Di Chỉ Phủ Thiên Trường Nam Định

Di Chỉ Phủ Thiên Trường Nam Định

Nghiên cứu di sản văn hoá Trần ở Việt Nam, các nhà khoa học ngành xã hội nhân văn khẳng định không nơi đâu lại phong phú và đậm dấu ấn như vùng đất Thiên Trường.

Cung Trùng Quang - Phủ Thiên Trường

Cung Trùng Quang – Phủ Thiên Trường


“Giải mã” từ lòng đất”

Nghiên cứu di sản văn hoá Trần ở Việt Nam, các nhà khoa học ngành xã hội nhân văn khẳng định không nơi đâu lại phong phú và đậm dấu ấn như vùng đất Thiên Trường. Khác với kinh đô Thăng Long, trải qua biến cố lịch sử, dấu vết kinh đô khó xác định thì trái lại, các nhà khoa học đã phát hiện khối lượng di vật phong phú đa dạng tại các địa danh vùng đất Tức Mặc. Từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX, trong khi canh tác, người dân địa phương đã phát hiện nhiều di vật thời Trần dưới lòng đất như: Giếng cổ được tạo bởi 152 chiếc bao nung ở phía sau chùa Phổ Minh, những sản phẩm gốm hoa nâu, ngói, đầu rồng, sành sứ. Các nhà khoa học, đã “khoanh vùng” sự chú ý vào các di chỉ, di tích thời Trần tiêu biểu tập trung tại 4 xã phía bắc thành phố Nam Định là Lộc Vượng, Lộc Hạ, Mỹ Trung, Mỹ Phúc. Qua các đợt khai quật đã tìm thấy 6 mảnh gốm có chữ “Thiên Trường Phủ chế” cho phép suy đoán có thể quanh Phủ Thiên Trường chính là nơi “xuất phát điểm” của gốm hoa nâu; đồng thời là nơi sản xuất các sản phẩm gốm cao cấp cùng với Thăng Long – Hà Nội, Tam Thọ, Thanh Hoá. Đặc biệt, từ tháng 6 đến tháng 12-2006, Sở Văn hoá – Thông tin Nam Định đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát khai quật khu vực các di tích Hậu Bồi, Vạn Khoảnh, Đệ Tam Tây, Lựu Phố và khu vực cánh đồng giữa chùa Phổ Minh và đền Trần với tổng diện tích là 2100m2. Kết quả, đã phát hiện hàng vạn di vật có niên đại và tầng văn hoá kéo dài từ thế kỷ XIII – XIX như: Gạch lát nền hình vuông có chữ “Vĩnh Ninh Tường”, các loại ngói mũi lá, ngói mũi sen kép, mũi sen đơn, ngói cong; dấu tích các bờ đá kè, nền sân, nền gạch, xuất lộ dấu tích kiến trúc mới như dải “hoa chanh”, các ô vuông bát giác dạng “Bồn hoa”, các móng trụ… bước đầu nhận diện về kiến trúc cung Trùng Hoa cổ của các vua Trần. Với hiện trạng nói trên, các di tích vừa được phát hiện có ý nghĩa khoa học rất lớn. Đó là “khám phá” về một mặt bằng kiến trúc hiếm có niên đại chuẩn của thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Các dấu tích kiến trúc ở đây có sự tương đồng với kiến trúc Trần ở Thăng Long, bởi vậy thông qua việc nghiên cứu các di tích này sẽ góp phần xác định niên đại cho nhiều di tích Trần ở Thăng Long – Hà Nội như Đại La, Lý, Lê thuộc khu vực Cấm Thành. Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ di sản: Những di tích, di vật được phát hiện qua đợt khai quật có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, là cơ sở khoa học khẳng định Hành cung Thiên Trường là kinh đô thứ 2 của nhà Trần sau Thăng Long.

