Đê biển Thịnh Long và hệ thống đê điều của tỉnh có nhiều hạn chế đáng lo ngại

Đê biển Thịnh Long và hệ thống đê điều của tỉnh có nhiều hạn chế đáng lo ngại

Với 72km bờ biển và hàng trăm km sông các loại, hệ thống đê của tỉnh ta khá đa dạng. Mặc dù đã được đầu tư củng cố, nâng cấp nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến nhanh đã gây ra tác động tiêu cực đến hệ thống đê điều của tỉnh. Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương không chỉ đe dọa an toàn công trình mà còn gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Gia cố đê biển Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) sau bão số 10 năm 2017.

Toàn tỉnh có 663km đê, trong đó 365km đê cấp I đến cấp III (gồm 91km đê biển, 274km đê sông) và 298km đê dưới cấp III; tổng các đoạn kè gần 150km. Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, đến nay tỉnh đã nâng cấp hoàn chỉnh nhiều tuyến đê trực diện với biển và nâng cấp nhiều tuyến đê sông. Tuy nhiên, những dự án đê kè biển được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, kinh phí phân bổ trong nhiều năm khiến việc thi công phải kéo dài. Trên các tuyến đê sông của tỉnh hiện vẫn còn nhiều đoạn xung yếu như: 17km đê hữu sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) cao trình đê thấp hơn thiết kế bình quân 0,6-0,8m. Trong 21 công trình kè sông (xây dựng từ những năm 1970-1980 đã bị sạt lở, hư hỏng) phải xử lý cấp bách, hiện vẫn còn nhiều kè chưa được đầu tư nâng cấp như: Quy Phú, Giao Hương đê hữu sông Hồng; Trực Bình, Trực Mỹ, Trực Đại đê tả, hữu sông Ninh Cơ; Đống Cao đê hữu sông Đào… đe dọa nghiêm trọng đến an toàn đê. Sáng 15-9-2017, cơn bão số 10 có gió cấp 6, giật cấp 8 tại Văn Lý (Hải Hậu) đổ bộ đúng ngày biên độ triều lớn, mực nước dâng lớn nhất trong bão từ trước đến nay, sóng tràn qua mặt đê cao từ 3-4m gây thiệt hại tại nhiều đoạn. Tại huyện Hải Hậu, khu vực bãi tắm Thịnh Long ngập sâu từ 1-1,5m; phía biển sạt sập kè gần 300m2 tại các kè Đinh Mùi, Hạ Trại, Hải Thịnh II; kè du lịch Thịnh Long vị trí Km22+400 đến Km25 hư hỏng toàn bộ 250m đầu tuyến kè và đường vào bãi; mái đê biển phía đồng bị phá hủy và hư hỏng nặng khoảng 2.730m (trong đó bị phá hủy dầm 1.470m, hư hỏng nặng 1.260m) tại Cồn Tròn, Hải Thịnh II, III; đê tả sông Ninh Cơ xã Hải Ninh sạt 400m, có 20m tới mặt đê. Huyện Giao Thủy: đê Giao Thiện, Giao Hương bị sạt 800m dài, nhiều đoạn sạt đến mặt đê bê tông; đê ang Giao Phong mái đê phía biển bị xói dài 170m, sạt 50m mái đê phía đồng; mái kè phía biển 2 bên mang cống Thanh Niên bị phá hỏng 144m2. Tuyến đê hữu sông Ninh Cơ huyện Nghĩa Hưng xấp xỉ tràn 9,3km… Từ ngày 2 đến 15-10-2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn, lượng mưa đo được bình quân toàn tỉnh 502,8mm cũng đã làm thiệt hại nhiều tuyến đê sông, đê biển. Tại huyện Hải Hậu; kè Hải Thịnh II, III các hố sạt cũ phát triển mở rộng và sâu thêm; các mỏ kè số 1, 2, 3, 4 và 5 tại kè bãi tắm Thịnh Long tiếp tục bị sóng đánh sạt cấu kiện; tuyến đê hữu sông Sò tại xã Hải Phúc bị sạt lở mái phía đồng dài 40m, sâu từ 1-1,2m. Ngoài ra, mưa lớn còn làm kè bãi tắm Quất Lâm (Giao Thủy) bị sập khoảng 295m; sạt lở mái đê phía sông 2 đoạn đê hữu sông Đào thuộc xã Đại Thắng (Vụ Bản) dài 290m; tại huyện Nghĩa Hưng, đê tả sông Đáy qua xã Nghĩa Hùng 4 đoạn bị sạt tới mặt đê phía sông, xã Nghĩa Hồng dọc 2km xuất hiện nhiều lỗ rò qua đê; đoạn tường kè đê tả sông Ninh Cơ ở khu vực Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) có hiện tượng nước thấm qua tường kè; tại Km27+900 đến Km27+950 đê tả sông Ninh Cơ huyện Trực Ninh thẩm lậu mái đê phía đồng… Đáng chú ý tại huyện Ý Yên vỡ tràn bờ bao xã Yên Bằng dài 20m khiến nhà của hơn 200 hộ bị ngập, ngập toàn bộ hoa màu, ao cá; tràn và vỡ bờ bao xã Yên Phúc làm nhà ở của 20 hộ dân bị ngập; tại Km150+200 xã Yên Bằng xuất hiện mạch đùn sủi trên ao phía đồng; lỗ rò, thẩm lậu thân đê tại 6 xã Yên Phương, Yên Hưng, Yên Phong, Yên Quang, Yên Bằng, Yên Khang… Những sự cố về đê sông, đê biển trong các đợt bão, lũ vừa qua cho thấy thực trạng hệ thống đê điều của tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế đáng lo ngại trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, bất thường. Các tuyến đê sông đã lâu ngày chưa được thử thách, khi có lũ đã bộc lộ nhiều sự cố bất ngờ chưa lường hết được. Mức độ đảm bảo chống bão đối với tuyến đê biển đã nâng cấp chống được bão cấp 10, triều trung bình tần suất 5% theo tiêu chuẩn cũ. Tuy nhiên theo tiêu chuẩn thiết kế mới có tính đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì đê biển Hải Hậu, Giao Thủy phải đạt cao trình (+6,8), Nghĩa Hưng (+6,1). Như vậy đê biển Giao Thủy và Hải Hậu còn thấp hơn cao trình yêu cầu xấp xỉ 1,5m. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra phức tạp; tập trung ở những khu vực dân cư đông đúc, thị trấn, thị tứ. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, tổng số vi phạm pháp luật về đê điều địa bàn toàn tỉnh có 5.020 vụ. Hình thức vi phạm Luật Đê điều chủ yếu như: xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, chiếm dụng mái đê để trồng cây. Bạt xẻ đê làm lối đi lại; trồng cây, dựng lều quán trên mặt đê, mái đê; đổ rác, phế thải, vật liệu xây dựng trên mái đê, bãi sông; đào ao, đầm nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hành lang bảo vệ đê. Khai thác đất, cát làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền ở lòng sông, bãi biển gần đê không đúng quy định; xe quá tải đi trên đê gây hư hỏng mặt và yếu thân đê; neo đậu tàu thuyền vào mái kè làm bong bật mái kè, thậm chí đào, cậy, phá vỡ mái kè để bắt thủy sản… Cũng theo báo cáo của Sở NN và PTNT, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, các địa phương mới chỉ giải tỏa được 493 vụ, chưa đạt 10% số vụ vi phạm.

