Nam Định : Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Nam Định : Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Biên phòng – Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, UBND tỉnh Nam Định vừa triển khai Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030.

Theo đề án, Nam Định sẽ mở các lớp truyền dạy cung văn cũng như đầu tư tu bổ các di tích thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: Bích Nguyên

Việc thực hiện đề án nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong đời sống đương đại, đảm bảo sức sống của thực hành tín ngưỡng, phổ biến những giá trị nhân văn, những hành vi, nghĩa cử tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

Nâng cao nhận thức và lòng tự hào của cộng đồng người dân, ý thức trách nhiệm của các thế hệ, nhất là các chủ thể trực tiếp thực hành di sản như thanh đồng, cung văn trong việc gìn giữ, thực hành và trao truyền di sản.

Từng bước phát huy giá trị của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa của người dân khu vực Nam Định, trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa đặc trưng, tạo không gian văn hóa thích hợp để trao đổi, giao lưu văn hóa, văn nghệ nhằm tăng cường khả năng đối thoại giữa các cộng đồng, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể, năm 2021, thành lập Hội những người bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Nam Định, quy tụ các câu lạc bộ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã có và thành lập các chi hội/câu lạc bộ ở các địa bàn chưa có tại tất cả các địa bàn đã và đang thực hành thuộc 10 huyện, thành phố trên địa bàn Nam Định.

Từ năm 2021-2022, xây dựng hệ thống các văn bản quản lý thống nhất đối với di sản mang tính đặc thù là Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Nam Định. Tiến hành xây dựng Quy chế thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ áp dụng chung, thống nhất cho các địa bàn và thành lập các ban quản lý văn hóa các cấp; tổ chức tập huấn cho đại diện chủ thể của di sản về các văn bản pháp lý và giá trị của di sản.

Tổng kiểm kê và phân loại hệ thống di tích gắn với không gian thực hành di sản tại 10 huyện, thành phố; đồng thời kiểm kê nguồn lực thực hành di sản ở các địa phương (số lượng nghệ nhân cung văn, các thanh đồng và nguồn lực phụ trợ…), số lượng câu lạc bộ, bản hội cũng như hoạt động của công tác quản lý tại các di tích.

Trên cơ sở đó, đánh giá và đề xuất các dự án cụ thể để có kế hoạch đầu tư tu bổ, nâng cấp và bảo vệ, xây dựng kế hoạch mở lớp truyền dạy cung văn cũng như phát huy giá trị di sản văn hóa tại Nam Định nói chung và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng.

Đến năm 2023, hoàn thành việc nghiên cứu, sưu tầm bài bản, biên soạn tài liệu, sản xuất các ấn phẩm liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ nghiên cứu, quản lý văn hóa và trao truyền giá trị di sản.

Hoàn thành việc đầu tư xây dựng Trung tâm thông tin giới thiệu giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở một trong hai trung tâm thuộc Vụ Bản và Ý Yên.

Hoàn thiện chính sách đãi ngộ nghệ nhân cho 50% người có công bảo vệ, gìn giữ, truyền dạy di sản được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định đưa ra trong đề án. Phấn đấu đến năm 2030: 100% được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ.

Đến năm 2024: Tổ chức quảng bá 2 đợt di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại nước ngoài.

Giai đoạn từ năm 2024-2030, tiếp tục thực hiện 03 đợt trình diễn giao lưu và quảng bá di sản ở các nước ASEAN và các nước khác. 2 năm duy trì tổ chức Liên hoan Hát văn cấp tỉnh hoặc địa phương có khả năng đăng cai.

Phạm vi của đề án là toàn bộ không gian tồn tại, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư và các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong đó tập trung vào hai Trung tâm là Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy (huyện Vụ Bản) và Phủ Quảng Cung (huyện Ý Yên).

Theo UBND tỉnh Nam Định, Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030” đáp ứng được nhu cầu lồng ghép đề án trong quy hoạch phát triển chung của tỉnh Nam Định về du lịch, phát triển văn hóa và di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, góp phần thực thi nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản do Thủ tướng Chính phủ cam kết với UNESCO khi trình Hồ sơ xét duyệt ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bích Nguyên

Tags:

TOP