Chùa Lương còn gọi là chùa trăm gian tên chữ là Phúc Lâm Tự tọa lạc ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515) cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16. 500 năm trôi qua, di tích chùa Lương – cầu Ngói thuộc xã Hải Anh (Hải Hậu – Nam Định) mang trong mình một giá trị vô giá về nghệ thuật kiến trúc. Ngoài ra, nơi đây còn được biết tới là cái nôi của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến của quân và dân Hải Hậu.
Chùa Lương, tên tự là chùa Phúc Lâm (còn gọi là Chùa Trăm gian): Chùa được xây dựng sớm nhất Quần Anh, vào khoảng cuối thế kỷ XV (1485- 1500). Chùa làm ở ngay bắc chợ Lương nên người ta cũng gọi là chùa Lương. Khi mới làm, chùa được lợp cỏ, sau lợp ngói .
Chùa Lương lúc đầu có quy mô nhỏ, sau nhiều lần trùng tu chùa cũng lớn dần. Hàng chữ ghi trên thượng lương “Dương hoà nguyên niên” (1634), theo bia khắc năm Chính Hoà thứ ba (1682), và năm thứ năm (1684) cho biết có việc tu sửa chùa, dựng thêm hai dãy hành lang Đông, Tây, và đồ thờ tự bằng đá. Các tấm bia có niên hiệu Vĩnh Thịnh, Vĩnh Khánh, Cảnh Thịnh chép lại việc dựng thêm thượng điện, tiền đường, tam quan, nội các và tượng tam thế. Sang thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 chùa vẫn tiếp tục được tu sửa, và lần tu sửa lớn nhất là đổi hướng chùa ra phía Nam.
Chùa hiện có quy mô lớn, gồm 100 gian, mang phong cách kiến trúc dân tộc của nhiều thời đại, nhưng đậm nét nhất là phong cánh nhà Nguyễn thế kỷ 17 và 18. Chùa dựng trên thế đất đẹp, thoáng. Trước chùa là hồ nước trong xanh, rộng hàng ngàn mẫu như tấm gương in bóng tam quan, “Thiên thạch đài trụ”, cùng các cây cổ thụ càng tôn vẻ đẹp của tổng thể công trình. Khuôn viên chùa Lương có thể chia làm hai khu vực gắn bó chặt chẽ với nhau.
Những công trình quan trọng tập trung trong hai khu vực chính tất cả có 49 gian bao gồm: Tiền đường, tam bảo, gác chuông, hậu đường và hai dãy hàng lang Đông Tây được liên kết lại theo nối giao mái, bắt vần, tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hoà. Vật liệu xây tường, lợp mái được dùng là gạch Bát Tràng vuông kích thước là 30cm x 30 cm và gói ta.
Nổi bật hơn cả là tiền đường năm gian bảo lưu kiến trúc đậm đà thời hậu Lê. Công trình không vươn theo trục dọc (chiều cao ) mà phát triển theo trục ngang (chiều rộng ) nên có dáng thấp với mái ngói uốn cong mềm mại. Kiến trúc thực hiện theo kiểu: bẩy, kẻ, trụ non, câu đầu-là thứ kiến trúc tiêu biểu của hai thế kỷ 17 và 18.
Khu vực thứ hai là chùa Lương bao gồm nhà tổ Quan âm các nhà khách, tăng phòng, nhà trọ, nhà bếp… bao gồm 49 gian lớn, nhỏ cũng xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Phía Bắc chùa có hàng chục tháp mộ, gắn với tổng thể kiến trúc của ngôi chùa. Khách tham quan sẽ thấy rất thú vị trước giếng nước chùa Lương bởi sự độc đáo: Thành giếng được tạo thành bằng những chiếc cối đá xếp vòng tròn chồng từng lớp nên nhau. Nước giếng trong vắt, tinh khiết, vẫn thường dùng để đồ xôi sửa lễ cúng Phật.
