Nuôi trồng thủy sản theo tiêu chí an toàn, bảo vệ môi trường

Nuôi trồng thủy sản theo tiêu chí an toàn, bảo vệ môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020. Trong kế hoạch tái cơ cấu 3 nhóm sản phẩm chiến lược, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái…

An toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất giống

Theo Bộ NNPTNT, trong thời gian qua, tình hình sản xuất giống thủy sản trên địa bàn cả nước đã có những tiến bộ rõ rệt, hầu hết các địa phương đã chú trọng vấn đề chất lượng con giống, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP).

Cụ thể, tại Nam Định đã có 115 cơ sở sản xuất giống mặn lợ, 22 cơ sở sản xuất giống nước ngọt. Để quản lý tốt chất lượng con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản, ngay từ đầu năm 2017, Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định đã phối hợp với Phòng NNPTNT các huyện tiến hành thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đối với nguồn giống nhập khẩu đều được đối chiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, đánh giá chất lượng giống. Đồng thời, tiến hành thu mẫu xét nghiệm đối chứng, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong vận chuyển lưu thông giống nhằm ngăn chặn, loại bỏ những lô giống kém chất lượng, nhiễm bệnh. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra dịch bệnh, vệ sinh thú y tại tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống thủy sản.

Tại Bình Thuận và Ninh Thuận, các cơ sở chú trọng đầu tư, tìm kiếm những công nghệ sản xuất con giống sạch bệnh, kháng bệnh, nuôi đạt tỉ lệ sống cao, không sử dụng kháng sinh mà chỉ dùng men vi sinh. Theo ông Phan Tuấn Cự – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận – nếu các DN tôm giống không tự nâng cao trình độ, tạo ra con giống tốt thì người nuôi sẽ quay lưng lại và tìm đến tôm giống nhập khẩu.

Đây là vấn đề sống còn của DN, vì vậy, các DN tôm giống ở Bình Thuận đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật. Ông Nguyễn Xuân Thọ – Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận – cũng cho biết: Xác định được chất lượng tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài cũng hết sức quan trọng, nên các cơ sở tôm giống đều nhập tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan.. là những nước có quy trình giám sát, gia hóa, lai tạo, chọn lọc gene di truyền, ứng dụng công nghệ chọn giống tôm bài bản để cho ra đời những đàn giống chất lượng.

Hướng tới công nghệ 4.0

Theo các chuyên gia thủy sản, trên thế giới, công nghệ 4.0 đã và đang được thúc đẩy áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành nuôi trồng thủy sản. Công nghệ 4.0 tại các nước có ngành nông nghiệp tiên tiến như Israel, Châu Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan…

không chỉ mang lại chất lượng tốt, năng suất cao, mà còn tạo ra nhiều giá trị vượt trội khác trong vấn đề quản lý, nhân sự, quản lý ATTP… Hiện nay, nhiều địa phương đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong, ngoài nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Bến Tre áp dụng phương thức đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; xây dựng và nhân rộng mô hình nông ngư kết hợp trên đất lúa kém hiệu quả, khuyến khích mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; áp dụng công nghệ cao và quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; nhân rộng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn đang phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng xây dựng các vùng nuôi thủy sản an toàn theo hướng liên kết, thí điểm và nhân rộng mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao… Ngành nông nghiệp tỉnh đã từng bước xây dựng và hướng nghề nuôi thủy sản phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tăng năng suất, chất lượng trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Bến Tre ổn định diện tích nuôi thủy sản từ 46.000 – 47.000ha…

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Phúc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ – nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo các yêu cầu chung, trong đó cần chú trọng: Nguồn nước cấp cho ao nuôi không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt; không sử dụng thức ăn bị nhiễm nấm, mốc; không sử dụng các hóa chất, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng bị cấm sử dụng.

Cho ăn theo 4 định: Định lượng, định thời gian, định địa điểm và định số lần cho ăn. Thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng và sức khỏe của đàn nuôi; thực hiện đúng quy trình phòng bệnh định kỳ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn..

Theo các kỹ sư thủy sản, để đảm bảo sản phẩm thủy sản được sạch, an toàn thì trong suốt quá trình nuôi người nuôi không được sử dụng các hóa chất, chế phẩm sinh học,… không có trong danh mục được Bộ NNPTNT cho phép sử dụng, không lạm dụng hóa chất, kháng sinh để chữa trị bệnh cho thủy sản, không xả nước và các chất thải từ ao, đầm nuôi khi chưa xử lý ra môi trường xung quanh.

Đặc biệt, thức ăn cho tôm phải được chọn lựa kỹ càng, người nuôi phải chọn loại sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, đảm bảo không bị hết hạn, mốc… Đến gần thời điểm thu hoạch, người nuôi tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để đảm bảo sản phẩm an toàn khi cung cấp ra thị trường.

Theo VŨ Long( báo lao động)


TOP