Bí mật động trời dưới các trụ điện 220kv: Người dân sẵn sàng cầm cố tài sản để kiểm chứng

Bí mật động trời dưới các trụ điện 220kv: Người dân sẵn sàng cầm cố tài sản để kiểm chứng

Trước thông tin đơn vị thi công cho rằng video quay cảnh bê tông lẫn đất khi làm móng cột điện có thể bị dàn dựng, người đàn ông đứng ra tố cáo sự việc nói trên đã khẳng định với chúng tôi: “Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về phản ánh của mình. Trong trường hợp được phép, tôi sẵn sàng cầm cố tài sản trong gia đình để thuê người về kiểm nghiệm móng công trình cho rõ trắng đen”.

Anh Vũ Đức Thuận chỉ vị trí công nhân đổ bê tông lẫn đất khi làm móng cột điện. Ảnh: Cao Tuân

Anh Vũ Đức Thuận chỉ vị trí công nhân đổ bê tông lẫn đất khi làm móng cột điện. Ảnh: Cao Tuân


Đổ bê tông khi đã có lệnh cấm

Liên tiếp hai ngày (25 và 26/5) sau khi Báo GĐ&XH đăng tải bài viết: “Người dân tố cáo bí mật động trời bên dưới các trụ điện 220kV ở Nam Định”, nhóm phóng viên đã có mặt tại xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định để tiếp tục ghi nhận diễn biến sự việc.

Chiều 25/5, ghi nhận của chúng tôi tại công trường thi công hai móng cột trên địa bàn xã Đại An (thuộc công trình trọng điểm đường dây 220kV đoạn Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định) đã không còn bóng dáng công nhân làm việc. Dưới cái nắng đầu hè, những chiếc máy xúc nằm chỏng chơ trên miệng hố… Cách đó chừng 300m, chúng tôi gặp đoàn công tác của Công ty Cổ phần Sông Đà. Trong số đó có ông Lê Văn Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà 11) và ông Đỗ Quang Cường, Giám đốc Công ty Sông Đà 11.7 – đơn vị trực tiếp thi công…

Khi gặp phóng viên, ông Cường đã bộc bạch rằng, ngay trong buổi sáng khi báo chí đăng tải, ông đã có mặt tại công trường. Ông cũng yêu cầu dừng thi công và tạm đình chỉ công tác với Chỉ huy công trình cùng toàn bộ công nhân, đồng thời cho rà soát toàn bộ hồ sơ, số liệu các hạng mục kể trên. “Nếu đúng có sự việc như vậy, chúng tôi sẵn sàng khắc phục hậu quả, đào móng cột lên để thi công lại” – ông Cường khẳng định. Cũng tại cuộc trao đổi, phía lãnh Công ty Cổ phần Sông Đà cho rằng có khả năng video bị dàn dựng vì lý do mâu thuẫn cá nhân.

Khoảng 16h chiều 26/5, cũng tại khu vực nói trên, phóng viên gặp ông Nguyễn Văn Đương – Chỉ huy trưởng công trình xây lắp đường dây 220kV. Ông Đương cho chúng tôi biết, thời điểm làm cột móng thứ 2, nhóm công nhân đã tự ý đổ bê tông. Theo lời ông Đương, trước đó ban chỉ huy công trình đã ra lệnh cấm đổ bê tông do phát hiện dàn sắt nền bị cong.

Nói về đoạn video mà anh Thuận cho rằng đã ghi nhận thời điểm nhóm công nhân đổ bê tông lẫn đất khi làm móng cột, ông Đương cho biết: “Có thể lúc anh Thuận quay đã có công nhân dùng xe rùa nạo vét số bê tông còn sót lại có cả đất, chứ chúng tôi không làm dối trá như vậy”.

Khi PV đặt câu hỏi về thời điểm đổ bê tông cột móng thứ nhất và thứ hai trên địa bàn xã Đại An, ông Đương cho biết ông không có mặt vì đang đi công tác. Khi PV hỏi về công tác giám sát công trình thì ông Đương đề nghị anh Vũ Văn Thụy, người đàn ông đi cùng trả lời.

“Thú thật là công trình kéo dài gần 30km nên tôi chỉ ghé qua mỗi vị trí một chút để nắm tình hình”, anh Thụy cho hay. Vị cán bộ có nhiệm vụ giám sát này cũng cho biết, thời điểm đổ bê tông cột móng, cả anh và những cán bộ có trách nhiệm đang vắng mặt.

Nhiều người đến hỏi quay clip có phải do mâu thuẫn?

Hình ảnh bê tông lẫn đất khi đổ móng cột điện cao thế tại xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định (ảnh cắt từ clip)


Trở lại câu chuyện với PV Báo GĐ&XH, anh Vũ Đức Thuận (SN 1970, thôn An Hưng, xã Đại An) – người đứng ra tố cáo sự việc trên đã bày tỏ niềm vui khi thông tin trên được dư luận và cơ quan chức năng quan tâm.

“Sau khi báo chí đăng tải bài viết, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Sau nhiều tháng giữ bí mật cuối cùng sự việc cũng được đưa ra ánh sáng. Tôi không hề cảm thấy sợ hãi hay áp lực. Kể từ sáng 25/5 khi báo đăng, tôi đã tiếp khá nhiều đoàn người, trong đó có cả những cán bộ thuộc Công an tỉnh Nam Định. Tôi cũng không ngại ngần cung cấp video cảnh đổ bê tông lẫn đất khi làm móng cột điện cho họ kiểm tra”, người đàn ông này bộc bạch.