Tổng thể kiến trúc chùa Lương, đặc biệt ở khu vực chính đã thể hiện trình độ điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của những nghệ nhân dân gian. Tài nghệ ấy biểu lộ trên nhiều khía cạnh. Đó là việc tạo nên bộ khung của các hạng mục công trình, đảm bảo sự chắc chắn, độ bền vững qua nhiều thế kỷ mà vẫn nhẹ nhàng thánh thoát. Kỹ thuật nắp ráp, làm mộng mẹo ở trình độ cao làm cho các thành phần kiến trúc được liên kết với nhau rất khít mộng, mặc dù ngôi chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa. Đó còn là tài nghệ trong việc tạo dáng các đầu đao, con kìm, trụ, đấu, con giường, bắp quả, cách gia công đường hoành, lá mái, soi chỉ, các góc…
Nghệ thuật điêu khắc cũng rất đặc sắc. Trên các thành phần kiến trúc, nhất là các vì của toà tiền đường tập trung chạm khắc hình tượng con rồng với nhiều tư thế: rồng chầu mặt nguyệt, rồng cuốn thuỷ, rồng vuốt râu, rồng ngậm ngọc, rồng bay, rồng cùng ngựa chim cá vui đùa, trúc hoa long. Nổi bật là hình ảnh “hổ phù” vừa oai phong vừa đẹp đẽ.
Tượng Phật trong chùa được đặt trên hệ thống cầu sàn, tạo dáng sinh động gần gũi với đời thường. Các pho tượng có kích thước lớn như A Di Đà, tứ vị Bồ tát, Bát vị kim cương, hộ pháp càng thể hiện đậm nét phong cách và tài hoa nghệ thuật. Ngoài tượng Phật có giá trị nghệ thuật còn phải kể đến 3 pho tượng Tam Thánh, tượng ông tổ khai sáng, các khám thờ, tượng thờ khác.
Hai dãy hành lang Đông, Tây là nơi lưu giữ một khối lượng lớn văn bia có giá trị về nhiều mặt. Tổng số có gần 40 bia, theo hình thức có thể chia làm hai khối: “Bia vuông tạc tượng, bia tròn ghi công”. Nội dung văn bia phong phú, ngoài các bia hậu nghi công sức đóng góp xây dựng chùa, bia còn ôn lại công lao khai sáng của 4 ông tổ cho biết số lần trùng tu, nâng cấp ngôi chùa, quá trình khai hoang lấn biển và phản ánh nhiều mặt cuộc sống của nhân dân Quân Anh…Với khối lượng bia nhiều như thế nên tiền nhân đất Quần Anh đã phân chia thành 3 nhóm để tiện tra cứa căn cứ vào niên hiệu đời vua, bia được dựng theo các nhóm: Nhóm Hồng Thuận, nhóm Chính Hoà, nhóm Cảnh Hưng.
Chùa Lương khi mới được xây dựng chỉ gồm 5 gian lợp cỏ khô. Đến nay, chùa đã mở rộng lên cả trăm gian. Phía trước chùa có một hồ rộng bờ xây bằng đá, hàng cây uốn lượn xung quanh, mặt nước như tấm gương in bóng “Thiên đài thạch trụ”. Suốt 500 năm qua, chùa vẫn ẩn mình đằng sau những tán cây cổ thụ oai hùng. Nếu nhìn từ xa, chúng ta sẽ chỉ thấy được chiếc cổng và khu Tam quan của ngôi chùa. Kiến trúc của chùa Lương mang đậm phong cách của thế kỷ 17-18. Chùa quay hướng Nam, chia làm 2 phần gắn bó chặt chẽ với nhau. Chùa còn lưu giữ được 79 tượng Phật đồ sộ hiếm có. Tượng Phật sinh động, phản ánh 5 giai đoạn tu hành từ khi sơ sinh, hiện tại, quá khứ, niết bàn…
Cách đó 100 mét có một cây cầu mang tên cầu Ngói, kiến trúc vô giá ở nước ta. Vì cầu nằm trên mảnh đất thế “Long” nên được xây dựng với một kiến trúc hoàn toàn khác lạ. Cầu Ngói cũng có tên gọi khác là Thượng gia hạ kiều (trên nhà dưới cầu).
