Đó là vụ án buôn lậu gỗ trắc ở Quảng Trị và Đà Nẵng đã 6 năm trôi qua mà tòa vẫn chưa tuyên án được. Ông Phan Văn Vĩnh, lúc đó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, đã đề xuất bán lô gỗ tang vật với giá “rẻ bèo”.
Người đề xuất cho bán lô gỗ – vật chứng của vụ án – là ông Phan Văn Vĩnh, lúc đó là trung tướng, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Hiện ông Vĩnh đang bị khởi tố, bắt tạm giam do có liên quan tới vụ “đánh bạc ngàn tỉ” qua mạng.Bán tang vật với giá bèo
Theo hồ sơ vụ án, ngày 17-12-2011, Công ty Ngọc Hưng (đóng tại Quảng Trị) nhập lô gỗ 614m3 từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, lô gỗ được xuất sang Trung Quốc, làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị).
Khi lô hàng vận chuyển vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để chuyển đi Trung Quốc thì bị Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) phát hiện có dấu hiệu vi phạm, nên giao cho Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý.
Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án, rồi chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an (C46).
Qua quá trình điều tra, C46 có công văn kết luận: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”. Hồ sơ vụ án được trả về Tổng cục Hải quan, từ đó lại vòng sang văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44).
Nhận được hồ sơ, C44 ra quyết định khởi tố các bị can Trương Huy Liệu (phó giám đốc) và vợ là Trần Thị Dung (giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng) về hành vi buôn lậu.
Bị cáo Đỗ Lý Nhi (nguyên cán bộ Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt), Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ thuộc Chi cục hải quan khu thương mại Lao Bảo) và Đỗ Danh Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng) bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong thời điểm này, theo đề xuất của tướng Vĩnh, C44 cho bán lô gỗ tang vật đang thu giữ.
Trải qua 6 năm, vụ án nhiều lần đưa ra xét xử nhưng TAND TP Đà Nẵng liên tục trả hồ sơ điều tra bổ sung. Các bị cáo cũng kêu oan, khiến Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có ý kiến đề nghị sớm xét xử để làm rõ.
Tại các phiên tòa, ông Trương Huy Liệu cho rằng cơ quan cảnh sát điều tra cho phép bán lô gỗ trước khi xét xử vụ án là điều bất bình thường.
“Lô gỗ của công ty chúng tôi thời điểm đó có giá trị trên thị trường khoảng 300 tỉ đồng nhưng lại được bán với giá rẻ bèo là 63,8 tỉ” – ông Liệu nói.
Theo ông Liệu, dựa vào kết luận định giá tài sản theo trưng cầu giám định của TP Đà Nẵng, tang vật bị đem bán với giá rẻ mạt.
Trong đó, kết luận nêu rõ: “Kết quả định giá tài sản trên đây chỉ có giá trị tại thời điểm định giá (23-5-2013) và nhằm phục vụ điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, không phục vụ cho mục đích khác”.
“Tại sao cơ quan cảnh sát điều tra cho phép bán lô gỗ cũng chỉ với giá này mà không hề tổ chức định giá lại?” – ông Liệu đặt câu hỏi.
Vi phạm nghiêm trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng trong quá trình điều tra vụ án vật chứng là quan trọng nhất.
Nhưng “lô hàng gỗ nhập khẩu của Công ty Ngọc Hưng” lại bị cơ quan điều tra đem bán đấu giá. Điều này trái quy định tại điều 75 của Bộ luật tố tụng hình sự.
“Cơ quan điều tra chỉ có quyền quyết định bán vật chứng khi chứng minh được hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản. Lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng không thuộc loại đó.
Việc bán đấu giá lô gỗ không những xóa đi dấu vết xác định nguồn gốc hàng nhập khẩu hợp pháp mà còn gián tiếp gây áp lực lên cơ quan xét xử khi giải quyết vật chứng vụ án hoặc xem xét vật chứng tại tòa” – luật sư Thành phân tích.
Liên quan đến vụ án, ông Hoàng Đức Thắng – trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, người có mặt ở các phiên xét xử với vai trò theo dõi quá trình xét xử và giám sát vụ án – cũng có văn bản gửi các cơ quan trung ương.
Theo ông Thắng, “C44 ban hành quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức bán đấu giá lô hàng tang vật đang trong giai đoạn điều tra vụ án là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.
Ông Thắng còn khẳng định: “Rõ ràng, bán đấu giá tài sản là lô gỗ có vấn đề vi phạm không chỉ về quy trình xử lý vật chứng, mà còn thiếu minh bạch, khuất tất. Giá trị bán lô hàng vật chứng là 63,8 tỉ đồng, trong khi giá thời điểm thực tế mà Công ty Ngọc Hưng cho rằng trên 300 tỉ đồng”.