Nghiên cứu tổng thể chùa Tháp, giới nghiên cứu đã tìm thấy nhiều dấu ấn mang tính đặc trưng của văn hoá Trần. Đặc biệt là hệ thống chân tảng chạm cánh sen (có kích thước 60cm x 60cm, thậm chí có viên tới 75cm x 75cm) được xếp đặt theo đồ án kiến trúc kiểu chữ công (I). Có thể coi đây là đồ án kiến trúc mặt bằng theo kiểu chữ công (I) sớm nhất của các ngôi chùa Việt Nam vẫn còn được định vị và các thế kỷ sau tiếp tục bảo lưu và phát triển thành “Nội công ngoại quốc”. Trước chùa là cây tháp Phổ Minh, cây tháp cổ được xây dựng qua 7 thế kỷ, có thể nói còn khá hoàn chỉnh (những cây tháp chùa trước đó bị quân Minh phá huỷ thế kỷ XV). Các nhà xây dựng, kiến trúc đã kiểm định, qua 700 năm cây tháp chỉ nghiêng chưa tới 1 độ, với một kết cấu nền móng tháp bền vững. Nền móng xây tháp được thừa kế kỹ thuật xây tháp thời Lý, nhưng được xử lý hết sức kỹ thuật ở vùng đồng chiêm trũng: Nghệ nhân xưa chỉ dùng sỏi, đất sét đầm chặt ở một độ sâu 25cm, với bình diện 8m x 8m để xây toà tháp lên trên. Tầng đế tháp được xây theo kiểu khám thờ với các chi tiết chạm khắc sóng nước, mây trời, hoa chanh, hoa cúc, cỏ linh chi… đó là những biểu dạng của tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm. Và, cũng ở ngôi chùa này, thượng điện được thờ bộ ba Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) cùng đồng thời với bộ ba Đức Phật tổ: Phật Thích ca, Átlan, Ca diếp. Tượng Trần Nhân Tông niết bàn được biểu đạt hình tượng một vị Phật tổ, một đấng Quân vương đã làm trọn nhiệm vụ với non sông đất nước (lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên – Mông) đồng thời là người tiếp thu đạo Phật một cách sáng tạo, và đề xuất ra một tông phái Phật giáo phù hợp với điều kiện địa lý, nhân văn của Đại Việt thế kỷ XIII mang tinh thần tự lập, tự cường, giàu lòng nhân ái và tính nhập thế sâu sắc. Chính những tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm phù hợp với đặc điểm địa – văn hoá Việt Nam, nên nó có sức sống lâu bền qua suốt 7 thế kỷ nay.

Cung Trùng Hoa - Phủ Thiên Trường

Cung Trùng Hoa – Phủ Thiên Trường


Diện mạo văn minh Thiên Trường

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhà Trần đã xây dựng miếu để thờ cúng tổ tiên từ trước khi Trần Cảnh lên ngôi vua: “Tân Mão năm thứ 7 (1231), tháng 8 mùa thu, nhà vua ngự đến hành cung Tức Mặc làm lễ hưởng ở Tiên Miếu”. Tấm bia Nam Mặc miếu trách bi ký dựng năm Duy Tân 9 (1915) có đoạn: “Tức Mặc đế hương dã, Trần Miếu tại yên” (Tức Mặc là quê hương của nhà vua, miếu nhà Trần ở đấy). Vùng đất Tức Mặc, nơi dấy nghiệp và lập căn cứ địa của 3 lần chống giặc Nguyên – Mông, theo thuyết phong thuỷ xưa có dạng ngoạ long là thế đất đẹp, phát về đường đế vương, khanh tướng. Thực tế lịch sử triều đại Trần – đỉnh cao của văn minh Đại Việt với rất nhiều đức anh quân, văn thần, võ tướng đã minh chứng.

