Chợ Viềng Nam Trực - nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống

Chợ Viềng Nam Trực – nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống

Chợ Viềng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, năm họp chỉ có một phiên, đến hẹn lại lên cứ vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch người dân địa phương và du khách khắp nơi lại nô nức về Chợ Viềng.

Chợ Viềng là phiên chợ cầu may, mua bán ở đây không mặc cả, là một hiện tượng khá lạ, giàu ý nghĩa văn hóa.Ai đó đến với Chợ Viềng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực đều có một ý niệm mua lấy may, bán lấy may, ăn lấy may, chơi cũng lấy may và như vậy người bán được hàng và khách chơi chợ ai cũng muốn mua được thứ gì đó.

Bởi lẽ đó, người bán không nói thách, người mua không mặc cả, nếu “băn khoăn” về giá cả sẽ mất đi sự “linh thiêng”.

Thực hiện được ý niệm này, người bán, người mua cả năm sẽ được “tấn tài, tấn lộc”. Bên cạnh ý nghĩa của phiên Chợ, chợ Viềng còn mang sắc thái “hội xuân” bởi đến với Chợ Viềng thị trấn Nam Giang huyện Nam Trực du khách được tham dự vào các trò chơi dân gian,

các môn nghệ thuật truyền thống như: Chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, múa rối cạn, rối nước, xin chữ, tò he,…Những sắc thái văn hóa đầy giá trị nhân văn về đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp.

Nông cụ, đồ dùng gia đình bằng kim loại của làng rèn Vân Chàng được bầy bán tại Chợ Viềng

Trong Tân Biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh viết năm 1915 có một số đoạn viết về Chợ Viềng được tác giả ghi lại.

“Chợ Viềng một dải bờ sông

Bán mua chắc hẳn tay không trở về’’

Hàng hóa ở Chợ Viềng thật phong phú và đa dạng. Có thể nói Chợ Viềng thị trấn Nam Giang huyện Nam Trực là cuộc triển lãm kinh tế xã hội của các địa phương trong và ngoài tỉnh Nam Định

với sự hội tụ của hầu như tất cả những sản phẩm làng nghề có hàng trăm năm tuổi như: Làng hoa cây cảnh Vị Khê với hàng trăm các loài hoa qúy, quất nguyên thủy, cây cảnh, cây thế được Thái úy Tô Trung Tự truyền nghề từ thời nhà Lý;

Các sản phẩm đồ đồng đến từ làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ, sản phẩm đồ sắt của làng nghề Vân Chàng – một làng nghề truyền thống được Lục vị Tổ Sư truyền dạy từ thời vua Trần Nhân Tông và cùng với sự góp mặt của nhiều gian hàng thủ công Mỹ Nghệ của hầu hết các làng nghề nổi tiếng đến từ các tỉnh trong nước.

Đến với Chợ Viềng Nam Trực du khách thập phương ai ai cũng ngỡ ngàng trước khoảng không gian rộng lớn nơi diễn ra cảnh mua bán đồ cổ, giả cổ với hàng ngàn mặt hàng từ đồ đồng, đồ đá, sứ, đồ gỗ… Không thiếu một thứ gì từ đồ thờ tự, đồ trang trí, đồ chơi, đồ dùng, đông tây, kim, cổ đủ loại…

Có thể nói, ai đến với những gian hàng này cũng đều không muốn rời khỏi và ai muốn mua gì, dù quý hiếm đến đâu thì ở những không gian hàng đồ cổ Chợ Viềng Nam Trực đều có và chắc hẳn du khách không thể “tay không trở về”.

Hoa cây cảnh của làng hoa Vị Khê được bày bán tại Chợ Viềng

Với ý nghĩa của phiên chợ bán – mua lấy may, chơi lấy may thì ở Chợ Viềng Nam Trực còn có đặc trưng riêng đó là ẩm thực “ăn lấy may”. Thịt bò thui và phở bò gia truyền của người dân nơi đây vốn đã nổi tiếng cùng với khoai lang lim chợ Chùa, lạc vỏ lụa, kẹo lạc Thượng Nông và đặc biệt là phở bò Rao Cù.

Với đặc trưng của thời tiết miền Bắc, trong ngày tháng giêng mưa xuân lất phất bay, trong tiết trời se se lạnh có lẽ không gì thú vị hơn khi mỗi du khách được thưởng thức món thịt bò thui tái nhúng nhâm nhi chén rượu nồng cay với bát phở bò “Chính gốc Rao Cù Nam Định” trên chính mảnh đất sản sinh ra món ẩm thực đặc trưng, riêng có của người Rao Cù Nam Định nói riêng, Việt Nam nói chung

Và sau đó họ cần được thưởng thức bát nước chè xanh nóng bỏng của làng Thanh Khê xã Nam Cường nhâm nhi với kẹo lạc Thượng Nông ai cũng thấy lòng ấm hơn khi ngẫm về những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đầy ý nghĩa từ bao đời vẫn còn dược duy trì trên quê hương Nam Trực, để rồi khi ra về trên tay mỗi người từ các cụ già đến con trẻ đều mua cho mình năm ba thứ gì đó từ những món hàng đắt tiền như đồ cổ, cây thế hay đồ gia dụng, đến những dụng cụ nông nghiệp, cây giống…

Và họ không quên mua một vài cân thịt bò thui, mấy cân kẹo lạc Thượng Nông để làm món quà đầu xuân may mắn cho bạn bè và người thân.