Khi PV hỏi về việc lãnh đạo đơn vị thi công trả lời với báo chí đây có thể là video được dàn dựng, anh Thuận bức xúc: “Tôi thấy sự việc nhóm thợ dùng bê tông cùng rất nhiều đất để làm móng cột điện nên thấy day dứt lương tâm. Chính vì vậy, tôi đã xin nghỉ và ghi lại video để tố cáo chứ một nông dân như tôi biết gì mà dàn dựng. Tôi sẵn sàng đối chất với cơ quan chức năng về việc này”.

Anh Vũ Ngọc Hồi – người ban đầu được đơn vị thi công thuê làm công đoạn trộn bê tông cũng cho biết: “Hai ngày hôm nay, có rất nhiều người giới thiệu là cán bộ của Công ty Sông Đà, Công ty Điện lực đến làm việc. Họ đều hỏi rằng có phải do mâu thuẫn nên chúng tôi dùng clip để vu khống hay không, chẳng thấy ai hỏi đến chất lượng công trình thế nào?”.

“Nếu sai chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Hồi tháng 4/2016, một số cột điện của đường dây 500 kV ở Bắc Giang bị quật đổ sau trận mưa giông vẫn chưa rõ nguyên nhân, giờ những cột điện này bị làm dối trá sẽ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho người dân. Trong trường hợp được phép, tôi sẵn sàng cầm cố tài sản trong gia đình để thuê người về kiểm nghiệm móng công trình. Tôi sẽ chỉ rõ vị trí từng chỗ bê tông trộn lẫn đất để làm móng”, anh Hồi nhấn mạnh.

Ủng hộ việc làm của chồng

Chia sẻ với PV, chị Phạm Thị Hoa (SN 1971, vợ anh Vũ Đức Thuận) cho biết: “Gần đây, chồng tôi được chú Hồi cho đi đứng máy trộn bê tông nên thu nhập cũng được cải thiện. Đang làm công trình đổ bê tông móng cột điện ở cánh đồng Vồ, tự dưng anh ấy về nhà bảo không làm nữa vì thấy họ bớt quá nhiều xi măng, thay bằng đất”.

“Cứ dằn vặt mãi, thế nên những đêm sau đó anh ấy đã lọ mọ ra khu vực đổ bê tông để quay video. Anh ấy bảo, mình phải có chứng cứ để tố cáo không nhỡ sau này cột điện đổ thì cả vùng khổ. Thấy anh ấy quên ăn, quên ngủ tôi rất thương. Ban đầu tôi còn lo sợ nhỡ tố cáo xong anh ấy và các con đi làm bị người ta thù hằn, thế nhưng về sau tôi càng tin tưởng và ủng hộ chồng”, chị Hoa nói.

Chị Vũ Thị Quỳnh (SN 1981, vợ anh Vũ Ngọc Hồi) cũng chia sẻ: “Qua hôm nay thấy họ hàng, làng xóm đến hỏi thăm động viên chồng tôi và anh Thuận, mình cũng vui. Ngay từ đầu, tôi đã rất đồng tình với việc làm của chồng. Kể cả phải thế chấp hay bán nhà để tìm ra sự thật thì vợ chồng tôi cũng chấp nhận”.

Trước đó, theo tố cáo của các anh Vũ Văn Thuận và Vũ Ngọc Hồi, khoảng cuối tháng 3/2016, hai anh được ông Nguyễn Văn Toán, Đội trưởng Đội thi công của Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 11 đang thi công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình – Nam Định, thuê máy trộn cùng nhân công để đổ bê-tông cho 2 móng cột với khối lượng khoảng trên 600m3 . Đến ngày 19/4, khi được gọi đến trộn bê tông đổ vào khoang móng, hai anh mới phát hiện nhóm công nhân đã dùng bê tông lẫn rất nhiều đất đổ xuống. Để ngăn chặn sự việc, hai anh đã phản ánh đến báo chí để mong sự việc được sáng tỏ.

Từ chối nhận 100 triệu tiền biếu
Theo chia sẻ của anh Vũ Ngọc Hồi, liên tục những ngày qua có rất nhiều người tìm đến đặt vấn đề với anh liên quan đến những video nói trên. “Lần 1 họ đề nghị biếu tôi 30 triệu đồng rồi tăng lên 100 triệu đồng với điều kiện chúng tôi trả lời rằng những video này không phải quay tại trụ móng của cột cao thế đang thi công. Tất cả tôi và anh Thuận đều từ chối, mọi việc có cả gia đình tôi chứng kiến” anh Hồi cho hay.

Trên công trường có xích mích giữa các đội thuê
Liên quan đến sự việc này, chiều 26/5, ông Thanh – đại diện bên thi công đã đến Báo GĐ&XH thông tin lại sự việc Báo phản ánh: “Sau khi 2 bài báo đăng trên Báo GĐ&XH phản ánh về tình hình thi công công trình móng cột điện 220kV ở Nam Định, chúng tôi muốn đến Tòa soạn để làm rõ thông tin. Chúng tôi quản lý rất chặt, nhưng do xích mích, giữa các đội thuê trên công trường có va vấp. Qua bài báo đăng thì chủ đầu tư (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) và lãnh đạo Công ty đã xuống công trường để kiểm tra. Hiện đã đình chỉ công trình xây dựng, đình chỉ đội trưởng thi công và giám sát công trình”, ông Thanh cho biết. Trả lời câu hỏi của PV, đơn vị thi công có khoan lấy lõi để kiểm tra chất lượng công trình không và có thể cho PV cùng kiểm chứng, ông Thanh khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng công trình nhưng thời gian phải phụ thuộc vào chủ đầu tư và việc cho PV kiểm chứng cũng phải xin chủ ý của chủ đầu tư.

Cao Tuân/Báo Gia đình & Xã hội


TOP