Để khắc phục sự cố về đê điều, trong thời gian tới, tỉnh tập trung tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Ninh Cơ, đê tả sông Đáy huyện Nghĩa Hưng; khoan phụt gia cố đê, đắp cơ phản áp các hư hỏng trên tuyến đê tả sông Đáy huyện Ý Yên. Hỗ trợ tu bổ hoàn trả các đoạn đê bị sạt trượt trong đợt lũ vừa qua. Hiện UBND tỉnh đã trình đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do bão số 2, số 4 và ảnh hưởng của xả lũ hồ Hòa Bình trên địa bàn tỉnh tháng 7-2017; đề nghị tu sửa, nâng cấp 14 kè sông xung yếu, đến nay các kè tiếp tục hư hỏng vẫn chưa có hướng tu sửa. Đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống kè mỏ hàn và thêm cơ giảm sóng phía trước các đoạn đê trực diện với biển tại Cồn Tròn, Hải Thịnh III. Sở NN và PTNT cũng có tờ trình xin xử lý khẩn cấp các hư hỏng mái kè phía biển huyện Giao Thủy, Hải Hậu và 5 mỏ kè Hải Thịnh II; xử lý khẩn cấp sạt lở đê Giao Hương, Giao Thiện (Giao Thủy), đê tả sông Ninh Cơ huyện Hải Hậu… Ngoài việc tu sửa, nâng cấp hệ thống đê điều, các địa phương cần tiếp tục tăng cường giải tỏa, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều để trả lại phạm vi bảo vệ an toàn cho công trình, đảm bảo cho công tác phòng chống thiên tai./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh( báo nam định)


TOP