tốt, dạy con ngoan; Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; Gia đình thể thao, Gia đình sức khỏe…

Năm 2017, toàn xã có 2.492/2.932 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” (đạt tỷ lệ 87,7%). Tỷ lệ gia đình văn hóa đã trở thành chuẩn mực quan trọng để đánh giá chất lượng đời sống văn hoá cơ sở.

Ngày càng có nhiều hộ gia đình văn hóa đạt chuẩn, gương người tốt, việc tốt được bình bầu, khen thưởng, vinh danh. Tiêu biểu như các hộ ông bà: Bùi Đào Khương, Bùi Xuân Hồng, Đinh Văn Dương, Trịnh Ích Xiêm, Đinh Văn Tuấn, Mai Văn Thức…

Ở Xuân Trường, văn hoá truyền thống gia đình còn được thể hiện rõ nét thông qua các ngày lễ, tết. Trong đó dịp Tết Nguyên đán được xem là ngày hội của sự sum vầy với không khí chan hoà, ấm áp. Nhiều người dân làm ăn xa quê hương có dịp được đoàn tụ cùng gia đình với tất cả tình yêu thương.

Đây là thời gian quý báu để mọi người cùng nhìn lại công việc của mình trong một năm; người già có dịp bảo ban, dạy dỗ con cháu; người trẻ bày tỏ sự yêu thương, hiếu kính với ông bà. Ngoài ra, các ngày hội làng, hội xóm ở địa phương cũng là dịp để các gia đình, cộng đồng dân cư có cơ hội được giao lưu, trao đổi, sinh hoạt những công việc chung của cộng đồng, tham gia các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, thời gian tới các địa phương trong huyện Xuân Trường tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh và kế thừa giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, xã hội.

Xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá có ý nghĩa thiết thực trong đời sống; đa dạng hoá các hình thức sinh hoạt văn hoá, tiếp thu những nét văn hóa tốt đẹp của mô hình gia đình truyền thống và hiện đại với cộng đồng; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng


TOP