Có một nghề đặc biệt, không phải ai cũng dám làm

Có một nghề đặc biệt, không phải ai cũng dám làm

Giữa lòng sông ô nhiễm, nơi mà ai đi qua cũng phải bịt mũi vì mùi hôi thối, vẫn có những người ngày ngày trầm mình trong dòng nước đen kịt, bất kể ngày nắng hay mưa, đông hay hè, làm công việc mà không phải ai cũng dám làm.

Mỗi khi có việc phải đi ngang qua các đoạn sông bị ô nhiễm ở Hà Nội như sông Tô Lịch, Kim Ngưu hay những đoạn cống mở nắp, nhiều người không khỏi choáng váng bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Thế nhưng lại có những người sẵn sàng trầm mình dưới dòng nước thối, lội sâu trong ống cống, làm những công việc mà chẳng ai dám làm.

Những ngày gần đây, hàng chục công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thường xuyên phải ngụp lặn trong dòng nước đen kịt của dòng sông Tô Lịch để thực hiện việc nạo vét bùn, khơi thông dòng chảy định kỳ vào mùa khô hằng năm.

Công việc hằng ngày của những công nhân này là trầm mình dưới lòng sông đen ngòm, hôi hám, độc hại hay những cống ngầm sâu dưới lòng đất, đặc quánh bùn lầy suốt nhiều giờ đồng hồ.

Anh Lê Văn Thu (công nhân của Xí nghiệp Thoát nước Hà Nội) tâm sự: “Cái nghề này nó kén người, bởi để theo được nghề thì phải có sức khoẻ, khả năng chịu đựng cao lắm. Dưới lòng sông không chỉ có nước bẩn đen kịt, dầu mỡ, mà còn có cả bơm kim tiêm, mảnh vỡ thủy tinh, sành sứ…. đủ cả. Dù có mặc đồ bảo hộ cũng không bảo vệ nổi. Việc sây sát, chảy máu hay rách da là chuyện thường.”

Theo những công nhân của xí nghiệp, vất vả nhất là những khi phải đi kiểm tra, nạo vét rác thải và bùn từ những hố ga và cống ngầm. Bởi việc phải ngâm mình trong những lòng cống sâu hơn 3m, ngập đầy nước thải đen ngòm, thiếu không khí hay thậm chí bị nước xả hầm cầu bất ngờ trút xuống đầu là những nỗi vất vả mà chỉ có người trong nghề mới hiểu và thông cảm cho nhau được.

“Vào những ngày nắng nóng, oi bức khi đó nước thải bốc lên mùi còn kinh hơn những ngày này. Hồi mới vào làm tôi không quen còn suýt ngất mấy lần. Lâu dần mãi cũng quen, biết là vất vả nhưng do hoàn cảnh mưu sinh nơi thành phố khó khăn nên dù sao cũng phải làm việc để kiếm sống”, anh Tú (công nhân Xí nghiệp Thoát nước Hà Nội) chia sẻ.

Các công nhân cho biết, trước kia khi kỹ thuật nạo vét cống còn thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người, phải khơi cống bằng bồ cào, xẻng, thậm chí bị sụt bùn hay đáng sợ nhất đó là bị sặc nước cống, đã có trường hợp phải đi rửa ruột cấp cứu. Ngày nay, nhờ vào những công cụ hiện đại như máy xúc, xe hút thì công việc của người công nhân cũng đỡ vất vả hơn trước.

“Thế nhưng ngày ngày phải làm việc trong môi trường độc hại nên sức khoẻ bị ảnh hưởng ghê gớm lắm. Chỉ làm một thời gian là đau đầu, tức ngực, khó thở, nhiều đồng nghiệp của tôi mới cầm được sổ hưu vài tháng đã mất rồi…”, anh Thu buồn bã nói.

Một chiếc bát hương sứt mẻ được công nhân vớt dưới lòng sông đặt lên xà lan. Những vật cứng, sắc nhọn thế này luôn là nỗi ám ảnh gây ra thương tích cho người công nhân làm công việc thoát nước, nạo vét bùn.

Một ngày, các công nhân nạo vét phải ngâm mình dưới nước khoảng 8 giờ đồng hồ để điều chỉnh ống hút và loại bỏ những mảnh rác lớn gây cản trở đầu ống.

Khối lượng công việc mà các công nhân phải đảm đương là rất lớn. Mỗi ngày họ phải nạo vét và vận chuyển hàng trăm m3 bùn từ con sông Tô Lịch đi xử lý.

Bùn sau khi được nạo vét dưới lòng sông sẽ được xe bồn vận chuyển đến bãi tập kết để xử lý, hàng nghìn m3 bùn dưới sông Tô Lịch đã được đơn vị nạo vét và đưa đi nơi khác những ngày qua.

Một công nhân đang ngồi nghỉ ngơi sau nhiều giờ trầm mình dưới dòng nước đen kịt. “Dù có đôi lúc mặc cảm về nghề, gặp người quen đôi khi phải xấu hổ quay mặt đi để tránh. Thế nhưng cũng có lúc tôi thấy rất tự hào vì mình đang làm công việc rất chân chính, cũng có phần dũng cảm bởi đây là công việc mà không phải ai cũng dám làm”, người công nhân này chia sẻ.

Theo Việt Linh (Dân Việt)


TOP