Nam Trực, một vùng đất giàu truyền thống, giàu tiềm năng và đầy triển vọng

Nam Trực, một vùng đất giàu truyền thống, giàu tiềm năng và đầy triển vọng

Nam Trực nằm ở phía nam thành phố Nam Định, là một đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa của tỉnh và vùng nam đồng bằng sông Hồng. Đây là vùng đất có truyền thống lâu đời, là huyện Tây Chân thuộc lộ Hải Thanh thời Bắc thuộc, phủ Thiên Trường thời nhà Trần, phủ Phụng Hóa thời nhà Lê, được đổi tên là Nam Chân thời Lê Trung Hưng và đổi tên thành huyện Nam Trực từ năm 1895. Đã 2 lần sát nhập với huyện Trực Ninh và được tái lập lại từ năm 1997.

Huyện có diện tích tự nhiên là 16.200 ha, trong đó có 8.500 ha đất trồng lúa, hơn 3.000 ha đất màu, bãi được bồi đắp bởi phù sa của 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Đào tạo nên một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, phong phú. Do ưu thế về vị trí địa lý, nên công nghiệp và thương mại cũng sớm phát triển, hình thành các làng nghề như làng hoa Vị Khê (Điền Xá), làng dệt Báo Đáp (Hồng Quang), Liên Tỉnh (Nam Hồng), làng rèn Vân Chàng (Nam Giang), làng đúc đồng Đồng Quỹ (Nam Tiến),….
Đầu thế kỷ XX, dân số của Nam Trực chỉ có 1,5 vạn người, đến nay đã là hơn 20 vạn người. Người Nam Trực có truyền thống hiếu học và học giỏi, tạo nên bản sắc văn hóa có giá trị học vấn cao. Thời Nho học có 24/147 vị đỗ tiến sĩ được ghi danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, trong đó có 3 vị đỗ trạng nguyên. Trạng Nguyên Nguyễn Hiền ở làng Dương A, xã Nam Thắng đỗ Trạng Nguyên khi mới 13 tuổi – người đỗ Trạng Nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, là tư chất thiên bẩm mà trời đất đã ban tặng cho mảnh đất này. Trạng Nguyên Vũ Tuấn Chiêu đỗ Trạng Nguyên khi đã 55 tuổi, là tấm gương hiếu học và học tập suốt đời. Trong nền giáo dục cách mạng có hàng trăm người đỗ tiến sĩ, cùng đội ngũ trí thức cả nước góp sức quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nam Trực cũng là nơi giàu truyền thống quật cường đấu tranh với thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, chống áp bức cường quyền, nhiều người đã được nhân dân ghi nhớ, phụng thờ như tướng công Trần Lãm thời nhà Đinh được thờ ở đền Xám (xã Hồng Quang); Thái ủy Tô Trung Tự, thời nhà Lý được thờ ở đền làng Vị Khê (Điền Xá); tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, thời Cần Vương được thờ ở làng Rao Cù (xã Đồng Sơn),… Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có nhiều chiến sĩ cách mạng tiêu biểu như ba anh em đống chí Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện, Mai Chí Thọ ở xã Nam Vân; đồng chí Đặng Việt Châu (nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ) ở xã Nam Hồng, đồng chí Trần Xuân Bách (nguyên Thường trực Ban Bí thư) ở xã Nam Thanh, Trung tướng Nguyễn Vịnh ở xã Nam Lợi….

Trong thời kỳ đổi mới có các đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Ngô Xuân Lộc ở xã Nam Hồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh ở xã Nam Dương và rất nhiều các đồng chí lãnh đạo cao cấp ở các Bộ, ngành Trung ương, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Nhân dân và cán bộ huyện Nam Trực cùng 13 xã được Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” thời kỳ chống Pháp. Trong 2 cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước đã phong tặng 4 Anh hùng lực lượng vũ trang, 192 “Mẹ Việt Nam anh hùng”, 3.573 liệt sĩ, 1.435 thương binh, 1.465 bệnh binh đã hi sinh xương máu của mình vì độc lập, tự do của tổ quốc.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước cùng đi lên CNXH, huyện Nam Trực được chọn thí điểm thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp. Nhân dân toàn huyện đã vô cùng vất vả để qua đó rút ra những bài học quý cho việc xác định con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, nhân dân Nam Trực cần cù, sáng tạo đã vượt qua bao khó khăn thử thách để vươn lên, khẳng định vị thế của mình. Giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chất lượng giáo dục – đào tạo luôn luôn nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh. Làng hoa Vị Khê xưa, nay đã được nhân rộng ra nhiều xã, giá trị sản xuất hoa, cây cảnh đạt tới 200-300 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất rau màu cũng đạt tới khoảng 150 triệu đồng/ha. Nam Trực là huyện đi đầu trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đổi mới phương thức thâm canh.

Hơn 3 năm qua, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Nam Trực tìm cho mình một hướng đi, một cách đi riêng. Tự lực cánh sinh là chính, bình tĩnh và chắc chắn. Sự đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận trong dân đã tạo nên hơi ấm tình đời; người ở nhà phải lo toan, con em xa quê hương có trách nhiệm chung sức, chung lòng xây dựng quê hương; các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp bố trí một cách hợp lí, góp phần tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bố lại lao động hợp lý; phong cách lao động, lối sống công nghiệp đang ùa về. Diện mạo nông thôn đổi thay nhiều, đời sống nhân dân ngày càng khá giả. Nối tiếp truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng, khơi dậy mọi tiềm năng, Nam Trực đang mở ra tương lai tươi sáng đầy triển vọng.

Vũ Đức Hạnh – TUV – Bí thư Huyện ủy Nam Trực


TOP