Người Việt tìm kiếm từ khóa nào nhiều nhất trên Google?

Người Việt tìm kiếm từ khóa nào nhiều nhất trên Google?

Những ai quan tâm tới thế hệ trẻ hôm nay chắc sẽ rất buồn lòng khi đọc được thông tin mà Google vừa công bố về 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2015 trên toàn thế giới và từng quốc gia.

Ở Việt Nam những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất là “Vợ người ta”, “Âm thầm bên em”, “Không phải dạng vừa đâu”… là tên những bài hát với ca từ rất đỗi bình dân. Thêm tên mấy bộ phim cùng chương trình tấu hài “Cười xuyên Việt” và từ khóa “How-old.net”- mục đoán tuổi qua hình ảnh. Thế thôi. Không một từ khóa nào liên quan tới tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước như biển Đông, cộng đồng ASEAN hay TPP mà Việt Nam sắp tham gia…, hoặc mối lo của toàn xã hội hiện nay là nợ công kịch trần, cải cách giáo dục tích hợp môn lịch sử…

Hãy nhìn sang các nước quanh ta: Ở Singapore, các từ khóa tra cứu nhiều nhất là “chất lượng không khí” (do nạn cháy rừng ở Indonesia bị gió thổi sang), “Lãnh đạo Lý Quang Diệu qua đời”… Ở Malaysia là các từ khóa HRMIS 2 – tức phiên bản 2 của hệ thống quản lý con người Malaysia hoặc BR1M 2015 – tiền mặt do chính phủ phân phối… Ở Indonesia là từ khóa “giá cả leo thang”… Ở Hàn Quốc từ MERS – tên dịch cúm, hay Namuwiki – tức Wikipedia Hàn Quốc… được tìm nhiều nhất. Còn ở Nhật, từ khóa được tìm nhiều nhất là “Bão”, “IS” (Nhà nước Hồi giáo tự xưng )…

Đa số người truy cập là giới trẻ. Nên không buồn sao được khi đa số người trẻ hôm nay chỉ quan tâm tới những bài hát, những cuốn phim, những màn tấu hài. Họ vô cảm với tình hình đất nước, dân tộc, chỉ chạy theo những thị hiếu tầm thường của “hiệu ứng đám đông”. Tôi thử lên mạng truy cập Vợ người ta xem tại sao nó có sức hấp dẫn những người trẻ tuổi như thế. Những câu hát lời lẽ ngô nghê: “… Nhạc tung tóe thanh niên hòa ca/ Vài ba đứa lên lắc lư theo/ Ấy là thành đám cưới em với người ta/ Anh biết do anh mà ra/ Tình yêu ấy nay xa càng xa/ Buồn thay/ Nghĩ nhiều chuyện trong đời/ Anh thấy lòng càng rối bời/ Liệu ngày đó nhiệt tình ngỏ lời/ Chúng ta lấy nhau chứ em ơi/ Ấy là tàn lễ cưới em với người ta/ Anh bước đi như hồn ma/ Ngày hôm ấy như kéo dài ra/ Buồn thay!”.

Buồn thật vì những bài hát với ca từ bình dân ngô nghê ấy không chỉ hấp dẫn những người lao động bình dân mà thu hút cả sự say mê của các viên chức trẻ, sinh viên, học sinh. Thật khó giải thích hiện tượng âm nhạc này (đúng ra phải gọi là âm… nhạt) khi nghe nhiều thanh niên “mặt mày sáng sủa” vừa đi đường vừa nghêu ngao hátVợ người ta, Không phải dạng vừa đâu!… Chưa nói đến những tình khúc bất hủ của Văn Cao, Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu, Trịnh Công Sơn…, mà chỉ cần so với các bài tình ca gần đây của các nhạc sĩ Đức Trí, Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh, Vũ Quốc Việt… thì có thể nói thị hiếu âm nhạc của một bộ phận lớn giới trẻ hôm nay đã xuống cấp trầm trọng. Thật đáng buồn bởi thị hiếu âm nhạc xuống cấp theo sự xuống cấp đạo đức và sự thờ ơ, vô cảm với đất nước, dân tộc. Đã có nhiều hội thảo, tranh luận về những chủ đề nêu trên của nhiều bậc thức giả nhưng vẫn chưa thấy có giải pháp khả thi nào vực dậy lòng tự hào dân tộc, đánh thức lòng kiêu hãnh ngàn năm văn hiến cho một bộ phận đông đảo người Việt trẻ hôm nay. Đáng buồn và đáng trách. Nhưng trách ai?


TOP