Trong văn bản gửi đến các cơ quan trung ương, ông Hoàng Đức Thắng nêu rõ: “Các cơ quan điều tra, truy tố có những dấu hiệu cố tình làm sai lệch hồ sơ, làm trái quy định của pháp luật, thiếu minh bạch trong việc xử lý vật chứng vụ án (bán toàn bộ vật chứng vụ án đang trong quá trình điều tra)”.
Có hình sự hóa không?
Đây là vụ án hết sức đặc biệt, có quan điểm bất nhất giữa hải quan và công an. Công an nói có tội, còn hải quan lại nói các bị cáo không phạm tội, hàng hóa hợp pháp.
Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi có ý kiến gì về cáo trạng quy kết Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ nhập khẩu gỗ, ông Trương Quang Long – phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cảng Cửa Việt – trả lời: “Qua kiểm tra chi tiết hồ sơ của Công ty Ngọc Hưng, chúng tôi thấy không có hồ sơ giả mà là hồ sơ hợp pháp, hợp lệ”.
Ông Long phân tích: gỗ từ Lào được nhập khẩu như mọi mặt hàng bình thường khác, thời điểm đó có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và một số doanh nghiệp cũng nhập từ đối tác như của Công ty Ngọc Hưng. Riêng Công ty Ngọc Hưng nhập gỗ nhiều lần, đều tuân thủ pháp luật, nộp thuế đủ”.
Ông Hoàng Đức Thắng cho biết qua xem xét, nghiên cứu diễn biến vụ án có thể thấy: việc khởi tố, bắt tạm giam, truy tố đối với các bị cáo là không có căn cứ pháp luật; là hình sự hóa các quan hệ kinh doanh thương mại.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đề nghị Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đưa Công ty Ngọc Hưng vào danh mục những vụ án trọng điểm để điều tra, theo dõi và giám sát.
Chưa thể tuyên án
Thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh cho rằng một số vấn đề cần phải điều tra làm rõ. Trong cùng một ngày Công ty Ngọc Hưng xuất trình hồ sơ cùng nhập về nhiều lô gỗ cùng một loại gỗ, cùng thủ tục hải quan như nhau.
Tuy nhiên, một trong các lô này (lô hàng 614m3) lại bị cho rằng đó là hàng lậu. Còn các lô hàng gỗ kia lưu giữ ở hai kho, sau 2 năm điều tra, cơ quan chức năng trả lại cho Công ty Ngọc Hưng do xác định không có vi phạm. Đây là mâu thuẫn cần phải làm rõ.
Vấn đề thứ hai, quá trình xét hỏi tại phiên tòa phát sinh tình tiết mới là việc thu giữ lô hàng nhưng không lập biên bản thu giữ, không giao biên bản vi phạm cho Công ty Ngọc Hưng. Việc bán đấu giá lô hàng gỗ nhưng không thông báo cho Công ty Ngọc Hưng.
Đó là chưa kể các bị cáo Đỗ Lý Nhi (nguyên cán bộ Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt), Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ Chi cục hải quan khu thương mại Lao Bảo) và Đỗ Danh Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng) nói rằng mình hoàn toàn làm đúng quy định pháp luật, không hề phạm tội.
Theo Hữu Khá
(tuoitre.vn)
- Nhà thờ Giáo xứ Phong Lộc – Nam Phong – Nam Trực – Nam Định
- Đón Bình Minh Trên Biển Vắng Bên Nhà Thờ Trái Tim
- Thành phố Nam Định xây dựng xã, phường đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế
- Clip Rap Nam Định Trong Tim Tôi
- Hôm nay (26/2), khai hội đền Trần (Nam Định) Xuân Mậu Tuất 2018
- Hải Hậu: Đào tiên dáng long giá hơn 2 cây vàng chủ vẫn chưa gật đầu
- Ngắm những nhà thờ Nam Định trong mùa Giáng sinh
- Tiết kiệm điện ở Thành Nam: Chuyển biến từ ý thức đến hành động
- Bảo tàng đồng quê – Nơi lưu giữ hồn quê Bắc bộ
- Lễ hội đền Trần 2016 sẽ phát ấn vào lúc 5 giờ 30 phút
- Nam Định muốn được thí điểm xây dựng CPĐT
- Nam Định: Chủ hụi ôm vàng bỏ trốn, cụ bà “gần đất xa trời” trắng tay
- Đền Thánh Báo Đáp – Giáo Phận Bùi Chu
- Chi tiết cách làm món bánh nhãn Nam Định ngon
- Nam Định tan hoang sau cơn bão số 1
- Nam Định Nhộn nhịp thị trường Tết Trung thu
- Lạnh người lời khai của nghịch tử dùng chất kịch độc giết cha và hàng xóm
- Bắt khẩn cấp thanh niên ngáo đá sát hại cả cha mẹ
- Đền Gin Nam Trực Nam Định
- Giao Thủy: Khám phá “sân ga” của những đàn chim di cư
- Quỳ lạy xin tha, nam thanh niên quê Nam Định vẫn bị đâm đến chết
- Ấm lòng bát phở đêm giá 5 nghìn giữa thời bão giá ở thành phố dệt