Sản phẩm thịt bò – một đặc sản của huyện Nam Trực được bày bán tại Chợ Viềng

Đồ gốm sứ được bày bán tại Chợ Viềng

Hàng mây tre (Rổ, Rá) được bày bán tại Chợ Viềng

Chợ Viềng Nam Trực với không gian mở vì vậy khách không chỉ phải đi chợ mua – bán cầu may, mà đến chợ còn có dịp vào chùa lễ Phật (Chùa Đại Bi ) vào đền lễ thánh (Đền Giáp Ba, Đền Giáp tư,…) hay nghiên cứu làng xã với cơ cấu làng xã hội: Giáp nhất, Giáp nhì, Giáp ba, Giáp tư.

Khi nhắc tới chùa Đại Bi, Khiếu Năng Tĩnh nhắc câu ca dao :

“Giàu nghèo cũng cứ chơi xuân

Thắp hương cầu phúc bước chân vui vầy

Thứ nhất thì hội Phủ Giầy

Vui thì vui vậy không tày Chùa Bi”

Chợ Viềng gắn liền với Chùa Bi, một cổ tự lớn trong vùng, chợ gắn với Chùa. Căn cứ vào văn bia còn lại, Chùa Bi được xây dựng thời Lý Nhân Tông (1072-1127). Chùa Bi ngoài việc thờ phật, còn thờ Thiền Sư Từ Đào Hạnh, Đức Bồ Đề Đạt Ma.

Tổng thể chùa Đại Bi có kiến trúc, phong cách thờ tự theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, còn gọi là dạng chùa trăm gian. Chùa quay hướng Nam, hướng của Bát Nhã, trí tuệ trên một thế đất đẹp, bằng phẳng nằm giữa thôn Giáp Ba.

Theo phong thuỷ, đó là thế đất đẹp hình đầu rồng, hai bên có hai giếng nhỏ nhân dân hay gọi là mắt rồng.

Cụm kiến trúc đầu tiên là Tam quan, nghi môn trong đó Tam quan không được xây ở chính trục thần đạo mà chếch về phía đông.

Sau Tam quan là cụm kiến trúc chùa chính gồm: Tiền đường Tam bảo ngoại Thờ Tam thánh, Tượng cửu long, Thất phật.

Tam bảo nội ở giữa, bên phải là cung Thánh (cung cấm), bên trái là Tượng quan âm nghìn mắt nghìn tay, tượng quan âm toạ sơn. Tam bảo gồm tượng Tam thế.

Cung thánh là một công trình kiến trúc bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo hình chiếc kiệu mang đậm phong cách Hậu Lê, trong có khám thờ sơn son thiếp vàng. Trong cùng thờ bà Tăng Thị Loan (mẹ Thiền sư).

Phía sau chùa thờ Phật là gác chuông hai tầng tám mái mang ý nghĩa dịch học, biểu hiện tư tưởng vũ trụ luận của người phương Đông với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, cùng với Tam quan, chùa Phật là các công trình kiến trúc tiêu biểu.

Cuối cùng là nhà Tổ. Bọc kín cụm chùa là hệ thống hành lang giải vũ mỗi dãy 20 gian kiểu tường hồi bít đốc cùng với phủ Mẫu tạo cho chùa có kiến trúc tiêu biểu của chùa thờ Thánh Từ Đạo Hạnh.

Chùa Đại Bi còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật, cổ thư rất có giá trị, tiêu biểu nhất là 10 tấm bia, văn bia cổ nhất khắc năm Kỉ Mùi (1679) đời Lê Hy Tông, 10 đạo sắc phong.

Quả chuông lớn cao 2m đúc năm Minh Mạng thứ 18 (1838) chùa được nhà nước xếp di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1964.

Nằm sát bên chùa Đại Bi về phía đông là di tích lịch sử đền Giáp Ba, đền thờ Triệu Quang Phục. Ông sinh ra vào mùa xuân năm Mậu Thìn, cha ông là Triệu Túc, mẹ là Hán Thị Siêu ở xã Phật Nội, huyên Chu Diên, Phủ Tam Đới.

Năm 17 tuổi, cha mẹ qua đời, ông theo Lý Bôn đánh tan quân xâm lược nhà Lương giành độc lập cho đất nước.

Năm 544, Lý Bôn lên ngôi vua xưng là Lý Nam Đế định đô ở Long Biên. Không bao lâu sau, nhà Lương lại đem quân xâm lược nước ta. Lý Nam Đế thất trận chạy về động Khuất Liêu, binh quyền trao cho Triệu Quang Phục.