Phần phía trên hoàn toàn được làm từ gỗ lim, mái được lợp bằng ngói vảy rồng. Tổng cộng 9 gian lớn bé được thiết kế hết sức cầu kỳ, điêu luyện. Điều đặc biệt, cầu được đặt hoàn toàn trên 18 chiếc trụ đá chắc chắn. Mỗi trụ đá cao khoảng 4 – 5 mét, phần chân chôn sâu xuống lòng sông, bên trên ăn khớp với thân cầu.
Giữa trụ và thân cầu không hề có bất cứ một chất kết dính.Cầu Ngói có bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỉ. Từ nề, mộc đều đạt tới độ điêu luyện. Bộ khung cầu vừa chắc chắn lại vừa mềm mại, uốn lượn như con rồng đang vươn mình bay lên. Cầu vừa là nơi đi lại, vừa là nơi để khách bộ hành dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh quan sông nước.
Buổi đầu còn đơn sơ lợp cỏ, đến thế kỷ XVII cầu được tu sửa quy mô hợp với cảnh chùa Phúc Lâm, qua nhiều năm nhưng vẫn mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền Việt Nam, là một di tích độc đáo của trấn Sơn Nam Hạ xưa và Nam Định nay. “Cầu Nam, Chùa Bắc, Đình Đoài”. Cầu Ngói, chợ Lương là một trong ba cây cầu đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.
Quần thể di tích lịch sử văn hoá Cầu Ngói – Chùa Lương, một công trình quý báu với thành quả lao động, trí tuệ, sáng tạo, bàn tay tài hoa, công lao to lớn, tổ tiên Quần Anh đã để lại cho hôm nay một danh lam thắng cảnh mang đậm bản sắc văn hoá quê hương.
Trong những năm qua khu di tích được đón nhiều quý khách trong và ngoài nước về tham quan. Ban di tích cùng nhà sư bản tự và nhân dân từng bước tu sửa, bảo vệ di tích được trường tồn.
Từ xưa, chùa Lương đã là một cảnh quan kỳ thú có một không hai của đất Nam Định. Hàng năm, cứ vào tháng 3, dân làng mở hội, gọi là “vào đám cầu phúc” (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà). Ngày nay, lễ hội được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng ba (âm lịch).
Ngày 26/3/1990, chùa Lương được nhà nước cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá. Nhà nước dành kinh phí trùng tu, bảo dưỡng để giữ gìn di tích. Chùa đã trở thành một điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
- Bí ẩn khó giải về mộ phần Hưng Đạo Vương
- Chùa Đại Bi – Nam Định
- Những địa điểm du lịch nhân dịp 2-9 tại Nam Định
- Linh thiêng của ngôi chùa Cổ Lễ – Trực Ninh Nam Định
- Huyền Trân Công Chúa – Sứ giả hoà bình thời Trần
- Căn nhà nắng chiếu khắp phòng tại Nam Định đẹp lung linh trên báo ngoại
- Kẹo Sìu Châu – đượm hồn quê xứ thành Nam
- Ý Yên: Lật tàu chở đá, hai vợ chồng chết và mất tích
- Làng ươm tơ bằng tay nổi tiếng nhất Việt Nam
- Về thông tin trụ móng cột điện lẫn đất: Đã có kết quả kiểm tra thực tế
- Nhọc nhằn mưu sinh bên ‘hỏa ngục’ giữ nghề thổi thủy tinh
- Nguyễn Đức Tùng quê Nam Định xuất sắc giành giải nhì cuộc thi Hải Phòng – Sao Mai 2018
- Vụ truy sát đẫm máu tại Nam Định: Đã bắt được 2 đối tượng gây án
- Vụ nhân viên quán karaoke bị đâm tử vong ở Nam Định: Gia cảnh nạn nhân éo le, còn nuôi mẹ già, con nhỏ
- Nam Định:Nông dân tố cáo trụ điện gian dối
- Nam Định: Đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ
- Mỹ Lộc: Phá sới bạc của anh em sinh đôi đúng ngày tân gia
- Nam Định: Người đàn ông mất một nửa hộp sọ sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng
- Biến lớn tại Ngã 6 Nam Định
- Người dân Nam Định gia cố nhà cửa, đắp bao tải cát trước nhà ứng phó với bão số 3
- Hơn 200 phật tử Nghệ An tham gia lễ đúc tượng Phật tại Nam Định
- Bánh khúc Thành Nam