Những thiệt hại ban đầu do bão số 2 tại Nam Định, Thanh Hóa

Những thiệt hại ban đầu do bão số 2 tại Nam Định, Thanh Hóa

Ngày 13/6, báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, bão số 2 đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa phương ven biển.

(Ảnh minh họa: Nguyễn Lành/TTXVN)

Ngày 13/6, báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, bão số 2 đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa phương ven biển.

Do ảnh hưởng của bão, 6 cột điện tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu bị gãy, đổ, ước tính thiệt hại trên 180 triệu đồng; 104 nhà của các hộ dân ở 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hải Hậu bị tốc, hỏng, sập mái hiên, lán tôn, mái ngói, mái fibro xi măng, ước tính thiệt hại trên 350 triệu đồng (trong đó, bị ảnh hưởng nặng nhất là xã Hải Đông 60 hộ, thị trấn Thịnh Long 32 hộ, các xã Hải Triều, Hải Chính, Hải Lý mỗi xã từ 2 – 5 hộ); 7.800m2 nhà bạt che ao nuôi thủy sản của 2 hộ dân ở xã Hải Hòa và Hải Triều (huyện Hải Hậu) bị tốc mái bạt, hỏng hệ thống khung, tường nhà bạt, ước tính thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Trên 50 ao nuôi tôm công nghiệp, tổng diện tích trên 20ha của 50 hộ dân ở xã Hải Triều và Hải Chính (huyện Hải Hậu) bị xé bạt đáy, sạt bờ ao, ước tính thiệt hại trên 250 triệu đồng.

Đặc biệt, sóng lớn đã làm một số vị trí tại mỏ kè số 4 và mỏ kè số 5 của kè Hải Thịnh 2, thuộc tuyến đê biển huyện Hải Hậu bị hư hỏng, ước tính sơ bộ thiệt hại khoảng 2,73 tỷ đồng.

Bão số 2 cũng đã làm 300ha rau màu các loại và trên 1.000 cây bóng mát, cây chắn sóng (chủ yếu mới trồng) tại xã Hải Chính (huyện Hải Hậu) bị ảnh hưởng, gãy, đổ, ước tính thiệt hại khoảng 800 triệu đồng; khoảng 33 ha lúa Xuân chưa thu hoạch ở huyện Mỹ Lộc bị đổ.

Trước đó, trưa 12/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành công điện khẩn yêu cầu, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tập trung triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với mọi tình huống, diễn biến của bão.

Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Nam Định tổ chức lực lượng cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà, các công trình công cộng, đảm bảo an toàn các lồng, bè, trang trại nuôi thủy sản ở ven sông, ven biển; sẵn sàng phương án di dời số lao động nuôi ngao, nuôi thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm ở vùng bãi thấp ven sông, cửa sông vào nơi an toàn…

Các địa phương trong tỉnh kiểm tra, rà soát lại toàn bộ tuyến đê, kè trên địa bàn; có phương án xử lý giờ đầu đối với những vị trí xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; thu hoạch nhanh diện tích lúa Xuân và hoa màu với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” đề phòng mưa to, gió lớn gây thiệt hại nặng.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, đến chiều 12/6, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 70.700 ha lúa, đạt 99% tổng diện tích lúa Xuân và thu hoạch trên 9.970 ha hoa màu, đạt 85% tổng diện tích rau màu vụ Xuân.

Cơ quan chức năng địa phương đã thông tin, liên lạc với người đại diện của tất cả 2.143 tàu, thuyền, với 6.247 lao động; thông báo cho các chủ phương tiện biết hướng di chuyển, diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, tìm nơi trú ẩn an toàn.

Thanh Hóa khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 2

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, song ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão cũng đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương ở Thanh Hóa.

Tính đến 16 giờ chiều 13/6, do ảnh hưởng của mưa bão, toàn tỉnh có hơn 700 ha lúa, mạ, ngô, cây hoa màu bị ngập; 4.813 cây xanh đô thị, cây lấy gỗ, cây ăn quả bị đổ gãy; 150m kênh tiêu nội đồng bị hư hỏng; 3 nhà bị tốc mái tại huyện Nga Sơn…

Trên các tuyến quốc lộ 15C, 16, 47, 217 có 75 vị trí bị sạt taluy dương, sa bồi mặt đường, rãnh dọc với khối lượng khoảng 2.700m3; 10 vị trí bị sạt taluy âm với tổng chiều dài 126m…

Tại thị xã Nghi Sơn, 2 bè mảng của anh Lê Đức Giang và Lê Văn Dương (trú tại phố Đông Hải, phường Hải Hòa) đang trên đường vào tránh bão thì bị hỏng máy, trôi dạt trên biển, mất liên lạc, hiện tỉnh Thanh Hóa đã điều động 1 tàu công suất 2.800 CV của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cùng 2 tàu cá của địa phương tích cực tìm kiếm ngư dân bị nạn.

Bên cạnh đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Ngoài ra, tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tàu cá TH 91677 TS của gia đình ông Trần Văn Khanh bị chìm khi di chuyển vào nơi tránh trú.

Trong ngày 13/6, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập 4 đoàn công tác đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 2 tại các địa phương trong tỉnh.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã có phương án sẵn sàng di dời 4.300 hộ dân với 17.000 nhân khẩu ở khu vực miền núi đến nơi an toàn nếu có tình huống xấu xảy ra./.

Tags:

TOP