Sau khi đánh tan quân giặc năm 548, Triệu Quang Phục lên ngôi vua xưng là Triệu Việt Vương, đóng đô ở Long Biên. Đến năm 570, ông bị Lý Phật Tử đem quân đánh úp, ông bị thua phải rút chạy rồi trầm mình xuống cửa biển Đại Nha vào ngày 14 tháng 8

Tương truyền khi rút chạy, Triệu Việt Vương đã dừng chân ở thôn Cầm Lang (nay là thôn Ba). Hiện nay ở thôn Ba vẫn còn dấu tích của vua Triệu dừng chân như khu đất An Mã Chiến là nơi quan quân cho ngựa ăn cỏ và uống nước, doanh trại quân lính xưa nay là khu cồn cửa…

Sau khi Triệu Việt Vương mất để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân Cẩm Nang xưa (nay là thôn Ba, thị trấn Nam Giang) lập đền thờ ông ngay trên khu đất mà ông đã dừng chân.

Đền Giáp Ba là một công trình kiến trúc lịch sử bề thế, được bảo tồn hầu như nguyên vẹn những kiến trúc cổ truyền dân tộc, ngôi đền quay về hướng nam, gồm bốn tòa chính và 2 giải vũ theo kiểu nội chữ Đinh, ngoại chữ Quốc.

Đền làm trên một mảnh đất cao ráo, rộng rãi, với hệ thống tiền đình, hồ nước vuông vắn phía trước tạo lên sự hài hòa, cân đối. Đền Giáp Ba đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia năm 1994.

Từ đền Giáp Ba đi ngược về phía bắc khoảng 300m du khách sẽ đến tới làng rèn Vân Chàng một làng nghề truyền thống có hàng trăm năm nay, mà trung tâm là đình Vân Chàng thờ Lục vị Thánh Sư.

Tương truyền đời vua Nhân Tông, nghề rèn được du nhập vào Vân Chàng, khi đó làng mới có 15 cụ tổ thuộc 15 dòng họ (Đoàn, Trần, Vũ, Đỗ, Nguyễn…) do 6 ông thầy nơi khách về truyền dạy.

Nằm ở phía tây nam chùa Đại Bi là đền Giáp Tư thờ Ngọc Hoa Công Chúa, đền được xép hạng di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh năm 1997.

Theo truyền thuyết địa phương, Đền Giáp tư hiện nay thờ Ngọc Hoa Công chúa là do cuối thời Lý đầu thời Trấn có một số người của 8 dòng họ làm nghề buôn bán di cư từ kinh thành Thăng Long về đây lánh nạn rồi lập thành làng, xóm.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ 2 (1285), nhân dân địa phương đã trở lương thực phục vụ quân đội đánh giặc. Một lần khi thuyền chở lương qua cửa đền Đại Yên thì bị mắc cạn.

Mọi người trong thuyền đang thắp hương cầu khấn xin thần phù hộ thấy một con cá chép bỗng nổi lên trước mũi thuyền, sau đó thuyền đi thông suốt an toàn.

Sau nhiều chuyến vận tải lương thực thành công góp phần vào chiến thắng giặc ngoại xâm, nhân dân địa phương đã đến đền Đại Yên làm lễ xin được rước thần hiệu về quê hương phụng thờ.

Khi thần hiệu vừa rước xuống thuyền, bỗng nhiên có một con chim hạc bay đến đậu trên ngọn cột buồm cho đến khi thuyền về đến làng mới bay đi.

Dân làng phụng nghinh thần hiệu, lập đền thờ tôn làm Đương cảnh phúc thần. Cũng từ đó mọi người làm ăn phát đạt, cuộc sống ngày một ấm no sung túc.

Để muôn đời ghi nhớ công lao của Ngọc Hoa Công Chúa đối với quê hương, tại toà trung đuờng đền giáp tư hiện còn đôi câu đối với nội dung sau:

“Vạn cổ Đại An lưu thánh tích,

Thiên thu Tứ Giáp lại thần hưu”

Nghĩa là:

Muôn thuở Đại An nêu dấu thánh,

Ngàn thu Tứ Giáp đội ơn thần.

Như vậy chỉ trong vòng bán kính 300m nơi đây đã hội tụ những nét đặc trưng cấu trúc xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, làng nghề truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hoá của nền văn minh lúa nước.

Song lại mang những nét văn hoá đặc trưng riêng có của vùng đất địa linh nhân kiệt, mà trung tâm là di tích lịch sử văn hoá chùa Đại Bi cũng là nơi diễn ra lễ hội Chợ Viềng để rồi lan toả cả một vùng rộng lớn, để rồi “sự kỳ lạ” chợ chỉ họp một phiên vào ngày 8 tháng giêng cứ mãi thấm sâu vào trong tiềm thức của nhân dân để rồi:

“Chợ Viềng năm họp một phiên

Để cho trai gái tốn tiền trầu cau”

Mãi mãi sống trong nhân gian và trường tồn với thời gian.

Trần Duy Huyền – PGĐ TT Văn hoá Thể thao huyện Nam Trực


TOP