Chưa có động thái tố tụng nào với tướng Phan Văn Vĩnh

Chưa có động thái tố tụng nào với tướng Phan Văn Vĩnh

Công an tỉnh Phú Thọ vẫn đang tiếp tục làm việc với Trung tướng Phan Văn Vĩnh và không có bất kỳ động thái tố tụng nào như tin đồn.


Chiều 19-3, nguồn tin của PV cho biết cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ vẫn đang tiếp tục làm việc với Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an. Ảnh: CAND

Động thái này nhằm phục vụ quá trình điều tra liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến trị giá hơn 9.500 tỉ mà cơ quan này đang thụ lý.

“Việc mời lên làm việc là điều bình thường trong quá trình điều tra, vụ án liên quan đến ai thì mời người đó. Ông Vĩnh được mời với trách nhiệm của người quản lý trước đây. Không có chuyện thực hiện các biện pháp tố tụng nào khác như tin đồn” – nguồn tin cho hay.

Nguồn tin này cũng tiết lộ quá trình làm việc giữa cơ quan tố tụng với Trung tướng Phan Văn Vĩnh diễn ra tại Phú Thọ. Nghĩa là cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đang có mặt tại Phú Thọ để phục vụ công tác điều tra.

Như vậy, kể từ ngày 14-3 đến nay, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã có một thời gian khá dài làm việc với cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ, liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ đang bị điều tra.

Trước đó, như đã đưa tin, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố tổng cộng 83 bị can, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục C50, Bộ Công an.

Kết quả điều tra ban đầu, công an xác định có 42.956.715 tài khoản người chơi thực trên hệ thống Rikvip/Tip.club (nếu trung bình một con bạc có ba tài khoản thì tổng số tương đương trên 14 triệu con bạc).

Tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.583 tỉ đồng (342 tỉ đồng/tháng), trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỉ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỉ đồng, chiếm 1,75%. Tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, bước đầu xác định khoảng hơn 5.631 tỉ đồng.

Trong số này, các doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng khoảng 258,4 tỉ đồng (riêng GTS hưởng khoảng 217,8 tỉ đồng); nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỉ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỉ đồng; 2.645 tỉ đồng trả thường cho con bạc.

Sau khi chiếm hưởng, các đối tượng tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài (Phan Sào Nam gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore)…

Hiện cơ quan điều tra đang xác minh về số tiền từng bên được hưởng để thu hồi theo quy định của pháp luật. Đến nay, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa, niêm phong tổng tài sản trị giá 1.238,8 tỉ đồng (gồm 1.046,2 tỉ đồng tiền mặt, 20 căn hộ trị giá 192,6 tỉ đồng) và 12 xe ô tô (chưa định giá).

Trung tướng Phan Văn Vĩnh sinh ngày 19-5-1955, quê Nam Định. Ông từng là giám đốc Công an tỉnh Nam Định.

Năm 2011, ông Vĩnh được Bộ Công an bổ nhiệm chức vụ tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Ông Vĩnh từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII, thuộc Đoàn đại biểu Nam Định; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Vĩnh nổi tiếng trong chỉ đạo triệt phá tội phạm. Trong quá trình hoạt động trong ngành, vụ án ghi đậm dấu ấn, vai trò của ông Vĩnh nhất chính là điều tra vụ thảm sát tại Bắc Giang do Lê Văn Luyện thực hiện. Trung tướng Vĩnh chính là trưởng ban chỉ đạo chuyên án đặc biệt nghiêm trọng này.

Một vụ án khác cũng ghi đậm dấu ấn của ông là chuyên án bắt giữ “bầu” Kiên. Trong vụ này, ông là trưởng ban chỉ đạo chuyên án.

Mới đây nhất, vụ thảm sát tại Bình Phước cũng ghi dấu sự lãnh đạo trong công tác phá án của ông Vĩnh.

Tháng 4-2017, ông thôi giữ chức tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để nghỉ chế độ.

TUYẾN PHAN
(plo.vn)


TOP