Ngay từ năm 1239, Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều Trần đã cho xây dựng ở đây nhiều đền đài, cung điện nguy nga, tráng lệ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Đến năm 1262, vào tháng 2, Thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc ban tiệc to. Đổi hương Tức Mặc làm Phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại mà cung riêng cho vua đương triều đến chầu ở, gọi là cung Trùng Hoa… Từ đây về sau các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này”. Bao bọc khu cung điện là dinh thự, thái ấp của các tướng lĩnh cao cấp của triều đình. Thái ấp Quắc Hương của Thượng phụ Thái sư Trần Thủ Độ, thái ấp Cao Đài của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải…Trong suốt 175 trị vì, Phủ Thiên Trường được coi như kinh đô thứ 2, là phên dậu vững chắc phía Nam kinh thành Thăng Long. Nhà thơ đương thời Phạm Sư Mạnh từng ca tụng:

Tức Mặc hành đô cảnh lạ lùng
Dân vui đời thịnh lại thuần phong

Dấu tích về một Vương triều vàng son còn lưu lại đến nay qua hệ thống di sản văn hoá đậm đặc và phong phú, với những ngọc phả, gia phả, thần tích ghi lại những hoạt động dựng nước và giữ nước của hoàng gia, công hầu triều Trần trên mảnh đất này. Bên cạnh đó là hàng loạt địa danh cổ như: Cánh đồng Nội Cung, Cửa Triều, Kho Nhi (thuộc nội cung xưa); Vườn Dinh, Vườn Quan, Cảnh Phú (dinh thự của các quan, nơi quan tập trung trước khi vào bái kiến Thượng hoàng); các làng Phù Hoa, Lựu Phố, Liễu Nha để vua quan đi vãn cảnh; Phượng Bông khu ở cũ của ca vũ; Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ. Văn Hưng, Cồn Đình (nơi giảng văn, hội Tao Đàn tụ họp); Ao Bến trên bờ sông Vĩnh Giang, hồ Bến Đinh, căn cứ thuỷ quân của nhà Trần… Những di vật khảo cổ học phát hiện từ trước đến nay đã giúp cho đời sau hình dung phần nào diện mạo, quy mô rộng lớn của hành cung Thiên Trường xưa. Ngoài ra, Nam Định đang sở hữu 225 di tích liên quan đến nhà Trần, phân bố trên phạm vi rộng, ở tất cả các huyện. Trong đó, đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) và khu di tích Lịch sử – Văn hoá Đền Trần, Chùa Tháp phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) được xem là điển hình của di sản văn hoá Trần ở Việt Nam. Theo Nam Định dư địa chí của Ngô Giáp Dậu, Bảo Lộc là nơi lập ấp của An Sinh Vương Trần Liễu gọi là ấp An Lạc. Cuốn Thái Vi quốc tế ngọc ký phần ngọc phả nhà Trần cũng ghi rõ “… Khu Thiên Bồi dành cho Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, khu Bảo Lộc dành cho Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tất cả đều đặt dân tạo lệ, ấp thang mộc”. Còn đền Cố Trạch, đền Thiên Trường, ngày nay được xây dựng trên nền cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa của nhà Trần. Nơi đây từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, lưu giữ nhiều hình thức lễ nghi, hội hè, các phong tục cổ truyền độc đáo của dân tộc. Đặc biệt, mỗi dịp Tháng 8 giỗ Cha, lễ hội Trần lại tưng bừng diễn ra với các hoạt động phong phú, đặc sắc: Chọi gà, biểu diễn võ thuật 3 thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, múa bài bông… với ý nghĩa tưởng nhớ các nhân vật anh hùng, tướng lĩnh kiệt xuất thời Trần, tôn vinh triều đại Trần, nhiều thế kỷ qua, những di tích này luôn được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Ở các triều đại phong kiến, đền Trần được tu sửa lớn vào các năm Chính Hoà 15 (1694), Tự Đức 6 (1853), Duy Tân 9 (1915). Hiện tại, cùng với chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), Khu di tích Phủ Giầy (Vụ Bản), Khu di tích Đền Trần – Chùa Tháp được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, được Chính phủ phê duyệt xây dựng quy hoạch tổng thể để bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị, cùng với văn hoá đất nước vững vàng bản sắc trong thế đứng của cộng đồng văn hoá nhân loại.


TOP